Nhiều hồ thủy điện hụt nước ở mức cao

(ĐTTCO)-Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 5 dù có mưa lớn tại một số khu vực nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 30%-60% trung bình nhiều năm, do mưa xảy ra chủ yếu ở vùng hạ lưu các hồ chứa.
Nhiều hồ thủy điện hụt nước ở mức cao

Tổng sản lượng thủy điện theo nước về các hồ thủy điện trên toàn hệ thống trong tháng 5 là 2,23 tỷ kWh, thấp hơn 0,84 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 9,48 tỷ kWh, thấp hơn 3,26 tỷ kWh so với kế hoạch năm. 

Dự kiến trong tháng 6, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống ở mức 739 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 39.740 MW. Trong khi đó, dự báo trong tháng 6, tình hình khô hạn tiếp tục xảy ra ở tất cả các khu vực trong cả nước. Trong đó, khu vực phía Bắc chuẩn bị vào mùa lũ (từ ngày 15-6) nhưng lượng nước về vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 25%-70%, riêng lưu vực sông Đà thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 41%; khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ tình hình khô hạn tiếp tục xảy ra gay gắt, lượng nước về thiếu hụt 40%-70%; khu vực miền Nam thiếu hụt khoảng 20%-40% so với trung bình nhiều năm. 

Trước diễn biến bất lợi này, EVN đưa ra mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 6 là khai thác các nhà máy thủy điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương và mức nước giới hạn các hồ thủy điện; khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí theo khả năng cấp nhiên liệu. Nâng cao độ khả dụng các nhà máy điện. Các tổng công ty phát điện và các công ty nhiệt điện tiếp tục bám sát yêu cầu các đơn vị cấp than nhằm đảm bảo cấp than đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống. Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam. EVN cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24 giờ để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. 

Tuy nhiên, để giảm bớt những khó khăn trong cung ứng điện, giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện (đặc biệt trong thời gian nắng nóng khi nhiệt độ ≥ 360C các công ty điện lực không thực hiện cắt điện để sửa chữa), EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả với nhiều biện pháp như: tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng, chỉnh nhiệt độ điều hòa ở 260C trở lên và sử dụng kết hợp với quạt, không sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn, lưu ý không để tình trạng đèn đường, đèn chiếu sáng công cộng bật khi trời sáng… 

Liên quan đến việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến hết 31-5, EVN đã giảm giá điện, giảm tiền điện cho 26,6 triệu khách hàng với tổng số tiền giảm là 3.533,3 tỷ đồng. 

Tại cuộc họp ngày 11-6 với các tổng công ty điện lực trên cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 7-6, cả nước đã có hơn 31.100 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất lắp đặt đạt hơn 640MWp (megawatt-peak), sản lượng điện phát lên lưới đạt hơn 145 triệu kWh, tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho các khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà hơn 300 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, EVN tạo điều kiện để nguồn điện mặt trời mái nhà mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa lưới điện; đề nghị các tổng công ty điện lực nghiên cứu công bố thông tin về khả năng hấp thụ nguồn điện mái nhà tại các khu vực để nhà đầu tư xem xét vị trí, quy mô đầu tư phù hợp; quảng bá mạnh hơn tới từng người dân về hiệu quả của điện mặt trời mái nhà.

Các tin khác