Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sức mua suy giảm, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu và đội ngũ lao động phổ thông thiếu hụt.
Ngành chế biến thực phẩm là điểm sáng trong tình hình hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG
Hơn 300 DN ngưng sản xuất
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, cho biết, 60% nguyên phụ liệu sản xuất ngành dệt may nói chung và công ty nói riêng là nhập khẩu từ Trung Quốc. Với diễn biến dịch bệnh kéo dài, rất nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động khiến nhiều DN có nguy cơ bị đứt nguồn nguyên liệu sản xuất. Nhiều DN chỉ duy trì sản xuất đến hết tháng 3, có nơi cố gắng cầm cự đến tháng 6 với điều kiện là nguồn nguyên liệu từ các thị trường thay thế khác ổn định.
Với ngành da giày, việc thiếu hụt nguyên liệu còn căng thẳng hơn. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, lo lắng: “Trước tết, chúng tôi đã nhập đủ nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất cho quý 1. Tuy nhiên, đến các tháng sau đó, chưa biết tình hình sẽ ra sao. Trong tình cảnh xấu nhất, công ty tôi buộc phải nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh…”.
Tuy nhiên, đáng lo là giá nguyên liệu sản xuất tại các thị trường thay thế cao hơn gấp đôi hoặc gấp 3 giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, chi phí vận chuyển cũng cao hơn. Mặt khác, với diễn biến dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ lan rộng trên nhiều quốc gia thì ngay chính những quốc gia có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu sẽ thực hiện chính sách ưu tiên cho DN trong nước họ. Do đó, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Kỳ vọng đặt lên ngành chế biến thực phẩm
Đánh giá tình hình hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều thử thách cho các DN còn non trẻ, chưa đủ sức đứng vững trước cú sốc về chuỗi cung ứng cũng như nguồn vốn. Dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch và các DN xuất khẩu. Bài học rút ra là cần nhanh chóng thiết lập, duy trì chuỗi cung ứng - vấn đề hết sức trọng yếu và cần tập trung.
Đội ngũ DN cũng mong chờ những giải pháp mở từ cơ quan chức năng, như tăng cường xúc tiến thị trường, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế, mở cửa giao thương trở lại với Trung Quốc; cải thiện hoạt động vận chuyển và logistics trong xuất nhập khẩu với các thị trường mới; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay…
Tuy nhiên, các DN cần gia tăng liên kết để hoàn thiện tối đa chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất trong nước, giảm áp lực thiếu nguyên liệu từ nhập khẩu. Cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, thiếu hụt quỹ đất và tăng chính sách ưu đãi để thu hút mạnh DN đầu tư sản xuất nguyên liệu. Nhất là nguyên liệu sản xuất của các ngành chủ lực xuất khẩu, như chế biến chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nguyên liệu tinh lương thực thực phẩm, vải, da…
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại cho ngành nghề sản xuất bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài, cơ quan chức năng và địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành được xem là sẽ có mức tăng trưởng bứt phá. Phải kể đến là các ngành mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, sản xuất ô tô và chế biến thực phẩm đóng hộp... Trong đó, tiềm năng nhất là hai ngành mua sắm trực tuyến và chế biến thực phẩm.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Infocus Mekong, thương mại điện tử chiếm 5% giá trị bán lẻ trong năm 2019, nhưng hiện nay, 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng qua, và sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 20% hàng năm. Còn với ngành chế biến thực phẩm thì Việt Nam vốn có lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất phong phú, đa dạng. Tốc độ phát triển ngành này tăng trung bình hơn 10%/năm, nhưng trong 3 tháng qua, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tăng mạnh đã khiến cho dự báo tăng trưởng của ngành có thể đạt mức trên 20% (năm 2020).
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định, hiện những DN có nhu cầu đẩy mạnh đầu tư sản xuất, nhất là với ngành chế biến lương thực, thực phẩm - một trong 4 ngành phát triển chủ lực của thành phố - sẽ được hỗ trợ mức vốn đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng trong thời hạn 7 năm, với lãi suất hỗ trợ 7%.
Gần đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu nông thủy hải sản, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ưu đãi về thuế, đất, vốn vay đầu tư… để thu hút DN ngành chế biến nông, thủy, hải sản đầu tư mạnh vào Việt Nam. Kỳ vọng đây sẽ là những điểm sáng trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.