Nhiều cây cổ thụ bị 'xẻ thịt' giữa rừng phòng hộ ở Bình Định

(ĐTTCO) - Hàng chục cây rừng cổ thụ, đường kính từ 30cm đến trên 1m đang giữ vai trò quan trọng trong quần thể rừng phòng hộ giáp ranh các huyện Vân Canh, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) vừa bị lâm tặc 'tàn sát'.
PV Báo SGGP (bìa phải) bên gốc cây rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi với đường kính rất lớn bị cưa hạ giữa rừng phòng hộ Vân Canh

PV Báo SGGP (bìa phải) bên gốc cây rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi với đường kính rất lớn bị cưa hạ giữa rừng phòng hộ Vân Canh

Cổ thụ bị tàn sát

Từ tin báo của một số người dân địa phương, PV Báo SGGP đã có cuộc thâm nhập vào vùng rừng phòng hộ giáp ranh các xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) và xã Canh Liên (huyện Vân Canh) để ghi nhận thực trạng cây rừng phòng hộ liên tục “chảy máu”. Anh H. (người dân xã Tây Xuân) được giới thiệu làm "hoa tiêu" đưa chúng tôi vào hiện trường rừng phòng hộ bị tàn phá.

Sau hơn 1 giờ lội rừng đi qua nhiều loại hình đồi núi khác nhau, chúng tôi đã có mặt tại suối Cố. Tại đây, anh H. lên tiếng báo hiệu chúng tôi đã đi sâu vào khu rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh.

Tiếp tục men theo suối Cố khoảng 40 phút, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy nhiều khu lán trại do lâm tặc để lại với nhiều đồ vật, như: nồi, xoong, quần áo, can nhựa đựng nhiên liệu máy cưa… Đi sâu khoảng 10 phút, chúng tôi bắt đầu ghi nhận nhiều cây rừng cổ thụ đường kính lớn bị "tàn sát". Quan sát tại hiện trường, những cây rừng bị cưa hạ trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Một gốc cây cổ thụ bị cắt hạ nằm trơ cội

Một gốc cây cổ thụ bị cắt hạ nằm trơ cội

Lâm tặc bỏ khúc gỗ đường kính rất lớn lại hiện trường

Lâm tặc bỏ khúc gỗ đường kính rất lớn lại hiện trường

Vừa đưa đường, anh H. vừa liệt kê cho chúng tôi nắm: “Vị trí cây rừng bị tàn phá nằm chủ yếu ở các vùng rừng ven suối Cố, suối Chuối, Đá Trãi, Dông Mít Mài… Người dân phát hiện những cây rừng ở đây bị phá từ sau Tết Nguyên đán. Số lượng cây rừng bị khai thác, chặt phá lấy gỗ rất lớn nằm rải rác nhiều nơi. Nếu các anh muốn đi hết thì phải mất từ 2 đến 3 ngày".

Rảo hết 1 đoạn rừng ở suối Cố lên đến Đá Trãi, chúng tôi ghi nhận hơn 10 cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, đường kính từ 30cm đến gần 1m, thậm chí có cây rừng có gốc 2 đến 3 người ôm không hết… Tại suối Chuối (nhánh của suối Cố), có 5 cây rừng cổ thụ khác bị cưa hạ trơ cội, nhựa vẫn còn tứa ra, ngọn lá vẫn còn tươi.

Cây gỗ rừng tự nhiên đường kính lớn bị cưa sát gốc

Cây gỗ rừng tự nhiên đường kính lớn bị cưa sát gốc

Tại hiện trường, dấu vết để lại cho thấy các đối tượng sử dụng máy cưa xăng để cắt hạ cây rừng. Sau khi hạ gốc, lâm tặc tiến hành cắt khúc, bắt đầu xẻ thành nhiều phần vừa sức kéo để đưa đến bãi tập kết. Lợi dụng độ dốc, suối nước và trời mưa, các đối tượng dùng dây thừng kéo từng tấm gỗ ra khỏi rừng...

Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ lội rừng, chúng tôi ghi nhận hàng chục cây rừng tự nhiên chị chặt hạ nằm rải rác các nhánh rừng ven suối. Trong đó, nhiều cây rừng cổ thụ đường kính rất lớn, giữ vai trò rất quan trọng đối với sinh thái trong quần thể rừng phòng hộ. Mất đi những cây cổ thụ này thì rừng sẽ nghèo dần, nguy cơ bị xâm lấn dần trở thành rừng sản xuất...

Hiện trường những cây cổ thụ bị "xẻ thịt"

Hiện trường những cây cổ thụ bị "xẻ thịt"

Cán bộ giữ rừng thường xuyên bị đe dọa

Theo quan sát, từ phía bìa rừng, cách hiện trường không xa có Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Làng Cam, thuộc BQLRPH huyện Vân Canh đặt giữa con đường chính ra khỏi rừng. Cách đó khoảng vài cây số có thêm 1 trạm bảo vệ rừng khác của Hạt Kiểm lâm, BQLRPH huyện Tây Sơn. Hai trạm bảo vệ rừng này có khoảng 10 cán bộ, nhân viên đang làm việc (4 kiểm lâm viên, còn lại nhân viên lâm trường).

“Vùng rừng này như cái “yết hầu”, chỉ có 1 số tuyến đường ra khỏi rừng đều bị chặn bởi 2 chốt bảo vệ rừng. Vì vậy, nói không phát hiện khai thác gỗ trái phép, không biết vận chuyển gỗ đi đường nào là vô lý”, anh H. thắc mắc.

PV Báo SGGP trên một gốc cây vừa bị cưa hạ ở tiểu khu 36, thuộc rừng phòng hộ huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

PV Báo SGGP trên một gốc cây vừa bị cưa hạ ở tiểu khu 36, thuộc rừng phòng hộ huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Sau khi ghi nhận đủ hình ảnh, video, bằng chứng hiện trường rừng phòng hộ bị “tàn sát”, chúng tôi đã tìm đến trao đổi với 1 số cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Làng Cam.

Thừa nhận các vị trí có cây rừng bị tàn phá thuộc rừng phòng hộ do đơn vị mình quản lý, 1 cán bộ kiểm lâm phụ trách ở Trạm QLBVR Làng Cam cho biết, trước đó đã đi kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 4 gốc cây rừng bị phá, tại Tiểu khu 36 (thuộc BQLRPH huyện Vân Canh quản lý).

Tại hiện trường, có 15 gốc cây rừng tự nhiên bị cưa hạ

Tại hiện trường, có 15 gốc cây rừng tự nhiên bị cưa hạ

Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp các thông tin ghi nhận tại hiện trường về quy mô, số cây rừng bị phá lớn hơn so với báo cáo, thì vị cán bộ kiểm lâm địa bàn này cho biết, sẽ báo cáo lại với lãnh đạo để thành lập đoàn kiểm tra lại hiện trường, mới xác định số lượng, quy mô để có hình thức xử lý.

Ngồi bên, một nhân viên bảo vệ rừng khác nói: "Chúng tôi trực chốt ở đây thường xuyên nhưng không biết lâm tặc phá rừng, không biết chúng vận chuyển gỗ đi đường nào cả. Có thể các đối tượng khai thác gỗ rừng về để làm nhà, lợi dụng trời mưa để vào rừng cưa hạ gỗ rừng".

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam có 6 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam có 6 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng

Trạm Quản lý bảo vệ rừng của huyện Tây Sơn có 4 cán bộ, nhân viên giữ rừng

Trạm Quản lý bảo vệ rừng của huyện Tây Sơn có 4 cán bộ, nhân viên giữ rừng

Ngoài ra, các cán bộ, nhân viên ở Trạm QLBVR Làng Cam cho biết, hiện chế độ họ rất thấp, rừng giáp ranh rất phức tạp. Trong khi đó, lâm tặc thường xuyên đe dọa, thậm chí dọa giết, tấn công khiến tinh thần làm việc của anh em bất an, lo sợ...

Cây cổ thụ đường kính lớn đóng vai trò quan trọng trong quần thể rừng phòng hộ bị "tàn sát"

Cây cổ thụ đường kính lớn đóng vai trò quan trọng trong quần thể rừng phòng hộ bị "tàn sát"

“Trạm tôi có 5 người, trong đó 4 người ở nơi khác đến đây. Trước đó, chúng tôi bắt, ngăn cản một số trường hợp khai thác gỗ rừng trái phép, xâm hại vào rừng nên họ bức xúc, nhiều lần uy hiếp, dọa đòi đánh, đòi giết. Mấy lần các đối tượng lên trạm đập phá. Vì vậy chúng tôi rất lo sợ!”, ông Y Ka Lạch (nhân viên bảo vệ rừng Trạm QLBVR Làng Cam) nói.

Theo thông tin người dân cung cấp, mặc dù ở đây đặt 2 trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng hầu như công tác phối hợp còn lỏng lẻo. Trước đó, nhiều mâu thuẫn khiến 2 trạm này tách ra, từ đó đến nay 2 bên gần như "mất kết nối" với nhau.

Qua trao đổi với nhân viên Trạm QLBVR Làng Cam được biết, trong nhiều tháng gần đây 2 trạm này chưa thực hiện quy chế phối hợp trong tuần tra, kiểm soát rừng.

Các tin khác