Nhiều cơ hội tại thị trường Campuchia

“Campuchia là thị trường rất gần nhưng lại khá mới mẻ với các DN Việt Nam. Nếu hiểu rõ và thâm nhập, DN Việt Nam sẽ tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu lẫn đầu tư sản xuất”. Đó là chia sẻ của ông VŨ THỊNH CƯỜNG, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, trong buổi đối thoại trực tuyến với các DN về thị trường Campuchia vừa diễn ra hôm qua 28-9.

“Campuchia là thị trường rất gần nhưng lại khá mới mẻ với các DN Việt Nam. Nếu hiểu rõ và thâm nhập, DN Việt Nam sẽ tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu lẫn đầu tư sản xuất”. Đó là chia sẻ của ông VŨ THỊNH CƯỜNG, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, trong buổi đối thoại trực tuyến với các DN về thị trường Campuchia vừa diễn ra hôm qua 28-9.

PHÓNG VIÊN: - Theo ông, DN Việt Nam có thể khai thác những cơ hội nào ở thị trường Campuchia?

Ông VŨ THỊNH CƯỜNG: - Khi thâm nhập thị trường Campuchia, DN Việt Nam có thể lựa chọn 2 hình thức giao thương là đầu tư sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Về xuất khẩu hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại Campuchia rất lớn, khách hàng dễ tính, các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật không quá cao, rất phù hợp với năng lực sản xuất của đại bộ phận DN nhỏ và vừa ở nước ta.

Hiện nay, thị trường này vẫn còn nhu cầu rất cao đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, sản phẩm nhựa, hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu phục vụ ngành may mặc và giày dép. Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này rất khả quan, đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư sản xuất, Chính phủ Campuchia đang có chính sách ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, điện lực, bệnh viện, du lịch, khai khoáng mỏ và dầu khí. Khi đầu tư vào các khu chế xuất của nước này, DN sẽ được miễn thuế từ 3-5 năm, giá điện được ưu đãi, thấp hơn bên ngoài. Đặc biệt các thủ tục hải quan sẽ được thực hiện tại chỗ ở khu ngoại quan nằm trong khu chế xuất. Ngoài ra, còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng khác đang chờ đầu tư.

Thí dụ Campuchia có nhu cầu cao đối với các mặt hàng thủy sản như tôm, cua, cá nước ngọt, nhưng nghề nuôi trồng thủy sản lại chưa phát triển nên Chính phủ nước này đang kêu gọi DN Việt Nam đầu tư nuôi trồng thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu DN Việt Nam tận dụng những thế mạnh của mình để đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu, khai thác thị trường này, chắc chắn sẽ đạt nhiều kết quả khả quan.

Gian hàng mỹ phẩm Sài Gòn tại Campuchia. Ảnh: C.N
Gian hàng mỹ phẩm Sài Gòn tại Campuchia. Ảnh: C.N

- Hiện nay, tình hình đầu tư của DN Việt Nam tại Campuchia ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, tình hình đầu tư của DN Việt Nam tại Campuchia ra sao, thưa ông?

- Tính từ năm 1994 đến cuối năm 2010, nước ta đã có 41 dự án đầu tư trực tiếp vào Campuchia với tổng  số vốn tính theo giá trị tài sản cố định đạt 566 triệu USD, xếp thứ 9 trong số các nhà đầu tư vào Campuchia. Trong đó, có đến 14 dự án đầu tư trồng cây cao su. Còn lại là các lĩnh vực: dịch vụ hàng không, viễn thông, may mặc, chế biến thực phẩm, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản… 5 tháng đầu năm 2011 đã có thêm 2 dự án đầu tư trồâng cao su với tổng số vốn khoảng 60 triệu USD.

- Có những rào cản nào đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu sang Campuchia?

- Nhập khẩu vào Campuchia nhìn có vẻ dễ nhưng trên thực tế vẫn còn những rào cản khiến DN e ngại. Thứ nhất, hiện nay, thủ tục nhập hàng tại các cửa khẩu Campuchia tồn tại nhiều chi phí không chính thức, đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang nước này lên cao.

Thứ hai, mặc dù những năm gần đây, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Campuchia có dấu hiệu dịch chuyển sang Việt Nam khá mạnh nhưng thực sự hàng Việt Nam vào thị trường này vẫn còn phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Thứ ba, thương nhân Campuchia khi tham gia vào các hoạt động giao dịch thương mại vẫn chưa thể hiện sự chuyên nghiệp, đặc biệt là trong khâu thanh toán qua ngân hàng. Nhiều thương nhân vẫn chưa quen sử dụng L/C, thông thường, họ chỉ giao hàng và thanh toán ngay tại cửa khẩu, gây bất tiện và chứa đựng nhiều rủi ro cho DN khi giao hàng nhận tiền.

Đồng thời, DN xuất khẩu cũng phải chịu các tác động từ chính sách thuế quan, pháp luật bảo hộ độc quyền và các quy định vệ sinh an toàn theo quy định của Campuchia. Tuy vậy, cũng có một số ưu đãi thuế dành cho 13 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam theo thỏa thuận ưu đãi thuế quan đối với một số mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam.

Một điều cần lưu ý là khi giao dịch với thương nhân Campuchia, DN phải khéo léo, không làm ảnh hưởng quan hệ giao thương giữa hai nước, ngoài ra, nên kiên trì thuyết phục họ trong các vấn đề về giao dịch, thanh toán để đạt được kết quả tốt nhất. Tôi nghĩ, chỉ cần DN có thiện chí giao dịch, mọi rào cản sẽ được tháo dỡ trong thời gian ngắn nhất.

- Theo ông, liệu DN Việt Nam có thể tham gia vào khâu phân phối tại thị trường này không?

- Hoàn toàn có thể được. Nếu muốn tham gia phân phối, DN nên tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường nhằm cải tiến mẫu mã, bao bì và chất lượng hàng hóa phù hợp với phong tục, tập quán của người Campuchia. Khi đó, DN có thể xây dựng các kênh bán lẻ tại các tỉnh - thành lẫn vùng nông thôn để phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng Campuchia, với giá cả phù hợp, hàng Việt Nam sẽ có cơ hội được tiêu thụ mạnh hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác