Nhạt quê

(ĐTTCO) - Gần Tết, những người sống ở thành phố, ở nước ngoài thường hỏi nhau Tết này có về quê không? Trong số câu trả lời có, thì lại không ít người nói có quê đâu mà về, bây giờ có còn quê đâu mà về, thậm chí có người còn nói chả biết quê ở đâu mà về?

Nhạt quê

1 Chừng vài chục năm trước, nói đến quê, người ta dễ hình dung đến cây đa bến nước, sân đình, cánh đồng, lũy tre, nơi đó có bà con, dòng họ thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Nhưng nay mọi chuyện về quê hương, bản quán thấy cứ mông lung.

Thực ra chuyện quê quán vốn rất được xem trọng, cho nên trên chứng minh thư, giấy tờ tùy thân, lý lịch bao giờ cũng có mục quê quán, người khai bắt buộc phải điền vào quê của ông nội, của bố. Bọn trẻ được sinh ra ở bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương và lớn lên ở TPHCM, vậy nhưng phần ghi quê quán lại là nơi ông Cao Tằng Tổ Phụ từng sống ở đâu đó ngoài miền Bắc, miền Trung, mà ngay bố mẹ chúng cũng lơ mơ chứ đừng nói chi đến chúng nó.

Nay theo luật mới, trên thẻ căn cước bỏ mục quê quán, cho thấy đây không phải chỉ là sự giản lược của công tác quản lý hành chính, mà xem ra quê quán cũng không quá xem trọng nữa, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Cha tôi sinh ra ở Thái Bình trước những năm 30 của thế kỷ trước, sau đó ông nội mang cả nhà lên Phú Thọ sống. Tôi được sinh ra ở vùng đất trung du đó, đến năm 17 tuổi đi lính vào Nam, ở luôn một mạch hơn 50 năm, đến nay tuổi đã 70 mà cũng lúng túng không biết xác định quê mình chính xác là ở đâu. Thái Bình coi là gốc gác chứ không phải quê. Lúc trước tưởng nơi cha mẹ mình sống lâu nhất là quê, nhưng té ra lại không phải.

Ở miền Bắc, miền Trung phân biệt rất rạch ròi “chính cư và ngụ cư”. Chính cư là người mà có gốc gác nhiều đời ở đó, trong số đó có một người được tôn là Thành Hoàng, còn ngụ cư là nơi khác di chuyển đến. Dân ngụ cư thì không được ở trong làng, mà phải ngoài rìa làng. Đình làng thờ Thành Hoàng của dân chính cư, không dành cho dân ngụ cư.

Các lễ hội truyền thống của làng, dân ngụ cư đứng xem chứ không được tham dự, việc khiêng kiệu, rước linh vật, thậm chí cỗ bàn cũng chỉ dành cho dân chính cư. Làng có bao nhiêu dòng họ thì có bấy nhiêu nghĩa địa, nhưng dân ngụ cư không được chôn ở đó. Người ngụ cư dù có ở bao lâu, thậm chí con cái lấy người làng vẫn cứ là người ngoài, vì không có dòng họ gì cả. Và thế là nơi ấy đích thị không phải quê mình.

Lúc còn trẻ, tôi được xếp vào diện quy hoạch cán bộ nguồn, nhưng người làm công tác tổ chức ở TPHCM bảo là dân Bắc kỳ, xếp vào mục dự bị, cho dù chiến đấu, học hành, làm việc hết đời ở đây. Ra Hà Nội, khi xét chọn đi nước ngoài hay phong tước vị, tôi lại được các vị tiên chỉ phán, dân Sài Gòn không nằm trong diện ưu tiên, cho dù trưng ra tờ giấy khai sinh rằng nơi sinh trên đồi chè. Té ra mình có kiểu quê lơ lửng. Nhìn rộng ra mới thấy kiểu quê khó xác định như tôi vô khối. Kiểu này gọi là “mất quê”.

dsc08858-9297.jpg

2 Chuyện khác. Nhiều người có quê hẳn hoi, nhưng mà cạn các mối liên hệ, ít về, gọi là “nhạt quê”. Cũng dễ hiểu, con cái đông, có nhà đến dăm bảy đứa, ai cũng đi tìm kế sinh nhai tứ phương, rồi làm ông nọ bà kia, thuộc dạng “nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả giùm”.

Người thì ở Hà Nội, TPHCM, thậm chí Mỹ, Canada… và không ai còn sinh sống ở quê. Lúc bố mẹ còn một năm về được đôi ba bận, nhất là mấy ngày Tết, nhưng khi bố mẹ mất đi, chuyện về quê thưa hẳn. Như người đời thường nói: “Khi cha mẹ còn, nhà là nơi để về/ Khi cha mẹ mất, nhà chỉ còn là nơi để đến”. Và đến hay không lại tùy thuộc vào quá nhiều điều kiện như tiền bạc, sức khỏe, thời tiết, tàu xe, và cả chuyện có hứng hay không.

Nhiều gia đình có nhà thờ họ to vật vã, nhưng con cháu có ai ở quê đâu, đành phải thuê người đến lau chùi, quét dọn, hương khói giùm, thế là có quê đấy nhưng là “quê của ngày xửa ngày xưa”. Nhà nào có anh con trưởng ở quê đúng là may, có người lo chuyện ở quê để mọi người yên tâm thỏa chí tang bồng bay nhảy tứ xứ, lâu lâu gửi tiền về lễ, thỉnh thoảng ghé qua quê.

Nhưng chuyện quê ra sao, có là nơi tụ họp anh em hay không, lại tùy tâm ông con trưởng và bà dâu trưởng nữa. Nhiều nhà tiếng là có ông anh cả đấy, nhưng nếu ông cả không chỉ keo kiệt, chi li, tham lam mà còn không đóng vai trò chính nhân quân tử, thì các em, cháu xa lánh, dòng họ ấy lại có cơ bị lụi.

Nhiều ông có quê nhưng cũng không ham về nữa vì quê giờ khác quê xưa, tiếng là quê nhưng làm gì còn cây đa, bến nước, cánh đồng lúa, mà toàn là nhà ống san sát, tường cao, cổng kín, bê tông hóa hết cả. Về đến quê mà thấy “đất quê không phải đất quê, người quê không phải người quê”, nên chán không về nữa, lâu dần tình quê cũng nhạt, anh em dòng họ cứ xa dần, thế là thành người dưng.

Chưa kể rất nhiều anh em ruột thịt dòng họ từ nhau vì đất. Những năm trước đất quê còn rẻ, không ai để ý, bố mẹ già yếu mất đi cũng có viết di chúc gì đâu, vì cứ nghĩ anh em “lọt sàng xuống nia”. Nhưng khi làng lên phố, đất có giá, thế là mọi giá trị bị đảo lộn. Anh em ruột vác dao chém nhau chí tử vì một thẻo đất bằng cái chiếu, một ranh đất bằng cái thắt lưng.

Có ông anh mở tiệc chiêu đãi ông em ở xa về, chuốc cho ông em say túy lúy, rồi úp ông em ký vào cái giấy tặng đất, thâu tóm hết tất cả đất hương hỏa vào tay mình. Thế là quê trở nên xa ngái, có quê mà cũng như không.

3 Nói là quê hương, nhưng ở mỗi thế hệ lại quan niệm về nó rất khác nhau. Hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, thế hệ đầu tiên dù là vượt biên hay xuất khẩu lao động, thường có xu hướng đau đáu hướng về quê, bởi dù gì quê hương với họ là kỷ niệm, là ký ức, dù sống ở đâu, bận bịu gì cứ đến Tết là y rằng những người cao niên lại thẫn thờ nhớ về quê hương, nhớ cái thời thơ ấu với những năm tháng khốn khó nhưng đầy ắp kỷ niệm.

Nhiều người chảy nước mắt mỗi khi nghe bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương “Ơi quê ta bánh đa bánh đúc/ Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt/ Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ”.

Rồi họ bay hàng ngàn cây số để về quê, nhưng hầu như họ thất vọng, bởi miền quê giờ không còn như trong tâm tưởng của họ, không đơn giản là “hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều” như thi sĩ Nguyễn Bính viết, mà nó biến đổi chóng mặt trong quá trình đô thị hóa, trở thành kiểu “làng không ra làng, phố không ra phố”. Nhiều người gọi đó là “làng phai”, tức chất quê đã bị pha loãng, phai nhạt đi nhiều.

Nếu cái chuyện quê hương hay gốc rễ còn vấn vương ít nhiều trong thế hệ cao niên, thì với người trẻ bây giờ quê hương hình như không còn quan trọng nữa, nhất là với các công dân quốc tế, với các thế hệ F1, F2 quê không còn nhiều ý nghĩa nữa. Những thanh niên mang một quốc tịch khác, cho dù bố mẹ chúng thuần Việt hay nửa Việt nửa Tây, quê hương là cái gì đó rất mơ hồ.

Thỉnh thoảng có một vài David Duong, Julie Huong về quê bố, quê mẹ cho biết, nhưng cũng giống như đi thêm một điểm du lịch chứ không có vẻ gì là hành hương, mà cố lắm cũng về được một lần rồi thôi. Thế là coi như không quê.

Nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh chuyện “mất quê” hay “nhạt quê”, vẫn còn có xu hướng “lưu quê”. Nhiều gia tộc con cháu giàu có, chức tước đầy mình nên về quê xây nhà thờ tổ, nhà từ đường cực kỳ hoành tráng, sơn son thếp vàng, thành lập hội tộc gia với đầy đủ ban bệ như một cơ quan nhà nước, viết gia phả chẳng khác gì lịch sử một triều đại, cứ 5 năm lại có một đại hội gia tộc hoành tráng, cờ phướn, hoa cỏ, diễn văn y như đại hội của bộ ngành.

Nhưng ngay vào lúc huy hoàng nhất, thì chính các vị sáng lập ra hội đồng gia tộc thấy âu lo ra mặt, vì trong các lần đại hội chỉ loáng thoáng vài người trẻ, chỉ còn các ông bà già với nhau, mai này các vị “khuất núi” thì liệu bọn trẻ còn tiếp nối không.

Phải chăng Việt Nam rồi cũng giống châu Âu chăng. Người phương Tây không coi cái nhà là thiêng liêng như người Việt, mà đơn giản chỉ là “cái máy ở” như Kiến trúc sư lừng danh thế giới Le Corbuse phát biểu. Còn quê hương với họ chỉ là khái niệm mơ hồ, bởi nhà nào truy nguyên ra ai cũng mang trong mình vài ba dòng máu pha trộn có gốc gác rất khác nhau từ đời ông cố, bà cố.

4 Cách nay ít năm, khi Việt Nam bắt đầu tiến hành “tái đô thị hóa”, đẩy đô thị hóa với tốc độ quá nhanh, quy mô quá lớn, thì nhiều học giả Nhật Bản đã cảnh báo coi chừng nóng vội, đi nhanh quá làm mất văn hóa gốc, rồi lại ân hận, phải phục hưng lại vừa tốn kém mà cái thu được có khi chỉ là đồ fake, dân Việt gọi là “giả cầy”.

Nên biết, Nhật Bản từng có kế hoạch phục hồi 500 làng nông nghiệp ở vùng đô thị Tokyo, Osaka, Yokohama…, cùng với đó là phục hồi văn hóa bản địa, văn hóa làng nghề, nhưng kết quả không được bao nhiêu.

Tương tự như thế, Hàn Quốc cũng có chương trình phục hồi vành đai nông nghiệp và tam nông ở Seoul sau hơn 40 năm đô thị hóa nhanh, nông nghiệp ngoại thành bị xóa sổ. Đây là chiến lược quốc gia có quy mô rất lớn, ảnh hưởng rộng và duy trì lâu dài có tên là “Saemaul Undong”, là phong trào cộng đồng nông thôn mới, làng nông nghiệp mới.

Nó được khởi xướng năm 1970 và là sáng kiến của Tổng thống Park Chung-Hee, và phát triển mạnh mẽ năm 1980, nhưng xem ra tiền bỏ vô nhiều mà phục hưng chẳng được bao nhiêu, coi như cái món văn hóa đã mất là mất luôn.

Các sử gia thường nói, Việt Nam không mất nước dù cho bị nô dịch cả ngàn năm, thậm chí nhiều phen điêu đứng, kinh đô thất thủ, bởi vì còn làng là còn nước, nước có mất mà làng còn thì nước sẽ còn.

Nay làng quê thay đổi nhiều quá, có cơ làng truyền thống không còn, thay vào đó là “làng rỗng”, “làng phai”, và tình trạng “mất quê”, “nhạt quê” là có thật. Chẳng biết trong chương trình chấn hưng văn hóa 35.000 tỷ đồng có tính đến chuyện chấn hưng những giá trị tốt đẹp của làng, hồn của quê hay không.

Không phải vô cớ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mất văn hóa là mất tất cả”, mà văn hóa ở đây là văn hóa truyền thống, văn hóa nguồn cội, không phải là văn hóa đô thị mang tính quốc tế. Với mỗi người “Thiếu quê hương ta về ta về đâu?” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, thì với quốc gia cũng thế, thiếu cội nguồn sẽ bị hòa tan trong quá trình toàn cầu hóa.

Các tin khác