Nhiều giải pháp “trị” vi phạm xây dựng

(ĐTTCO) - Tình hình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TPHCM đang giảm mạnh sau một thời gian thực hiện Chỉ thị  23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM (Chỉ thị 23). Các quận huyện đã có nhiều biện pháp hiệu quả, quyết liệt kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng. 

Giám sát, phát hiện vi phạm qua mạng

Quận Tân Bình thời gian qua có tình trạng sau khi hoàn công các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, chủ nhà đã xây dựng không phép để tăng diện tích, vừa ở vừa cho thuê. Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La cho biết, triển khai Chỉ thị 23, quận Tân Bình đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Tân Bình nói không với xây dựng không phép, sai phép”. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng, quận vận động các hộ dân xây dựng nhà ở riêng lẻ cam kết không xây dựng trái phép. Ông Châu Văn La cho hay, quận đã triển khai ứng dụng “Tân Bình trực tuyến”.

 Cưỡng chế tháo dỡ các công trình không phép ở làng đại học Thủ Đức ngày 17-12. Ảnh: KIỀU PHONG

 Cưỡng chế tháo dỡ các công trình không phép ở làng đại học Thủ Đức ngày 17-12. Ảnh: KIỀU PHONG

Từ đầu năm đến nay, quận nhận 25 đơn phản ánh về vi phạm xây dựng, phần lớn người dân phản ánh đúng, hoặc có đúng có sai. Người dân quan tâm giám sát, báo tin qua mạng, giúp quận kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, sau 4 tháng triển khai Chỉ thị 23, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận giảm 71% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Tại huyện Nhà Bè, số vụ vi phạm trật tự xây dựng 3 tháng qua đã giảm 44% so với cùng kỳ. Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Hoàng Tùng cho hay, huyện chú trọng phát hiện và ngăn chặn các trường hợp bất thường ngay từ đầu. “Đây là việc quan trọng nhất. Đảm bảo sự chấp hành từ đầu bao giờ cũng đơn giản hơn vi phạm rồi xử phạt, cưỡng chế”, ông Hoàng Tùng đánh giá.

Huyện nâng cao vai trò của đảng viên, quần chúng trong phát hiện vi phạm ngay từ đầu. Trên địa bàn huyện có 3.500 đảng viên, từng đảng viên đã cam kết không vi phạm trật tự xây dựng và đồng thời tham gia phát hiện các hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Đặc biệt, toàn bộ giấy phép xây dựng do UBND huyện ban hành đều được đưa lên phần mềm “Nhà Bè trực tuyến”. Việc công khai này giúp giám sát tốt hơn, người dân chỉ cần click chuột là tìm thấy giấy phép xây dựng được cấp; cán bộ thanh tra địa bàn không cần phải cầm hồ sơ đến hiện trường mà chỉ cần vô mạng là có thông tin để xử lý.

Phường Tân Thới Hòa (quận Tân Phú) là một điển hình từ đầu năm đến nay không xảy ra trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Với các trường hợp có nhu cầu sửa chữa không thay đổi kết cấu, UBND phường phân công cán bộ hướng dẫn người dân tận tình, cung cấp, hỗ trợ người dân làm hồ sơ đầy đủ; xác minh thực tế công trình. Sau khi sửa chữa xong thì phường chủ động đi kiểm tra hoàn thành.

Tạo điều kiện để dân xây dựng đúng 

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân vi phạm trật tự xây dựng là thủ tục hành chính ở lĩnh vực này còn phức tạp. Để kéo giảm tình trạng trên, huyện Nhà Bè tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, về chuyển mục đích sử dụng đất. “Công tác này cần đưa lên hàng đầu trong thời gian tới”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh. 

Nhiều giải pháp “trị” vi phạm xây dựng ảnh 2 Từ đầu năm đến nay, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM không để xảy ra trường hợp xây dựng không phép và sai phép. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết Chỉ thị 23 đã tạo hiệu ứng sâu rộng trên địa bàn, tác động mạnh đến từng người dân. Tuy nhiên, số vụ vi phạm có giảm so với năm trước nhưng việc xử lý các quyết định tồn đọng thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, tỷ lệ thi hành xong chưa cao. Ông Khang cho rằng nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa được điều chỉnh đồng bộ, bổ sung kịp thời.

Trong khi đó, một số biện pháp có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng như lập biên bản và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong thi công xây dựng theo thủ tục đơn giản; ngừng cung cấp điện, nước... lại chưa được pháp luật quy định.

Để xử lý triệt để các công trình xây dựng vi phạm, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung quy định còn thiếu và chưa phù hợp với thực trạng quản lý trật tự xây dựng. Qua đó, giúp các địa phương có thêm công cụ để quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cưỡng chế 16 công trình không phép ở Thủ Đức

(SGGP).- Ngày 17-12, UBND phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) tiếp tục tổ chức cưỡng chế 16 công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn. Đây là những công trình cấp 4, xây dựng không phép trên phần đất được quy hoạch xây dựng Trường Đại học Nông Lâm (5 công trình) và Đại học Quốc gia TPHCM (11 công trình).

Trước đó, phường Linh Trung cũng tổ chức cưỡng chế 21 công trình xây dựng không phép tại khu vực đất công do Nhà nước quản lý ở khu vực 9,68ha (khu phố 1). Theo ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, việc tổ chức cưỡng chế này nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23 của Thành ủy TPHCM. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Hưng nhìn nhận, sau khi Chỉ thị 23 ban hành, thời gian đầu có một số trường hợp vi phạm xây dựng trên địa bàn không được phát hiện kịp thời. Qua đó, UBND phường xây dựng lại quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm và huy động thông tin giám sát từ các đoàn thể, đảng viên trên địa bàn. Thông qua quy chế này, nhiều vụ việc ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm đã được phường tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân chấm dứt hành vi vi phạm và chính quyền cũng không phải tổ chức cưỡng chế. “Những công trình phường đang cưỡng chế là được xây dựng trước thời điểm Chỉ thị 23-CT/TU ban hành”, ông Trần Quốc Hưng khẳng định.

GIA MINH

Các tin khác