Năm 2010, Công ty Minh Hằng được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 983ha rừng và đất rừng tại các tiểu khu 213, 218, 226, 231 (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) để thực hiện dự án đầu tư trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, công ty này được phép trồng thí điểm 100ha cao su trên những vùng đất trống, rừng nghèo, cây thưa thớt. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án trồng cao su của Công ty Minh Hằng dường như “phá sản”, khi hầu hết diện tích cao su không phát triển, chết. Ngoài việc thất bại trong dự án cao su, công ty này còn buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng để cho người dân phá, lấn chiếm hàng chục hécta rừng.
Có mặt tại tiểu khu 213 xã Ya Tờ Mốt, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Minh Hằng, phóng viên ghi nhận hàng chục hécta rừng, đất rừng đã bị san ủi, chia lô, thửa để trồng hoa màu. Thời điểm phóng viên có mặt, một máy ủi vẫn đang hoạt động, san ủi đất tại khu vực, cạnh đó nhiều diện tích dưa hấu, mì, mía… đã mọc tươi tốt. Tiếp tục đi sâu vào trong, tại các khoảnh rừng giáp với khu vực san ủi, nhiều cây rừng có đường kính từ 10-20cm đã bị cắt hạ, nằm ngổn ngang. Nhiều người dân cho biết, đất rừng nhưng đã bỏ hoang từ lâu nên Công ty Minh Hằng cho thuê trồng hoa màu.
Trao đổi qua điện thoại, bà Trịnh Thị Phương Thùy, Phó Giám đốc Công ty Minh Hằng, cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, bà đã giao việc quản lý, bảo vệ rừng lại cho nhân viên của công ty. Tuy nhiên, nhân viên của công ty thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo nên để cho người dân ngang nhiên vào san ủi, lấn chiếm đất của đơn vị quản lý.
Theo Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt Đặng Công Tạo, tình trạng san ủi đất rừng tại tiểu khu 213, 218 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Minh Hằng diễn ra rầm rộ vào những tháng gần đây. UBND xã đã vào kiểm tra và phát hiện có 20ha đất lâm nghiệp và 20ha đất có rừng thuộc lâm phần của Công ty Minh Hằng quản lý bị san ủi thành từng lô, thửa để sản xuất nông nghiệp. “Chúng tôi liên hệ với Công ty Minh Hằng để giải quyết vụ việc, tuy nhiên lãnh đạo công ty cho biết đang ở TPHCM, và do dịch Covid-19 nên chưa thể lên để giải quyết. Xã cũng báo cáo vụ việc lên UBND huyện để có hướng xử lý”, ông Tạo nói.