Covid-19 chỉ là giọt nước tràn ly
Đầu quý II/2020, cục diện nền kinh tế Trung Quốc trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 đã biến chuyển khi nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa và chỉ số ít là hoạt động tốt.
Điều này trái hẳn với tình hình doanh nghiệp trở lại hoạt động khá sôi động trong tháng 2 và tháng 3. Từ đầu tháng 2, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng đều đặn. Đến đầu tháng 3, hơn 90% doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc trở lại hoạt động sau cú sốc Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí, truyền thông, điện năng và giao thông có tỷ lệ trở lại hoạt động cao hơn với 95%.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính đến ngày 29/3, tỷ lệ doanh nghiệp này quay lại hoạt động đạt 76,8%, tăng 2,5 lần so với số liệu hồi đầu tháng, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc - cơ quan chuyên trách theo dõi tình hình sử dụng nền tảng đám mây của khoảng 2,2 triệu doanh nghiệp nhỏ của nước này.
Chưa rõ khi nào tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lại hoạt động mới đạt 100%, nhưng các chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan về tỷ lệ này. Hãng tin CNBC dẫn nhận định của ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại công ty tư vấn tài chính China Renaissance (Hong Kong)rằng: số lượng doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa hồi sinh tại Trung Quốc sẽ không tăng nhiều trong thời gian tới, bởi nhiều trong số đó đã phá sản.
Trên thực tế, kết quả khảo sát đầu tháng 1/2020 của Hội Cải cách tỉnh Quảng Đông cho thấy có đến 60% trong số 275 doanh nghiệp nhỏ và vừa được khảo sát cho biết họ đang bên bờ phá sản và ngập trong nợ nần.
Xét trên phạm vi cả nước, tính đến ngày 30/3, hơn 429.000 doanh nghiệp Trung Quốc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm nay, theo công ty cung cấp dữ liệu doanh nghiệp Qichacha. Đem so với 126 triệu doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa chưa đầy 1%.
Nhưng soi vào cơ cấu ngành nghề tỷ lệ doanh nghiệp phá sản này phán ánh đúng tác động trực tiếp của dịch bệnh. Theo đó, lĩnh vực bán lẻ và bán sỉ có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể cao nhất với 38%, theo sau là kinh doanh và dịch vụ cho thuê với 15%, còn tỷ lệ này của lĩnh vực chế tạo là 8%.
Trên thực tế, dịch Covid-19 chỉ là giọt nước tràn ly khi mà trước đó không ít doanh nghiệp Trung Quốc đã hoạt động bết bát. Phân tích mới đây của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings chỉ rõ, trong 2 năm qua, số vụ vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc tăng đột biến, lan sang cả các doanh nghiệp nhà nước - đối tượng được xem là luôn hưởng lợi từ hỗ trợ của chính phủ. Trong đó, số vụ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp tư nhân cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước, dù 89% lượng trái phiếu nội địa trong 2 năm qua là do doanh nghiệp nhà nước phát hành.
Khó chồng khó
“Nếu tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu đi, những ‘người chơi’ quá sức trên thị trường sẽ phải đối mặt với môi trường khó khăn hơn và khả năng họ được công ty mẹ tiếp sức để phục hồi sẽ rất ít”, Jenny Huang, giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc của Fitch Ratings nhận định.
Sau cú sốc Covid-19, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã gượng dậy hồi phục sản xuất sau khi các lệnh phong tỏa dần được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất theo hợp đồng nước ngoài đang “méo mặt” khi đơn hàng từ Mỹ và châu Âu đã cạn róc do dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, khiến Mỹ, châu Âu buộc phải “khóa chặt” nền kinh tế khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sụt giảm.
Tình hình dịch bệnh ở châu Âu “rất đáng ngại”, Claudia Luo, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô tại tỉnh Quảng Đông than thở.
“Chúng tôi dự kiến doanh thu đạt 200 tỷ nhân dân tệ (28,6 tỷ USD) trong quý I/2020, nhưng thực hiện chưa được một nửa mục tiêu. Hầu hết đơn hàng đến từ Đông Nam Á, không hề có đơn hàng từ Mỹ và châu Âu”, bà Claudia cho biết.
Các nhà phân tích đánh giá, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trở lại hoạt động khá cao, nhưng chưa vội mừng. Chuyên gia Bruce Pang của China Renaissance cho rằng sự lây lan của Covid-19 trên toàn cầu có thể tiếp tục làm gián đoạn các đơn hàng mới của doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 4 và nhiều khả năng nhu cầu nội địa Trung Quốc cũng đi xuống theo sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài.
Ngay cả khi các nhà lãnh đạo G20 cam kết hỗ trợ 5.000 tỷ USD đối phó dịch Covid-19 và chính phủ các nước công bố một loạt biện pháp kích thích, trong đó có cắt giảm thuế, các nhà kinh tế vẫn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc và thế giới.
Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại tập đoàn Nomura dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm thêm 0,5% trong quý II/2020, sau khi đã lao dốc 9% trong quý I.
Điều đáng ngại nhất đối với các nước, trong đó có Trung Quốc hiện nay là đảm bảo việc làm cho người lao động.
“Để cứu được doanh nghiệp thì cần phải đảm bảo chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước và chuỗi cung ứng không có trục trặc. Ngoài ra, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp cũng cần được ổn định để tránh việc phá sản trên diện rộng, dẫn tới việc làm sụt giảm”, Liu Shangxi, Chủ tịch Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc nêu giải pháp.