Nỗ lực của ngành gỗ
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết chế biến gỗ và nội thất những tháng đầu năm 2023 đón nhận những con số không tích cực. Dù đã được dự báo từ cuối năm 2022, nhưng việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động.
Trong bối cảnh này, nhiều DN ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới. Trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh.
“Đó là việc lần đầu tiên các thương hiệu lớn của thị trường nội thất Việt Nam như Trần Đức, AA, Minh Thành… ký hợp đồng mua gian hàng lớn ở các triển lãm nội thất phục vụ thị trường Dubai. Bởi khu vực Trung Đông đang được ví là điểm đầu tư của thập niên này. Đây là vùng đất đang được quy hoạch để xây dựng các siêu dự án.
Tiêu biểu có thể kể đến như siêu dự án Neom tại Arab Saudi với 4 tổ hợp Sindalah, The Line, Trojena và Oxagon; siêu dự án The Mukaab (New Murabba) trị giá 800 tỷ USD; siêu dự án Mirror Line vốn đầu tư 1.000 tỷ USD… Tất cả dự án đều cần nội thất phân khúc cao cấp” - ông Khanh cho biết.
Nói rõ hơn về hành trình đi tìm thị trường mới, ông Nguyễn Phương, Tổng giám đốc Công ty Minh Thành, nhấn mạnh lúc này DN không thể ngồi nhà chờ khách tới mà cần đi ra ngoài, tham dự hội chợ, triển lãm để hiểu thị trường, hiểu khách hàng cần gì, muốn gì. Ông Phương cũng đánh giá khu vực Trung Đông là thị trường ngách, nhưng nếu làm tốt đây có thể là thị trường chính cho ngành gỗ Việt Nam.
Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIFA EXPO 2023) diễn ra hồi tháng 3 đã đón hơn 18.000 khách tham quan, kết nối. Các DN gỗ tham gia đã ký được nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ, với tổng giá trị gần 100 triệu USD.
Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại UAE cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) rất cao, có mức nhập khẩu đồ nội thất tăng trưởng hơn 45%/năm.
Doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023-2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất của thị trường này là nội thất phòng khách, có trị giá lên đến 1,08 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam hiện đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang đây. Nếu xây dựng được chiến lược thâm nhập đúng đắn, cơ hội cho DN Việt ở thị trường này rất lớn.
Ngoài khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Australia, Canada và một số nước trong khu vực ASEAN, cũng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho ngành gỗ và nội thất Việt Nam. Có thực tế phải nhìn nhận, là dù đứng hàng đầu xuất khẩu nội thất thế giới nhưng ngành nội thất Việt Nam đang thiếu tính cân bằng. Khoảng 55% xuất khẩu nội thất Việt Nam phục vụ thị trường Mỹ - thị trường quan trọng nhất của công nghiệp nội thất toàn cầu. Nhưng khi tập trung quá nhiều vào một điểm, chúng ta dễ phát triển lệch, rủi ro không nhỏ.
Đi ra để hiểu thị trường
Tại diễn đàn hồi cuối tháng 7 vừa qua tại TPHCM, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), kể lại cuộc họp với 30 đại sứ Việt Nam tại các nước vào cuối năm 2022. Khi đưa câu chuyện DN dệt may Việt Nam thiếu đơn hàng cho năm mới còn Bangladesh lại dôi dư, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết chỉ trong mấy tháng thị phần dệt may của Bangladesh đã tăng trưởng nóng tại Mỹ.
Còn Đại sứ Việt Nam tại Canada chia sẻ thông tin về hội chợ quốc tế ngành dệt may diễn ra cách đó vài tuần. Trong khi Bangladesh có vài trăm công ty tham dự đều mang theo chứng chỉ xanh bền vững do Mỹ cấp, Việt Nam chỉ có 1 DN tham gia. “DN Việt cần đi ra bên ngoài để hiểu rõ thị trường đang chuyển động ra sao sau những những cú sốc về kinh tế, từ đó có dự liệu và chiến lược cho mình” - bà Thủy nhấn mạnh.
Một DN trong ngành gỗ chia sẻ, khi tham gia hội chợ mới phát hiện có những mặt hàng mình làm được nhưng do không quảng bá nên khách hàng tìm kiếm nguồn cung từ quốc gia khác. Không chỉ ngành gỗ, DN trong một số ngành hàng khác cũng đang gặt hái nhiều tín hiệu vui nhờ siêng đi hội chợ, triển lãm. Cụ thể, cuối tháng 5 vừa qua, 33 DN Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế Thaifex Anuga Asia 2023 (Thaifex 2023) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Ông Phạm Đình Ngãi, CEO & Founder Mật hoa dừa Sokfarm, cho biết có khoảng 10 khách hàng tiềm năng đánh giá rất cao về chất lượng, khả năng thương mại các sản phẩm của Sokfarm.
Tương tự, ông Trần Phan Tế, Tổng giám đốc CTCP Lai Phú, cho biết sau đợt dịch lần đầu tiên Lai Phú đi ra thị trường nước ngoài thông qua hội chợ. “Ban đầu mong muốn của chúng tôi là học hỏi cách mở rộng thị trường, không ngờ nhiều khách hàng lại tìm tới Lai Phú, nhất là khách hàng từ thị trường châu Á. Đây là tín hiệu vui để thời gian tới Lai Phú sẽ mở rộng thị trường quốc tế” - ông Tế chia sẻ.
Một thí dụ thành công khác cho việc gặt hái đơn hàng từ việc đi các hội chợ, triển lãm là của Phúc Sinh Group. Dù thị trường đang nhiều khó khăn bủa vây, nhưng 6 tháng đầu năm Phúc Sinh vẫn có mức tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tham gia hội chợ, triển lãm trong nước cũng giúp DN “chốt đơn” với các nhà mua hàng quốc tế. Hồi tháng 5, TPHCM tổ chức hội chợ và diễn đàn xuất khẩu, đã có 500 lượt kết nối giao thương giữa DN Việt và các đoàn mua hàng nước ngoài.
Nhiều DN đã có đơn hàng ngay tại hội chợ, như Công ty Thực phẩm Bình Tây ký kết thành công việc phân phối sản phẩm tiêu dùng tại Hàn Quốc; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T ký kết thành công phân phối sản phẩm cho DN Đài Loan và Mỹ… Tổng kết hoạt động kết nối B2B, tổng đơn hàng được kết nối thành công ước tính 66.000USD. Còn hoạt động kết nối B2C (doanh số bán hàng trực tiếp tại hội chợ) hơn 2 tỷ đồng.