Người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vừa phản ánh với báo chí, khu rừng phòng hộ ven biển cho dân làng nơi này đang ngày càng suy giảm, bị xâm hại nghiêm trọng. Đặc biệt, mới đây, xuất hiện dự án điện mặt trời đã tự ý xâm lấn, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Phù Mỹ quản lý và bảo vệ.
Điều đáng nói, doanh nghiệp huy động nhân công, máy móc cơ giới ủi phá rừng phòng hộ nhiều ngày, song chủ rừng và chính quyền xã vẫn không kịp thời phát hiện, ngăn chặn để nhiều ha rừng bị phá trắng.
Lần theo thông tin phản ánh người dân, PV Báo SGGP đã ghi nhận hiện trường, tìm hiểu nội tình vụ phá rừng phòng hộ ven biển Mỹ An.
Qua ghi nhận, gần 6ha rừng cây phi lao (trong đó có rừng phòng hộ ven biển) thuộc 2 thôn Xuân Bình, Xuân Phương bị ủi phá trắng, mất cả gốc. Diện tích rừng bị san ủi tiếp nối với dự án hợp phần giai đoạn 3 (Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3) của tổng dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ (tổng toàn bộ dự án 6.200 tỷ đồng, trên tổng diện tích 380ha) do Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư, trực tiếp triển khai.
Tại hiện trường, hàng rào ngăn cách dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đã bị nhiều người phá đổ. Nhiều ha rừng phòng hộ ven biển giáp ranh dự án đã bị ủi phẳng để làm dự án, cây rừng bị nhổ gốc mất dấu.
Nhiều cây rừng phòng hộ (thuộc họ phi lao hay dương) bị tàn phá, nhổ hết gốc, chỉ còn lại rễ
Cây dương thuộc rừng phòng hộ ven biển Mỹ An bị phương tiện cơ giới nhổ gốc, nằm phơi trên nền cát
Xác cây rừng phòng hộ ven biển bị ủi phá, nằm ngổn ngang
Nhiều cây rừng phòng hộ khoảng từ 10 đến 15 năm bị cắt hạ, nhổ gốc, dọn sang một bên để lấy đất trắng làm dự án
Theo một số người cao niên ở xã Mỹ An, rừng phòng hộ ven biển xã này được trồng nhiều thời kỳ khác nhau, từ khoảng 10 đến 20 năm trước đây. "Rừng có chức năng che chắn, giữ đất cát để ngăn bão cát hoành hành, che chắn gió bão cho dân làng hàng chục năm nay. Hiện, rất nhiều diện tích rừng đều bị xâm hại, tàn phá vì thiên tai và các dự án...", một người dân thôn Xuân Bình phản ánh.
Số cây dương có đường kính khá lớn bị cắt hạ, nhổ bật gốc đi nơi khác. Người dân phản ánh thêm, doanh nghiệp huy động cả máy móc, phương tiện cơ giới để làm cả vào ban đêm nhằm lấn chiếm đất, rừng phòng hộ.
Ông Bùi Long Thăng, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Mỹ thừa nhận, diện tích rừng bị phá trên 5,26ha khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý. "Hiện, chúng tôi đã kiểm tra, báo cáo vụ việc lên UBND huyện. Qua đó, UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý do Phòng TN-MT huyện chủ trì, các anh liên hệ qua đó để tìm hiểu thêm. Trách nhiệm của ban quản lý (tức BQLRPH Phù Mỹ-PV) chỉ thế. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện", ông Thăng nói.
Theo ông Thăng, diện tích rừng bị phá này do chủ đầu tư của Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ làm. Ông này nói: "Có thể do dự án trải qua nhiều lần chuyển đổi chủ nên doanh nghiệp họ nhầm lần, ủi phá lấn qua nhiều diện tích rừng phòng hộ".
Một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Phù Mỹ nói rằng: "Đúng ra, BQLRPH huyện phải có một đề nghị như thế nào vì đây là rừng do họ quản lý, chứ giao cho Phòng TN-MT huyện làm rất khó khăn và không đúng chuyên môn". Về nội dung này, phóng viên liên hệ đến các lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ để làm rõ, song chưa thể kết nối được với lãnh đạo huyện này. Hai số điện thoại công khai trên website UBND huyện Phù Mỹ của ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện và ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện liên tục đổ chuông nhưng không nghe máy...
Làm việc với báo chí, ông Lê Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết, dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ nằm trên diện tích đất và cả rừng phòng hộ (đã được Chính phủ cho phép chuyển đổi không còn chức năng rừng phòng hộ) thuộc 2 xã Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ). Trong đó, xã Mỹ An có 56ha với 2 giai đoạn.
"Sau khi có người dân phản ánh về việc doanh nghiệp lấn phá rừng phòng hộ, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập tổ công tác gồm nhiều đơn vị vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Trước mắt, địa phương yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng triển khai thi công phần diện tích rừng bị phá để các đơn vị vào cuộc kiểm tra, xác định lại diện tích doanh nghiệp lấn chiếm bao nhiêu diện tích rồi xử lý", ông Thương nói.
Về phía chủ đầu tư, một đại diện Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch lại cho rằng, do lẫn lộn về mốc giới khi chuyển qua nhiều nhà thầu thi công dự án. "Mốc do các bên cùng cắm bàn giao đất, qua thời gian có thể bị dịch chuyển nên khi thi công có sự sai sót, chúng tôi đang phối hợp với đơn vị chức năng để làm rõ sai sót...", vị này nói, đồng thời phủ nhận thông tin phản ánh việc doanh nghiệp cố tình thi công cả ban đêm để lấn chiếm vào đất rừng phòng hộ khi triển khai dự án.