Với tốc độ giảm ở mức khá, kịch bản đảo chiều cần 3-4 phiên giao dịch mới có thể được xác nhận. Vì vậy, nhà đầu tư chờ mua vào chưa có lý do phải vội vàng.
Chứng khoán Dầu khí-PSI:
HNX-Index vẫn có xu hướng giảm ngắn hạn
Tuần qua thị trường đón nhận một số thông tin vĩ mô quan trọng. Mức tăng CPI tháng 12 lên tới 0,53% và lạm phát cả năm ở mức 18,13% cũng không nằm ngoài những dự báo trước đó. Mặc dù vậy, trước xu hướng đi lên của giá thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng, giới đầu tư vẫn lo ngại sức ép lạm phát lên các tháng đầu năm 2012, đặc biệt là sau khi giá điện chính thức tăng 5%.
Bên cạnh đó, nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục là vấn đề quan ngại lớn trong thời sắp tới. Những yếu tố này có thể đã có sự tác động mạnh tới tâm lý thị trường trong tuần qua và khiến nhà đầu tư càng thận trọng hơn.
Trong tuần tới, VN-Index sẽ kiểm chứng ngưỡng 350 điểm. Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến thị trường tại vùng điểm này, đặc biệt là xu hướng giao dịch của khối ngoại trên sàn TP. Hồ Chí Minh.
Đối với sàn Hà Nội, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn có nguy cơ tiếp tục, tuy nhiên chỉ số có hỗ trợ mạnh tại vùng 55 điểm, do đó nhà đầu tư có thể tiếp tục chờ đợi để có cơ hội giải ngân tốt hơn.
Chứng khoán VNDirect-VNDS:
Việc mua vào sẽ đối mặt với rủi ro bào mòn tài khoản cao
giá cổ phiếu ở mức giá thấp nhất trong lịch sử dù có tạo ra lực cầu bắt đáy thì lực cầu này vẫn thể hiện khá dè dặt. Chúng tôi đánh giá lực cầu này hiện tại có thể xoa dịu thị trường, khiến cho tốc độ giảm điểm trong các phiên tới có thể giảm bớt hơn, còn để khẳng định thị trường có nhịp phục hồi ngắn hạn chúng ta vẫn cần phải có các tín hiệu tích cực hơn về mặt điểm số và thanh khoản.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm xu hướng lớn của thị trường là giảm điểm và thận trọng trong tất cả các quyết định giải ngân, việc mua vào sẽ đối mặt với rủi ro bào mòn tài khoản cao.
Chứng khoán BIDV-BSC:
Nhà đầu tư chờ mua vào chưa có lý do phải vội vàng
Thị trường thế giới thể hiện xu hướng ổn định. DJIA và giá dầu hồi phục sau khi giảm trong tuần trước, tiếp tục dao động trong vùng được thiết lập 1 tháng trở lại đây. Dao động có xu hướng ổn định dần, khả năng xảy ra kịch bản đột biến không cao.
Mức hồi phục cho thấy có dấu hiệu để lạc quan, tuy nhiên chưa rõ ràng, và nếu có thể trở thành hiện thực thì cường độ cũng không lớn. EUR không tăng cùng với các thị trường khác cho thấy nguy cơ với khu vực này chưa giảm đáng kể, nhưng vấn đề này có thể dần rút lui khỏi vị trí độc tôn cần quan tâm.
Mức tăng CPI nằm trong khoảng 0,5%-0,6% hoàn toàn nằm trong kì vọng, vì vậy thị trường không có biến động bất thường so với xu hướng trước đó. Mức tăng dưới 0,5% của vài tháng trước do điểm rơi của chính sách tiền tệ, giá hàng hóa giảm mạnh, và yếu tố mùa vụ. Vì vậy kì vọng kéo dài không phổ biến trên diện rộng.
Với tháng trước tết, chúng tôi cho rằng mức tăng dưới 1,5% là đủ để thị trường không có phản ứng bất thường, và mức kì vọng với xu hướng hiện tại có thể xoay quanh 1%. Sau khi đảo chiều mua mạnh trong tuần trước, nhà đầu tư nước ngòai lại tiếp tục bán mạnh và tăng tốc dần về cuối tuần.
Với các xu hướng rõ nét, động thái của khối này thường ít thay đổi nhanh chóng do quy mô lớn. Kì vọng một nhịp tăng đỡ NAV vốn đã yếu lại tiếp tục nhạt nhòa. Đà giảm bị chậm lại do tác động của khối này có thể khiến đợt giảm càng kéo dài.
Xu hướng giảm tuần qua tiếp tục áp đảo với lượng đặt bán lớn hơn đặt mua trong suốt cả 5 phiên giao dịch. Khối lượng giao dịch không có tín hiệu đặc biệt (không tăng mạnh, cũng không cạn kiệt) khiến nguy cơ xu hướng cũ tiếp tục vẫn chiếm ưu thế.
Tuần cuối cùng của năm cũng chịu áp lực tiêu cực từ kì vọng đỡ NAV. Với tốc độ giảm ở mức khá, kịch bản đảo chiều cần 3-4 phiên giao dịch mới có thể được xác nhận. Vì vậy, nhà đầu tư chờ mua vào chưa có lý do phải vội vàng.