Nhiều chính sách, ít hỗ trợ

Tính đến thời điểm này đã có khá nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiện hầu hết DN vẫn hết sức khó khăn do khoảng cách giữa chính sách và thực tế còn quá xa nhau.

Tính đến thời điểm này đã có khá nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiện hầu hết DN vẫn hết sức khó khăn do khoảng cách giữa chính sách và thực tế còn quá xa nhau.

DN mơ hồ

Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có khoảng 500.000 DNNVV, chiếm hơn 98% tổng số lượng DN. Song mới chỉ có khoảng 30% số DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng. Đó là lý do VCCI đã đưa ra đề xuất thành lập ngân hàng dành riêng cho đối tượng DN này. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số DN xung quanh đề xuất của VCCI, không ít chủ DN tỏ ra ngán ngẩm.

Hầu hết DN đều cảm thấy rất mơ hồ khi tiếp cận với các chính sách vì không biết phải đến đâu, gặp ai để tìm hiểu cụ thể. Rồi nếu tiếp cận được thì thủ tục cũng khá rườm rà.

Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Kim Bôi, thở dài: “Đẻ thêm ngân hàng làm gì để tốn thêm bộ máy, chi phí. Hãy sử dụng hiệu quả những cái đang có. Hầu hết ngân hàng hiện nay đều có chương trình dành cho khối DNNVV”.

Ông Hùng cho biết thêm, có nhiều chính sách hỗ trợ DN chỉ nghe chứ chưa tiếp cận được. Lâu dần DN cảm thấy nản, dẫn đến suy nghĩ tiếp cận chỉ mất thêm thời gian và không mang lại lợi ích gì cả.

Theo một khảo sát gần đây của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hơn 60% DNNVV được khảo sát cho biết họ không có thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới công nghệ, kỹ thuật, 35,5% có nghe nói nhưng không biết chi tiết. Cũng hơn 60% chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về đổi mới công nghệ.

Đó có lẽ là một trong những lý do khiến ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TPHCM, phải thốt lên rằng nhiều DN như đang quay lại thời điểm cách đây 15 năm khi phải sử dụng máy móc cũ, thu hẹp sản xuất.

Đầu năm khi Chính phủ đưa ra Nghị quyết 02 nhằm hỗ trợ DN, các DN đã rất hồ hởi đón chờ, nhưng cho đến nay số DN thực sự được hưởng sự hỗ trợ từ nghị quyết này còn quá ít. Hiện đã có khá nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ DNNVV mà gần nhất là ngày 17-4-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 601/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV với vốn điều lệ do Nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, còn quá sớm để xem quỹ này có thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi hay không.

Cần minh bạch, rõ ràng

Ông Hùng cho rằng khi ban hành chính sách cần có hướng dẫn cụ thể, minh bạch để DN biết đường. Cũng từ những mong muốn của DN như vậy, mới đây Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về đề án tăng cường năng lực tổ chức đầu mối triển khai thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV.

Cụ thể, các tổ chức đầu mối triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV ở trung ương (đặt tại Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) và địa phương (đặt tại các sở kế hoạch - đầu tư).

Hầu hết DN đều cảm thấy rất mơ hồ khi tiếp cận với các chính sách. Ảnh: LONG THANH

Hầu hết DN đều cảm thấy rất mơ hồ khi tiếp cận với các chính sách. Ảnh: LONG THANH

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án là 1.847 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, kế hoạch, chi thường xuyên cho các tổ chức triển khai thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV) được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2013-2015 là 239 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 1.608 tỷ đồng. Đây cũng sẽ là điểm tư vấn 1 cửa cho các DNNVV khi có nhu cầu. Hy vọng với những bước tiến mới này, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của các DN sẽ dễ dàng hơn.

Tất nhiên, cũng không nên nói một phía. Bản thân các DN cần tăng cường tính chủ động trong việc tiếp cận thông tin cũng như phải tự chuyên nghiệp hóa, nhất là với những DN đi lên từ dạng DN siêu nhỏ. Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến từng chia sẻ về một khó khăn muôn thuở của DNNVV là tiếp cận vốn vay: “Có không ít DNNVV chưa chú trọng vào việc giải trình cũng như đưa ra các kế hoạch kinh doanh mang tính thuyết phục. Điều này không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong việc cho vay vốn của các ngân hàng. Hiển nhiên, DN không tiếp cận được nguồn vốn”.

Nhìn lại hoạt động của các DN trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có tới hơn 26.324 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số thành lập mới tuy có tăng 7,6% nhưng vốn đăng ký lại giảm gần 20%. Những khó khăn còn đang rất nhiều trong 6 tháng cuối năm này. Chính vì thế, để có những tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ, sự chủ động của DN là hết sức cần thiết.

Các tin khác