Doanh nghiệp không xuất, khách không hỏi
Tại cây xăng Tây Nam Petro nằm ở giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), nhân viên bán hàng cho hay, phần lớn khách chạy xe gắn máy không yêu cầu xuất hóa đơn, nên cây xăng chưa xuất. Tuy vậy, khi một khách hàng đi xe gắn máy đề nghị được xuất hóa đơn thì nhân viên này nói... hiện chưa áp dụng đối với xe máy. Ngược lại, đối với ô tô, cây xăng vẫn xuất hóa đơn bình thường.
Cách đó vài trăm mét, cây xăng thuộc CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (118 Cách Mạng Tháng 8, phường Võ Thị Sáu, quận 3) cũng chưa xuất hóa đơn điện tử mà chỉ in phiếu bán hàng để gửi khách. Tại cây xăng thuộc Công ty TNHH MTV Kho vận xăng dầu Tây Nam (86 Tô Ký, quận 12, TPHCM), theo quan sát của phóng viên, trong 30 phút với hàng chục lượt xe gắn máy ra vào đổ xăng, không có khách hàng nào yêu cầu lấy hóa đơn điện tử.
Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TPHCM cho biết đang phối hợp với một nhà cung cấp giải pháp để triển khai việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng, nhưng đến nay chưa hoàn thành. Thực hiện chủ trương chung, công ty đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022 theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn chỉ cho những khách hàng có nhu cầu, thường chiếm chưa đến 30% tổng lượng khách. Với nhóm khách không yêu cầu xuất hóa đơn, đến cuối ngày cửa hàng xuất gộp thành một tờ hóa đơn và báo cáo về cơ quan thuế.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Nhiều doanh nghiệp băn khoăn về chi phí cho hệ thống xuất hóa đơn điện tử là quá lớn (mức đầu tư ban đầu khoảng 70 triệu đồng/cửa hàng), trong khi mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ quá thấp (chỉ khoảng 400 đồng/lít). Doanh nghiệp này cho rằng yêu cầu trích xuất, truyền dữ liệu liên tục sẽ dễ bị lỗi và doanh nghiệp phải bố trí thêm nhân lực để làm việc này, khiến chi phí đội lên rất cao.
Trước đó, ngày 6-12-2023, Cục Thuế TPHCM có văn bản yêu cầu các cửa hàng khi bán xăng dầu cho khách hàng phải thực hiện lập hóa đơn khi kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán cho khách hàng là cá nhân. Đồng thời, người bán phải lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngành công an và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Cục Thuế đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khẩn trương hoàn thiện nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, liên hệ các nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để triển khai thực hiện. Cơ quan thuế nhấn mạnh giải pháp tối ưu đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Theo quy định hiện nay, hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, hoặc từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng tùy hành vi. Nếu không lập hóa đơn thì phạt tiền 10-20 triệu đồng. Chuyển dữ liệu chậm so với quy định, chuyển bảng tổng hợp dữ liệu không đầy đủ với số lượng hóa đơn lập trong kỳ cũng bị phạt tiền. Việc xử phạt theo từng hành vi và mức phạt tính trên từng hóa đơn lập cho khách hàng. Nếu vi phạm từ 10 số hóa đơn trở lên sẽ được xác định là vi phạm “có quy mô lớn”.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM: Mua hàng lấy hóa đơn là bảo vệ bản thân trước rủi ro
Việc bán hàng xuất hóa đơn điện tử là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà cụ thể là các cây xăng. Việc kiểm tra, giám sát cây xăng thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng cần lấy hóa đơn nhằm thực hiện thói quen tiêu dùng văn minh, đồng thời đó là quyền lợi, có thể bảo vệ bản thân trước nhiều rủi ro (khiếu kiện khi lỡ mua trúng hàng dỏm, xăng, dầu giả…). Quy định xuất hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu đã có, vậy doanh nghiệp buộc phải thực thi, nhằm thể hiện tính minh bạch trong quá trình kinh doanh.