Nước lên thuyền lên
Có thể nói 2020 là năm có nhiều biến động thú vị nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam. VN Index sụt giảm mạnh 33,5% trong quý đầu tiên do tác động từ sự bùng phát dịch Covid-19, từ 991,46 điểm về mức đáy là 659,21 điểm phiên giao dịch ngày 24-3.
Tuy nhiên, nhờ hàng loạt yếu tố tích cực giúp TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Dòng tiền đổ dồn vào TTCK giúp cho VN Index hồi phục kể từ đáy và kết thúc năm với mức tăng 14,87%.
Theo dữ liệu thống kê trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCoM, có 158 mã CP tăng trên 100% sau hơn 252 phiên giao dịch của năm 2020. Top 10 mã CP tăng mạnh nhất trên TTCK trong năm 2020 có mức tăng từ 2,5-27 lần.
Dẫn đầu là CTCP Thaiholdings (THD) từ đáy 4.249 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 19-6) lên mức 115.000 đồng/CP (kết phiên giao dịch ngày 31-12). Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng sau khi niêm yết, mã CP này đã tăng giá đến 27 lần.
Kế tiếp là CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB), mã CP này tăng từ 17.350 đồng/CP (phiên giao dịch 2-1) lên 196.800 đồng/CP (tương đương mức tăng 1.111%).
Các mã tăng mạnh nhất trong Top 10 còn lại gồm: CTCP SCI E&C (SCI) tăng 647%, Tổng CTCP Y tế Danameco (DNM) tăng 439%, CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII) tăng 350%, CTCP Enteco Việt Nam (GMA) tăng 344%, Tổng CTCP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA) tăng 316%, CTCP Thế giới số (DGW) tăng 282%, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) tăng 256%, CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (DST) tăng 250%.
Nhưng kinh doanh vẫn đang lỗ
Nhưng kinh doanh vẫn đang lỗ
Đáng chú ý nhiều mã nằm trong Top 10 trên vẫn đang kinh doanh hết sức bết bát, thậm chí đang trong tình trạng thua lỗ. Đơn cử DST, dù ghi nhận mức tăng lên đến 250% trong năm vừa qua nhưng doanh nghiệp này vẫn đang kinh doanh khá bết bát.
Theo báo cáo tài chính quý III-2020, DST vẫn còn lỗ lũy kế gần 6 tỷ đồng. Tương tự là trường hợp BII. Ngay từ đầu năm 2020, các nhà máy sản xuất gạch Tuynel và nhà máy cát của doanh nghiệp phải ngừng hoạt động nên không phát sinh doanh thu trong thời gian gần đây.
Tính đến hết quý III-2020, BII lỗ thêm 55 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế đến cuối tháng 9-2020 lên 124 tỷ đồng. NHA cũng không sáng sủa hơn với doanh thu và lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2020 giảm lần lượt 26% và 7%.
Không nằm trong Top 10 mã CP tăng mạnh nhất TTCK, nhưng CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng khiến cho giới đầu tư bất ngờ với tỷ lệ tăng gần 200%. Việc giá CP HSG tăng mạnh nằm trong dự báo của giới đầu tư khi hoạt động kinh doanh thép phục hồi mạnh kể từ quý III-2020 ở cả 3 mảng thép chính, gồm: thép xây dựng, tôn mạ và ống thép.
Theo báo cáo tài chính niên độ 2019-2020, HSG báo lãi hơn 1.100 tỷ đồng (tăng 204% và vượt 175% chỉ tiêu cả năm). Tuy nhiên, sóng tăng của HSG luôn tạo nên sự nghi ngờ của các NĐT, bởi trong những đợt sóng này, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ luôn là người “tiên phong” bán CP chốt lời.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 4-12-2020 đến 2-1-2021, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen của ông Vũ đã đăng ký bán ra toàn bộ 43,1 triệu CP HSG. Trước đó, cũng chính công ty này đã bán ra 30 triệu CP HSG với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính của công ty. Đây là số CP được Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen mua vào khi HSG xuống đáy do thua lỗ ở những năm trước.
Dù liên tục bán ra mỗi khi CP lên nhưng tại ĐHCĐ thường niên 2021 vừa được tổ chức ngày 21-1, ông Vũ bất ngờ phát biểu: “CP giảm là cơ hội mua vào, còn ai muốn chốt thì cứ chốt”. Thậm chí, ông Vũ tiếp tục “vẽ” ra viễn cảnh rất tươi sáng cho HSG trong thời gian tới. Cụ thể, HSG sẽ đầu tư phát triển hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home.
Trong năm 2021, HSG sẽ đầu tư 150 siêu thị đầu tiên và mục tiêu đạt 1.200 siêu thị vào năm 2025. Với bước đi này, ông Vũ tự tin cho biết HSG sẽ nhanh chóng trở thành doanh nghiệp tỷ USD với doanh thu và lợi nhuận trong niên độ tài chính 2025-2026 đạt lần lượt 77.971 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) và 3.034 tỷ đồng.
Khó lý giải
Khó lý giải
Không dừng lại ở mức giá 115.000 đồng/CP, THD tiếp tục tăng mạnh trong những phiên giao dịch đầu năm 2021 và hiện đang giao dịch ở mức 175.000 đồng/CP. Như vậy, nếu tính từ đáy giữa năm 2020 đến nay, THD ghi nhận mức tăng khủng khiếp hơn 41 lần.
Với mức giá này, THD nghiễm nhiên trở thành mã CP có giá cao nhất trên sàn HNX dù mới niêm yết chưa đầy năm. Vậy đâu là lý do khiến cho NĐT đổ tiền vào doanh nghiệp còn khá xa lạ với giới đầu tư trên TTCK?
Không chỉ là tân binh trên sàn CK, THD cũng chỉ là doanh nghiệp mới được thành lập năm 2011 với tên gọi đầu tiên CTCP Đầu tư phát triển Kinh Thành. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của THD là thương mại vật liệu xây dựng, thực phẩm, dịch vụ cho thuê bất động sản và đầu tư.
Trong đó, hoạt động thương mại vật liệu xây dựng và cho thuê bất động sản mang lại doanh thu chủ yếu. Người sáng lập THD là ông Nguyễn Đức Thụy hiện đang sở hữu 10,78 triệu CP THD (tương đương 20% vốn).
Đại gia này được giới đầu tư biết đến với vai trò “ông bầu” của 2 đội bóng từng thi đấu ở giải vô địch quốc gia là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và Quảng Nam. Cuối năm 2020, THD chốt danh sách phát hành 296 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.
Điều đáng nói là thay vì dùng nguồn vốn mới này để bổ sung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, THD dùng gần như toàn bộ số vốn huy động được 2.961 tỷ đồng để mua 204 triệu cổ phần tại ThaiGroup (tương đương 81,6% vốn) với giá tối đa 15.000 đồng/cổ phần.
Được biết, ông Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT ThaiGroup. Trong đợt phát hành này, ông Thụy đã mua gần 2,9 triệu quyền mua CP phát hành thêm. Ngược lại, nhiều cổ đông nội bộ của THD lại đăng ký bán hết quyền mua trong đợt phát hành này. Đơn cử là ông Nguyễn Chí Kiên (Chủ tịch HĐQT) bán hơn 1 triệu quyền mua.
Tương tự, ông Vũ Ngọc Định (Phó Tổng giám đốc), bà Nguyễn Thị Vụ (Trưởng ban kiểm soát) và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Kế toán trưởng) mỗi người cùng bán 539.100 quyền mua. Những giao dịch trái chiều này khiến cho giới đầu tư gần như không thể lý giải lý do vì sao THD tăng giá.