Cung chưa đủ cầu
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có trên dưới 40 phim Việt được phát hành. So với giai đoạn trước, đây là bước nhảy vọt ấn tượng, trước hết về mặt số lượng. Chất lượng phim qua mỗi năm dù chưa ổn định nhưng vẫn luôn có những điểm sáng. Đội ngũ các nhà làm phim Việt ngày càng đông đảo.
Đặc biệt là thế hệ các nhà làm phim gốc Việt ở nước ngoài như: Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Leon Quang Lê, Hàm Trần… về nước đã thổi làn gió mới. Bên cạnh đó, sự tham gia của nhiều thành phần trong đoàn làm phim là người nước ngoài cũng tạo nên sự giao lưu, học hỏi góp phần nâng chất cho phim Việt. Những sự thay đổi về kỹ thuật, kỹ xảo trong làm phim là điều dễ nhận thấy.
Tuy nhiên, so với quy mô và tiềm năng của thị trường, nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt chưa đáp ứng nhu cầu. Đạo diễn Nhất Trung thẳng thắn: “Trải qua gần 20 phim trong nhiều vai trò từ nhà sản xuất (NSX), đạo diễn, tôi nhận định, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện đang rất thiếu. Nếu thua về máy móc, thiết bị thì có thể giải quyết sớm nhưng nguồn nhân lực không dễ dàng. Chúng ta đang đặc biệt thiếu những biên kịch giỏi, kịch bản hay nên thị trường vẫn chỉ có chừng đó đề tài, câu chuyện. Diễn viên quanh đi quẩn lại cũng chừng đó gương mặt”.
Bộ phim Bí mật của gió cho những người trẻ cơ hội sáng tạo, cọ xát
Việc thiếu biên kịch là vấn đề trầm kha của điện ảnh Việt khiến bất cứ NSX nào cũng phải than thở. Đạo diễn Đức Thịnh từng gọi nghề biên kịch là nghề “đập đầu vô tường”.
Đội ngũ biên kịch yếu, thiếu dẫn đến chất lượng kịch bản thấp. Một đạo diễn trẻ cho rằng, nếu có nhiều NSX giỏi sẽ không còn tình trạng các đạo diễn cứ thích là làm phim. Và, khi đó không còn hiện trạng những bộ phim không biết sản xuất để làm gì.
Một thực tế nữa, đó là nhiều người được đào tạo chính quy nhưng không làm nghề. Và ngược lại, nhiều người làm nghề nhưng không được đào tạo. Bên cạnh đó, theo nhiều người làm nghề, nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt ngoài chuyện thiếu còn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp cần thiết.
Chuyển hóa đam mê
Câu chuyện về nguồn nhân lực không phải lúc này mới được đem ra mổ xẻ. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam: “Chúng ta cần có nguồn nhân sự có chuyên môn cao trong lĩnh vực điện ảnh. Để thực hiện được điều này rất cần các chính sách, chủ trương và hoạt động thiết thực nhằm đào tạo, xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng như tạo ra môi trường phát triển chung với sự đóng góp nhiều bên cho điện ảnh”.
Việc giải quyết nguồn nhân lực phải bắt đầu từ gốc, tức là vừa phát hiện, vừa tạo cơ chế chính sách hợp lý để đào tạo, nuôi dưỡng. Mỗi năm điện ảnh Việt cũng phát hiện không ít những gương mặt diễn viên, đạo diễn, biên kịch trẻ tiềm năng, nhưng đa số còn bản năng nên không hẳn ai cũng đi được đường dài.
Chuyên gia Đan Mạch Jakob Kirstein Hogel khi nghiên cứu về điện ảnh Việt Nam đã nhìn nhận: “Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể làm phim chỉ trong một ngày và thậm chí một số trường hợp làm phim thành công còn được thực hiện bằng những thiết bị nghiệp dư, nhưng việc sản xuất phim chất lượng cao và liên tục đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ có năng lượng tràn trề và tinh thần sẵn sàng tự làm”.
Liên quan đến công tác đào tạo, dự thảo xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi cũng đặt ra: “Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy tại các trường điện ảnh quốc gia; hỗ trợ cử sinh viên xuất sắc đi học tập ngắn hạn, dài hạn về nghệ thuật, kỹ thuật, quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển”.
PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết, đến năm 2026 dự kiến Việt Nam đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh sang nước ngoài học tập. 12 tài năng điện ảnh đầu tiên đã được đưa đi, trong đó có 10 người đi Mỹ, 2 người đi Australia.
Theo chuyên gia Jakob, có 2 yêu cầu được đặt ra liên quan đến việc đào tạo. Thứ nhất, giảm bớt lý thuyết, tăng sự thực hành, cọ xát. Kỹ năng làm phim là điều quan trọng. Kỹ năng làm phim tốt bao gồm cả kiến thức về cách làm phim với chi phí thấp mà vẫn có thể cạnh tranh ít nhất là một phần nào đó với phim ngoại nhập được đầu tư kinh phí lớn.
Thứ hai, làm sao để chuyển hóa sự nhiệt tình, đam mê làm phim, đóng phim nơi những người trẻ để họ xác định đó là nghề sẽ theo đuổi cả cuộc đời. Việc đào tạo hãy bắt đầu từ khâu kịch bản, NSX, kỹ thuật phim ảnh… thay vì chỉ là đào tạo đạo diễn, diễn viên.
Để đi lên chuyên nghiệp thực sự, điện ảnh Việt cần bắt đầu từ ý thức xây dựng ê kíp, phân công lao động rõ ràng và truyền được tinh thần đó đến mỗi thành viên, kết nối họ bằng tình cảm. Những bước tiến về mặt hình ảnh, âm nhạc, âm thanh, kỹ xảo… cũng xuất phát từ sự chuyên nghiệp và điều này cần được nhân rộng đến tất cả các khâu để điện ảnh Việt có thể phát triển tương xứng với tiềm năng.