Nhân tố quyết định thành bại của Nga và Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao

Cả Nga và Ukraine đều đặt cược vào thời gian như một nhân tố quyết định thành bại của mình trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài hiện nay.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước qua tháng thứ năm. Một cuộc chiến với nhịp độ nhanh và nhiều biến động trong giai đoạn đầu nay đã trở thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài mà cả hai bên đều không mong muốn. Trên thực tế, phương Tây cho rằng chiến lược ban đầu của Nga là áp đảo lực lượng phòng thủ của Ukraine, kiểm soát Kiev và buộc chính quyền Ukraine phải đầu hàng có điều kiện. Trong khi đó, chiến lược của Ukraine là kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với Nga, kết hợp với những nỗ lực chiến đấu để buộc quân đội Nga phải rút khỏi quốc gia này.

Nhân tố quyết định thành bại của Nga và Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao ảnh 1

Hệ thống tên lửa phóng loạt của lực lượng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) khai hỏa ngày 28/5/2022. Ảnh: AP

Ở cấp độ chiến lược, giới lãnh đạo quân sự và chính phủ của hai quốc gia đều tiếp tục khẳng định cam kết của mình với những mục tiêu ban đầu. Quân đội Nga tìm cách "phi quân sự hóa" Ukraine trong khi quân đội Kiev muốn đẩy lùi Moscow khỏi lãnh thổ.

Trong khi nhiều nhà quan sát bày tỏ thái độ hoài nghi về việc một trong hai quốc gia có thể đạt được mục tiêu của mình thì cả hai nước đều đang áp dụng những chiến lược để thực hiện những mục tiêu cuối cùng.

Lợi thế và thách thức của Nga

Chiến lược của Nga hiện nay chủ yếu tập trung vào khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine. Tại khu vực này, Nga đã áp dụng chiến thuật "hỏa lực và di chuyển". Chiến thuật này khá hiệu quả trong việc kiểm soát lãnh thổ mặc dù diễn ra chậm, tốn kém và dẫn đến thiệt hại tài sản thế chấp (collateral damage) lớn. Quân đội Nga có thể thực hiện chiến thuật trên nhờ số lượng lớn pháo binh được huy động ở từng Nhóm Tác chiến cấp Tiểu đoàn. Quá trình di chuyển chậm cũng cho phép quân đội Nga che giấu pháo và hệ thống phòng không, hạn chế khả năng của pháo binh và UAV Ukraine.

Thách thức lớn với chiến lược này của Nga chính là vấn đề hậu cần bởi nó phụ thuộc vào việc cung cấp đạn dược và pháo binh liên tục. Ngoài ra, do di chuyển chậm nên quân đội cũng cần bổ sung lương thực và nhiên liệu liên tục. Nga đã gặp phải một số vấn đề liên quan đến việc cung cấp hậu cần từ đầu cuộc chiến. Bên cạnh đó, cơ cấu chỉ huy của quân đội Nga cần các bốt chỉ huy ở trong các vị trí tương đối sát các mũi tiến công, khiến cho chúng dễ bị tổn thương.

Với việc tập trung chủ yếu vào Donbass, quân đội Nga ở các khu vực khác phần nào không được trang bị đầy đủ các trang thiết bị và thiếu hụt về lực lượng. Trong khi Moscow tuyên bố mục tiêu của nước này là kiểm soát những vị trí chủ chốt để thực hiện các chiến dịch ngoài khu vực Donbass trong tương lai thì mục tiêu lớn hơn của Nga là hạn chế khả năng của quân đội Ukraine và khiến họ hao phí các nguồn lực. Mặc dù quân đội Ukraine được hỗ trợ quân sự đáng kể từ nước ngoài nhưng họ chỉ có nguồn cung hạn chế các hệ thống quân sự tiên tiến.

Lợi thế và thách thức của Ukraine

Không giống như quân đội Nga, phần lớn quân đội Ukraine tập trung ở ngoài khu vực Donbass, những khu vực mà họ tiến hành hàng loạt cuộc phản công để giành lại những thành phố hoặc lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Họ đã đạt được một số tiến triển ở phía Bắc trong nỗ lực giành lại Kharkiv và thậm chí tiến quân về biên giới Nga - Ukraine. Hiện nay, Ukraine tập trung nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ ở phía Nam, đặc biệt là Kherson. Bằng việc giành lại Kherson hoặc thậm chí phá hủy một cây cầu quan trọng của thành phố này, Kiev đang hạn chế khả năng của Nga để đưa quân từ Crimea tới phía Nam và phía Đông Ukraine.

Với Ukraine, Kherson là một mục tiêu chiến lược quan trọng bởi đây là thành phố đông dân nhất mà Nga kiểm soát, đồng thời là thành phố đầu tiên rơi vào tay Nga. Là một cảng biển, thành phố này cũng có tầm quan trọng về kinh tế với Ukraine và việc giành được nó sẽ ngăn cản Nga tiếp cận bờ biển phía Nam hướng tới Odessa.

Mick Ryan, một chiến lược gia quân sự, đồng thời là một vị Tướng đã nghỉ hưu của quân đội Australia nhận định, cuộc tấn công này sẽ buộc Nga phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa duy trì quân ở Donbass hay huy động lực lượng tới phía Nam để bảo vệ Kherson. Nếu Ukraine giành được thành phố này, họ sẽ ở vị thế có thể đe dọa căn cứ hải quân của Nga ở Biển Đen nằm cách đó hơn 240 km tại Sevastopol.

Nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại Kherson là một diễn biến quan trọng trong cuộc xung đột, ông Ryan cho hay.

“Nếu Ukraine có thể giành lại thành phố này, đó là một bước ngoặt".

Eliot Cohen, một sử gia về quân sự, đồng thời là chiến lược gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington cho rằng Kherson có ý nghĩa biểu tượng lớn lao.

"Giành lại thành phố Nga kiểm soát mà không mất nhiều thời gian từ đầu cuộc chiến sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt tâm lý".

Các chiến dịch tấn công bao giờ cũng thách thức hơn các chiến dịch phòng thủ. Các nhà phân tích thận trọng đánh giá, Ukraine không nên và không thể vội vã lao vào cuộc chiến ở phía Nam bởi họ cần phải xem xét các cuộc tiến công của Nga ở phía Đông. Ngoài ra, nếu chiến lược giành lại Kherson của quân đội Ukraine thất bại, điều đó có thể làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây. Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu dù bất kỳ điều gì xảy ra nhưng một chiến dịch không thành công có thể khiến Kiev đối mặt với nhiều lời kêu gọi đàm phán hơn, đặc biệt từ những nước Tây Âu bị cắt giảm khí tự nhiên từ Nga.

Chiến lược của Ukraine ở Donbass là tiến hành những cuộc phản kháng hạn chế nhưng có tác động đáng kể đến quân đội Nga, buộc họ phải sử dụng chiến thuật "hỏa lực và di chuyển" một cách thận trọng. Để bảo vệ binh lính và các trang thiết bị, quân đội Ukraine dường như đang nhắm vào các trung tâm hậu cần và chốt chỉ huy của Nga, chiến thuật đã được sử dụng kể từ đầu cuộc chiến. Các UAV TB-2 có hiệu quả hạn chế, vì thế Ukraine đang sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS và các hệ thống pháo của nước ngoài để phá hủy những mục tiêu trên của Nga.

Ngoài ra, sự phản kháng của quân đội Ukraine cũng giúp cho Kiev nhận được sự ủng hộ tại những khu vực này. Sự ủng hộ của người dân địa phương có thể sẽ giảm nếu quân đội Ukraine dễ dàng rút quân khỏi các khu vực đó. Tuy nhiên, với sự ủng hộ này, có thể người dân Ukraine sẽ thực hiện những cuộc nổi dậy trong tương lai nếu quân đội Ukraine không thể giành lại Donbass.

Đặt cược vào thời gian

Dù vậy, những chiến lược trên của Nga và Ukraine đều không bền vững bởi tình hình quân đội hiện tại. Cả hai lực lượng đều chứng kiến những tổn thất nặng nề về lực lượng và trang thiết bị trong thời gian qua. Cả hai quốc gia đều không thể giành chiến thắng trong tương lai gần. Thay vào đó, dường như chiến lược của mỗi quốc gia là chờ đợi thời gian sẽ đứng về phía họ, cũng như cho họ lợi thế trong cuộc chiến này.

Quân đội Nga có thể sẽ giành được lợi thế khi mùa đông tới. Vào thời điểm này, châu Âu sẽ tăng phụ thuộc vào năng lượng Nga, buộc một số quốc gia phải giảm sự ủng hộ dành cho Ukraine. Khi sự ủng hộ dành cho Ukraine suy giảm, mức độ hỗ trợ quân sự cũng vậy. Nga cho rằng nếu không có sự hỗ trợ quân sự ổn định, quân đội Ukraine sẽ sụp đổ, giúp cho các lực lượng của Nga có thể kiểm soát Kiev.

Quân đội Ukraine dường như cũng có hy vọng tương tự, rằng nếu cuộc chiến kéo dài, những nhân tố bên ngoài sẽ buộc Nga phải rút quân. Các lệnh trừng phạt và bản thân cuộc chiến đang đặt sức ép lớn lên Nga. Ngoài ra, chi phí chiến tranh và tổn thất về con người sẽ làm suy giảm sự ủng hộ của công chúng với cuộc chiến này. Ukraine hy vọng những nhân tố đó sẽ buộc chính phủ Nga phải chấm dứt chiến tranh. Thậm chí nếu họ không chấm dứt cuộc chiến, Ukraine hy vọng rằng Nga sẽ phải rút quân, cho phép quân đội Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát, trong đó có Donbass.

Trong khi cả hai chiến lược đều có phần lạc quan thì những nhân tố bên ngoài có thể sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng khi cuộc chiến này tiếp diễn./

Các tin khác