Từ đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh BĐS cũng nâng từ 150% lên 200%. Chính sách thắt chặt tín dụng này khiến hàng loạt doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, dự án bị đình trệ, thời gian giao nhà cho khách hàng cũng vì thế không thể thực hiện theo đúng cam kết.
Bức xúc việc trễ hẹn bàn giao nhà, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại dự án Park Vista trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông làm chủ đầu tư, đã kéo lên công trường dự án căng băng rôn đòi nhà. Ngay sau đó, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Nhà Bè và các đơn vị liên quan, yêu cầu tổ chức kiểm tra dự án Park Vista.
Theo hàng trăm khách hàng đã mua căn hộ tại dự án Park Vista, năm 2016 họ ký hợp đồng với Công ty Đông Mê Kông mua căn hộ dự án. Theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II-2018, chậm nhất quý I-2019. Dự án được xây dựng trên khu đất 1,27ha, gồm 4 block cao từ 21-28 tầng với 1.300 căn hộ. Trong đó giai đoạn 1 của dự án gồm 680 căn thuộc Block E, F. Tuy nhiên, hiện tại dự án mới xây thô tới tầng 12 rồi ngưng thi công, dù đến nay đã trễ hẹn bàn giao nhà gần 1 năm.
Theo tìm hiểu, dự án Park Vista được Công ty Đông Mê Kông liên kết hợp tác với đơn vị phát triển dự án là Công ty Anpha Land (thành viên Tập đoàn Anpha Holdings) và nhà thầu xây dựng CTCP đầu tư Thương mại Xây dựng An Đức. Theo hợp đồng, Công ty Anpha Land chịu trách nhiệm bán hàng và thu xếp nguồn lực với ngân hàng để tạo nguồn vốn phát triển dự án.
Công ty An Đức phụ trách phần xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, có dấu hiệu cho thấy Công ty Anpha Land không đáp ứng được yêu cầu tài chính, nhà thầu cũng có dấu hiệu không đủ nhân lực đáp ứng tiến độ, dẫn đến công trình bị chậm. Về phần Công ty Đông Mê Kông, Giám đốc Trần Mạnh Thắng, cho biết dòng tiền đầu tư cho BĐS bị siết chặt khiến công ty gặp nhiều khó khăn, cũng là nguyên nhân khiến dự án Park Vista chậm tiến độ.
Dự án Kenton Residence “chết lâm sàng” lần thứ 2.
Dự án Kenton Node nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dự án có tổng diện tích 9,1ha, với 3 phân khu Plaza, Sky Villa và Residences, gồm 9 block với 1.640 căn hộ. Dự án manh nha ý tưởng từ năm 2002, nhưng 7 năm sau Kenton Residences mới chính thức được chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên mở bán. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó 300 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Thế nhưng vài năm sau đó, dự án rơi vào cảnh trùm mền.
Mãi đến giữa năm 2017, dự án khởi động lại với tên gọi mới Kenton Node. Với sự hậu thuẫn từ ngân hàng, dự án có thêm 1.060 tỷ đồng để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, vào giữa năm 2018, dự án lại một lần nữa “bất động”. Có mặt tại công trường dự án Kenton Node những ngày này, chúng tôi không thấy bất cứ công nhân nào làm việc.
Còn dự án CT Plaza Nguyên Hồng (số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) do CTCP Nguyên Hồng làm chủ đầu tư, dự kiến cung ứng khoảng 280 căn hộ có diện tích 55-76m2 và 18 căn shophouse 220-470m2. Năm 2017, dự án được quảng cáo rầm rộ, đã thu hút nhiều khách hàng đặt mua. Theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà vào quý IV-2019, nhưng hiện tại dự án chỉ mới thi công được phần móng và đang có dấu hiệu ngưng thi công.
Trong khi đó, dự án CT Home Bình Thạnh (số 471 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) do CTCP Xây dựng và Trang trí Nội thất Cát Tường làm chủ đầu tư, có tổng diện tích đất hơn 920m2, gồm 1 block cao 11 tầng với 60 căn hộ thương mại, officetel, nhà cho thuê. Dự án được giới thiệu ra thị trường từ cuối năm 2018, dự kiến hoàn thành sau 1 năm xây dựng, nhưng đến nay vẫn chỉ là khu đất trống.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), thị trường BĐS TP đang vào giai đoạn rất khó khăn, giao dịch ảm đạm do thủ tục pháp lý ách tắc, ngân hàng siết nguồn tín dụng. Hàng loạt dự án BĐS rơi vào bế tắc, có dấu hiệu “chết lâm sàng”.
Ông Châu khuyến nghị doanh nghiệp BĐS cần đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế.