Nhật Bản điều chỉnh tăng GDP quý 1

Ngày 8/6, Chính phủ Nhật Bản thông báo tăng trưởng kinh tế thực hàng năm của nước này trong quý 1/2015 đạt 3,9%, cao hơn mức tăng trưởng 2,4% công bố trước đó, cho thấy kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi sau đợt tăng thuế tiêu dùng vào năm ngoái tạo gánh nặng cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Ngày 8/6, Chính phủ Nhật Bản thông báo tăng trưởng kinh tế thực hàng năm của nước này trong quý 1/2015 đạt 3,9%, cao hơn mức tăng trưởng 2,4% công bố trước đó, cho thấy kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi sau đợt tăng thuế tiêu dùng vào năm ngoái tạo gánh nặng cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý I1/2015, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, tăng quý thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 1% so với quý 4/2014 và cao hơn mức tăng 0,6% được đưa ra trong báo cáo sơ bộ của Văn phòng Nội các nước này ngày 20/5 vừa qua.

Đóng góp cho kết quả tăng trưởng trên là chi tiêu vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh - một yếu tố được chính phủ xem là chìa khóa để vực dậy nền kinh tế. Đầu tư kinh doanh tăng 2,7%, so với mức tăng 0,4% của báo cáo ban đầu.

Số liệu mới nhất cũng cho thấy đầu tư vào nhà ở tăng 1,7%, điều chỉnh giảm nhẹ từ mức tăng 1,8% công bố trước đó.

Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% GDP của Nhật Bản, chỉ tăng 0,4%, giữ nguyên số liệu ban đầu, cho thấy duy trì mức phục hồi chậm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 2,4% và nhập khẩu tăng 2,9%, không thay đổi so với số liệu trước.

Trong năm tài khóa 2014 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, GDP của Nhật Bản giảm 0,9%, có dấu hiệu khả quan hơn so với mức giảm 1% trong báo cáo trước.

Năm 2014, kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái với GDP giảm liên tiếp trong 6 tháng sau đợt tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% hồi tháng 4/2014 - gây nghi ngại về chính sách kinh tế "Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe.

Cũng trong ngày 8/6, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố báo cáo sơ bộ cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đạt 1.320 tỷ yen (tức 10,56 tỷ USD) trong tháng 4 vừa qua, tăng tháng thứ 10 liên tiếp và là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Báo cáo cho biết Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong bối cảnh giá dầu thô giảm kéo theo kim ngạch nhập khẩu dầu thô của nước này giảm tới 34,6%. Bên cạnh đó, sự xuống giá của đồng yen giúp thu hút du khách nước ngoài tới Nhật Bản, tăng thu nhập từ nước ngoài thêm 133,4 tỷ yen.

Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 tăng 4,1% lên 6.220 tỷ yen, trong khi nhập khẩu giảm 5,9% xuống còn 6.370 tỷ yen và thâm hụt thương mại hàng hóa 643,4 tỷ yen.

Ngoài ra, thặng dư tài khoản thu nhập chính, phản ánh thu nhập từ các khoản đầu tư ở nước ngoài, tăng 19,1% lên mức 2.197 tỷ yen.

Các tin khác