Số lượng doanh nghiệp công bố lỗ tính đến thời điểm này là 85 công ty, cao hơn năm ngoái 30 công ty. Các ngành lỗ nhiều nhất là xây dựng, bất động sản, tài chính, vận tải biển, nhiệt điện, thủy điện.
Đến thời điểm này đa phần các công ty niêm yết đã nộp báo cáo tài chính năm 2011 cho 2 sở giao dịch chứng khoán. Trong năm nay, dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo UBCKNN có đến 60% công ty niêm yết sụt giảm lợi nhuận.
Năm 2011 được xem là một năm khó khăn của kinh tế vĩ mô lẫn thị trường chứng khoán, vì vậy các doanh nghiệp niêm yết đã phải chống chọi với các vấn đề từ chi phí đầu vào, đến lãi suất vay, trong khi việc hút vốn qua kênh chứng khoán cũng khó thực hiện. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp công bố lỗ tính đến thời điểm này là 85 công ty, cao hơn năm ngoái 30 công ty.
Trong số các công ty lỗ trong quý IV, nhóm công ty bất động sản, dùng đến khoảng 80% vốn vay để thực hiện dự án là bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lãi vay. Công ty Quốc Cường Gia Lai lũy kế cả năm 2011 lỗ 30,76 tỉ đồng, trong khi năm 2010 lãi 236,9 tỉ đồng. Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay trong quý IV là 23,47 tỉ đồng, tăng 160% so với mức 9,03 tỉ đồng cùng kỳ.
Trong giải trình về việc chậm thi công khu chung cư Quốc Cường 1, Quốc Cường Gia Lai cũng nhấn mạnh về vấn đề vay nợ. “Công ty phải đi vay rất khó khăn vì các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, khi vay được thì lãi suất rất cao lên đến 22-24%/năm”, đồng thời cũng do chi phí đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động công ty".
Cùng cảnh ngộ với Quốc Cường Gia Lai, CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) lỗ 61,93 tỉ đồng trong quý IV, cùng kỳ lãi 127,03 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2011, SJS lỗ 46,22 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 456,12 tỉ đồng của năm 2010.
Thị trường chứng khoán đi xuống ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các công ty chứng khoán, dẫn đến việc các công ty này thua lỗ triền miên. Đến thời điểm này 12 công ty chứng khoán đang niêm yết đã công bố lỗ, chủ yếu do hoạt động môi giới và tự doanh như AVS, BSI, BVS....
Nhưng không chỉ có công ty chứng khoán, nhiều công ty khác có thực hiện hoạt động đầu tư tài chính cũng lỗ vì trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư chứng khoán.
Trong số này, nổi bật là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), lũy kế cả năm 2011, chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính ngắn, dài hạn của SAM là 205 tỉ đồng, dẫn đến việc lỗ 204,46 tỉ đồng trong năm 2011, trong khi năm 2010 công ty lãi 108,11 tỉ đồng.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Sacom cho biết lẽ ra trong năm 2011, công ty bán xong dự án bất động sản trên đường Điện Biên Phủ, TPHCM thì sẽ ghi vào khoản thu nhập thêm 100 tỉ đồng. Tuy vậy, dự án này vừa ký hợp đồng bán trong tháng 1 vừa qua nên trong năm ngoái công ty buộc phải ghi nhận mức lỗ trên 200 tỉ đồng.
Ông Trắc cho biết trong năm nay sẽ thu hẹp hoạt động đầu tư tài chính, chỉ tập trung vào hoạt động chính là sản xuất cáp quang và dây điện từ. Đồng thời hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cũng sẽ được chú trọng do công ty này còn quỹ đất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai và Đà Lạt nhằm hạn chế lỗ.
Không chỉ lỗ vì chi phí lãi vay, hay trích lập dự phòng do đầu tư chứng khoán, nhiều công ty còn lỗ vì tỷ giá. Cụ thể như CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2011 là 1.262 tỉ đồng, năm 2010 khoảng 1.000 tỉ đồng nữa. Trong khi đó, tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản vay có nguồn gốc ngoại tệ của công ty là 1.700 tỉ đồng, còn hơn 500 tỉ đồng công ty dự định chia đều cho 5 năm tiếp theo để trích lập.
Khoản vay của PPC là 30, 366 tỉ yên Nhật, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại ngày 31-12-2011 là 266,76 đồng/yên, tăng 41,19 đồng so với 31-12-2010. Trong năm 2011 PPC lỗ 327 tỉ đồng.
Ông Lê Thế Sơn, Giám đốc Tài chính của PPC cho biết khoản vay bằng đồng yên nói trên ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của công ty, hiện tại công ty vẫn chưa có đủ tiền để trả nợ trước hạn nên sẽ tiếp tục trích lập dự phòng trong các năm tới. Hoạt động chính mang lại thu nhập của công ty là kinh doanh điện và một phần do lãi ngân hàng. Ông cũng cho rằng đồng yên khó có thể tiếp tục tăng cao trong năm 2012 nên có thể khoản trích lập dự phòng của công ty sẽ không quá lớn.
Trong số 85 công ty công bố lỗ trong quý IV, các nhóm ngành có số lượng công ty lỗ nhiều nhất là xây dựng, bất động sản, tài chính, vận tải biển, nhiệt điện, thủy điện.
Trong khi đó, nhóm ngành cao su tự nhiên có lãi lớn nhờ giá bán tăng. Cụ thể như Công ty Cao su Phước Hòa lãi 825 tỉ đồng sau thuế, đạt đến 177% so với kế hoạch, và tăng nhiều so với con số 471 tỉ đồng của năm 2010. Công ty cao su Thống Nhất (TNC) cũng có 72,11 tỉ đồng đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 39,02% so với cùng kỳ. Hay Công ty Cao su Đồng Phú (DPR) có lợi nhuận sau thuế năm 2011 lên đến 846 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Đặc biệt, đa phần các ngân hàng đều công bố lãi trong cả năm, như STB, VSB, CTG, EIB… lợi nhuận chủ yếu của nhóm ngành ngân hàng đến từ thu nhập lãi vay.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong năm 2012 có thể chia các ngành vào 3 nhóm: thực phẩm - đồ uống, điện và dược sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ổn định do nhu cầu sử dụng ít bị ảnh hưởng; dầu khí và nhựa là 2 ngành đứng ở mức trung bình do giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm; còn lại các ngành khác như bất động sản, xi măng, thép, cao su, thủy sản, khai khoáng và vận tải có thể sẽ phải cắt giảm sản xuất, đầu tư mới để tập trung giải quyết lượng hàng tồn kho cũng như giảm chi phí vốn để tồn tại.