Nhiều bất cập về quản lý cây xanh trong trường học

(ĐTTCO) - Ngày 3-4, một cây xanh trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1) bất ngờ bật gốc, ngã đổ làm 6 người bị thương.
HIện trường vụ cây xanh ngã đổ ở cổng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) sáng 3-4

HIện trường vụ cây xanh ngã đổ ở cổng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) sáng 3-4

Kích hoạt báo động đỏ cấp cứu nạn nhân

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện Quận 1, cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin có sự cố tai nạn, ngã đổ cây tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), tổ cấp cứu bệnh viện đã tới hiện trường, nhanh chóng sơ cấp cứu các trường hợp tai nạn và chuyển 6 bệnh nhân nặng vào các bệnh viện trên địa bàn để điều trị.

Theo đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 2 bệnh nhân là chị H.T.Th. và anh L.D.H. (31 tuổi, là vợ chồng, cùng ngụ quận 1) bị gãy xương đùi, có chấn thương ở vùng ngực, cột sống thắt lưng. Bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ cấp cứu cho bệnh nhân. Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân nữ đang mang thai tuần thứ 8. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) ban đầu cho thấy bệnh nhân bị rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng bên phải và 1/3 trên thân xương đùi trái. Ngay lập tức người bệnh được hội chẩn khẩn cấp cứu để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu cho thai phụ và bệnh nhân đã được phẫu thuật, còn anh L.D.H. đã xuất viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo BSCK2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Đ.T.N. (13 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) là học sinh lớp 7 Trường THCS Trần Văn Ơn, nhập viện trong tình trạng bị gãy 1/3 giữa xương đùi trái, ý thức tỉnh, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn. Đến chiều 3-4, em Đ.T.N. đã ổn định tâm lý, sức khỏe; các bác sĩ tiếp tục tầm soát chấn thương, chụp CT sọ não, khảo sát cột sống, ngực, bụng và xương chậu.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.K.L. (57 tuổi, ngụ Bình Thạnh) nhập viện lúc 8 giờ 13 phút trong tình trạng khó thở, chỉ ngồi được, phải thở oxy. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân nứt xương sườn 3, 4, 5, 6, 7, 8 bên trái và nứt xương sườn 3, 4, 5 bên phải, chưa có biến chứng phổi, đang tiếp tục theo dõi, điều trị. Trong khi đó, 2 bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Quận 1 là N.T.A.V. (20 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) và N.V.T. (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân), bị xây xát nhẹ và đã xuất viện.

Cây vừa được kiểm tra, vẫn ngã đổ

Cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết, cây xanh bật gốc, ngã đổ là cây điệp hơn 20 năm tuổi, vừa được nhà trường kiểm tra, rà soát định kỳ vào cuối tháng 2-2023. Thời điểm kiểm tra ghi nhận cây vẫn phát triển bình thường, không phát hiện dấu hiệu hư hỏng. Lực lượng kiểm tra gồm một thành viên ban giám hiệu, bộ phận phụ trách cơ sở vật chất, nhân viên bảo vệ và kế toán của trường

“Hàng năm, trường kiểm tra định kỳ tất cả cây xanh trong khuôn viên trường, tuy nhiên việc kiểm tra chỉ dựa vào việc quan sát bằng mắt và kinh nghiệm chăm sóc cây xanh”, cô Lê Thị Thanh Giang phân trần và cho biết vào mỗi dịp hè, trường mới phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM thực hiện kế hoạch bảo dưỡng, chỉnh đốn, cắt tỉa những cây có dấu hiệu hư hỏng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định phẫu thuật cho nữ bệnh nhân H.T.Th. (quận 1, TPHCM). Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định phẫu thuật cho nữ bệnh nhân H.T.Th. (quận 1, TPHCM). Ảnh: BVCC

Mặt khác, theo một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, một số cây xanh được trồng trong khuôn viên trường học hiện nay thuộc hạng mục “Cây xanh hạn chế trong đô thị” hoặc “Cây xanh thuộc danh mục bảo tồn”. Đối với những loại cây này, việc đốn hạ, di chuyển cần lập hồ sơ, xin ý kiến cơ quan chức năng. Ngoài ra, một số cây xanh do nhà trường tự trồng, tự quản lý dẫn đến việc phối hợp với cơ quan chuyên môn gặp nhiều bất cập. Đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT TPHCM đều có văn bản yêu cầu rà soát tình trạng cây xanh trong tất cả trường học nhưng vẫn xảy ra tình trạng cây bật gốc, ngã đổ dù không phải trong mùa mưa bão.

Phải kiểm tra thường xuyên

Về quản lý, chăm sóc cây xanh ở trường học, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, cho biết, cây xanh nằm trong khuôn viên của trường thì nhà trường quản lý; phần lớn các trường đều ký hợp đồng với công ty để chăm sóc cây xanh. Đối với cây đổ ngã trong Trường THCS Trần Văn Ơn, trường không ký hợp đồng với công ty. Tuy nhiên, trong sáng 3-4, công ty đã đến hỗ trợ trường di dời cây. Quan sát tại hiện trường, cây ngã đã có bộ rễ bị mục ruỗng sâu bên trong; sở dĩ cây còn xanh tốt là nhờ chất dinh dưỡng còn lại trong thân cây. “Nếu không ngã bật gốc, cây cũng chỉ sống thêm chừng vài tháng nữa. Hơn nữa, cây đã nghiêng hơn 30 độ, có dấu hiệu mất cân đối, nguy cơ ngã đổ. Xung quanh cây còn bị vỉa hè trám xi măng khiến giảm sức sống”, ông Lê Công Phương nhận định.

Không có chi phí chăm sóc cây

Theo phản ánh của các trường học, nhiệm vụ chăm sóc cây xanh trong trường học hiện nay được giao cho nhân viên bảo vệ hoặc một cán bộ, nhân viên có hiểu biết về cây xanh. Tuy nhiên, việc trả lương cho người làm công tác này cũng như các chi phí chăm sóc cây (mua phân bón, tỉa cành…) đang gặp khó do chưa có quy định vị trí việc làm trong trường học. Nhiều phòng GD-ĐT quận, huyện đề xuất bổ sung khoản thu hỗ trợ công tác vệ sinh, chăm sóc cây xanh trong trường học. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, cần quy định thêm vị trí việc làm nhân viên chăm sóc cây xanh trong trường học. Việc chi trả lương đối với vị trí này có thể được tính toán, trích từ tiền thu phí phục vụ bán trú trong trường học.

Rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường

Ngay sau khi xảy ra vụ việc cây xanh ngã đổ, chiều 3-4, UBND TPHCM có văn bản khẩn gửi Sở GD-ĐT TPHCM, Công an TPHCM và UBND quận 1 yêu cầu rà soát, xử lý vụ việc.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo Sở GD-ĐT TPHCM khẩn trương phối hợp với UBND quận 1 tổ chức thăm hỏi học sinh và người đi đường bị thương do cây xanh ngã đổ. Ngoài ra, các đơn vị liên quan nắm bắt lại tình hình sự việc, xác định trách nhiệm và báo cáo UBND TPHCM. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự, UBND TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát công tác phòng chống lụt bão, thiên tai, hệ thống cây xanh trong nhà trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sáng nay (4-4), lãnh đạo sở phối hợp với Phòng GD-ĐT quận 1 sẽ đến thăm hỏi sức khỏe học sinh bị thương trong vụ cây xanh ngã đổ. Sở sẽ chỉ đạo các trường học tập trung rà soát tình trạng cây xanh trong khuôn viên trường. Nếu phát hiện cây xanh có dấu hiệu hư hỏng phải nhanh chóng phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM để “chẩn đoán” tình trạng cây. Hàng năm vào đầu tháng 6 - thời điểm học sinh bắt đầu nghỉ hè, trường học phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM chăm sóc, kiểm tra, bảo dưỡng cây định kỳ.

THU TÂM

Công an vào cuộc điều tra

Chiều 3-4, Công an quận 1 (TPHCM) cho biết đang phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM và đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân vụ cây xanh Trường THCS Trần Văn Ơn bật gốc. Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định do cây xanh bị mục phần rễ và gặp gió đã dẫn tới bật gốc, ngã đè trúng phần tường và các phụ huynh, người dân.

CHÍ THẠCH

Nhận biết cây đang “chết”

Từ thưc tế nhiều cây xanh có thể đang “chết” từ bên trong mà quan sát thông thường không kịp nhận ra, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, khuyến cáo, những dấu hiệu cây có thể đang “chết” là hình dáng tán cây, biểu hiện của tán lá còi cọc, xuống lá; hình dáng rễ cây có mục ruỗng hay bị vết thương bên trong. Tùy theo loại cây, khi mức độ mục ruỗng hay vết thương trầy xước với tỷ lệ hư hỏng trên 30% so với đường kính thân cây thì phải kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, nếu cây nghiêng hơn 30 độ là bất bình thường. Ngoài ra, còn các yếu tố khác xâm hại, ảnh hưởng đến rễ cây như công trình vỉa hè, điện, nước, chiếu sáng, hố ga…

Ông Lê Công Phương cho biết, một cây cần chăm sóc 2 lần/năm và kiểm tra thường xuyên hàng tháng. Từ gần 1 năm nay, công ty thí điểm sử dụng máy siêu âm cây để kiểm tra thân, rễ có mục ruỗng, khoang bọng.

THANH HẢI

Các tin khác