Nhiều mặt hàng về lại giá cũ

(ĐTTCO) - Ghi nhận trong ngày 6-2, các mặt hàng đổ về chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM đạt mức tương đương so với ngày bình thường, giá nhiều mặt hàng đã trở về giá thời điểm trước Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tại các trung tâm thương mại, siêu thị…, hàng hóa khá phong phú với nhiều chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng, mặt bằng giá tương đối ổn định.
Nhiều mặt hàng về lại giá cũ

Hàng hóa cấp tập “đổ” về chợ, siêu thị

Rạng sáng 6-2, tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức nhộn nhịp các xe lấy hàng, sức mua đã tăng đáng kể so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và gần đạt mức bình thường so với trước tết. Chị Nguyễn Mai, tiểu thương kinh doanh hủ tiếu kiêm bán lẻ rau quả trên đường Trường Chinh (gần chợ Võ Thành Trang, quận Tân Bình), chia sẻ, sau rằm tháng Giêng, rau củ về các chợ đầu mối khá nhiều, giá nhiều mặt hàng trở về bằng thời điểm trước tết nên người mua bán lẻ không còn lo lắng nhiều. “Tôi rảo một vòng chợ đầu mối Hóc Môn, giá cả nhiều mặt hàng rau củ, thịt heo các loại đã bình thường trở lại, chưa kể một số mặt hàng còn rẻ hơn so với dịp cận tết”, chị Nguyễn Mai cho hay.

Ghi nhận tại một số chợ bán lẻ như Phạm Văn Hai, Võ Thành Trang (quận Tân Bình); Hòa Hưng, Nhật Tảo (quận 10); Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); chợ tự phát trên đường Đông Bắc, Tân Thới Hiệp 21 (quận 12)…, giá rau củ quả các loại đã giảm từ 30%-40% so với cao điểm tết. Chẳng hạn, rau dền, mồng tơi, dưa leo, mướp ở mức 20.000-35.000 đồng/kg, tùy loại. Theo các tiểu thương, do hàng hóa về chợ đầu mối nhiều, dồi dào, các hệ thống phân phối sỉ, lẻ đều đã bán ổn định trở lại nên giá rau ăn lá, củ quả, thịt, cá đều quay về mức cũ. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền thông tin, các mặt hàng hải sản tươi sống tại chợ khá phong phú, bởi đây cũng là thời điểm các tàu ghe cập bờ, các địa phương đưa hàng hóa cung ứng cho TPHCM.

Hiện tại, sản lượng hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào, nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu sức mua nên giá cả nhiều mặt hàng thậm chí rẻ hơn thời điểm trước tết. Ví dụ, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op khuyến mãi nhiều nhóm hàng, gồm bánh kẹo, sữa, các chế phẩm từ sữa, rau củ quả, trái cây, đồ dùng, hóa phẩm, thời trang may mặc… Tương tự, hệ thống siêu thị MM Mega Market bán bắp cải tím, bí ngòi xanh chỉ khoảng 25.000 đồng/kg; thịt đùi heo loại 1 - VietGAP giảm còn 95.000 đồng/kg…

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết, tập đoàn đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp và chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa thiết yếu nên luôn giữ được giá cả ổn định, tạo điều kiện để người tiêu dùng mua sắm. Từ nay đến hết ngày 15-2, tại các siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc áp dụng chương trình khuyến mãi “Siêu giảm giá” (lên tới 49%) đối với các mặt hàng gồm thực phẩm tươi sống, chế biến; hóa mỹ phẩm; đồ gia dụng…

Đảm bảo chất lượng

Sở Công thương TPHCM thông tin, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết. Trong đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM cung ứng khoảng 25%-43% nhu cầu thị trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ truyền thống… chiếm 57%-75% nhu cầu thị trường. Giá cả hàng hóa được giữ ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Dù giá không tăng, Sở Công thương TPHCM vẫn phối hợp cùng các ban, ngành kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết giá công khai. Về phía Cục Quản lý thị trường TPHCM, đơn vị tăng cường ra quân giám sát giá cả thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng… Đại diện ban quản lý các chợ truyền thống (Bến Thành, Bình Tây…) khẳng định, phần lớn tiểu thương đều được tập huấn chặt chẽ về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết không kinh doanh hàng kém chất lượng, giả mạo; đồng thời niêm yết giá công khai các mặt hàng để người mua tiện theo dõi, tránh bị “nói thách”…

Ở thời điểm hiện tại, nhìn trên diện rộng, hầu hết các mặt hàng đã trở về mức giá ổn định như ngày bình thường trước Tết Nguyên đán. Theo như phân tích của Sở Công thương TPHCM cũng như các cơ quan chuyên ngành, doanh nghiệp, lý do chính là hàng hóa đã “phủ” đầy ắp các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ…

Tuy nhiên, có một số cơ sở kinh doanh, điểm bán nhỏ lẻ trên địa bàn quận 10, quận 3… vẫn còn tình trạng “neo giá” như thời điểm tết. Điển hình, ổ bánh mì trên đường Nguyễn Thượng Hiền (đoạn giao với Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) “nhảy giá” ở mức 40.000 đồng/ổ (tăng 5.000 đồng/ổ); hay tô bún bò tại một điểm bán trong chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10) trước đây có giá 30.000-35.000 đồng/tô, nay tăng lên 40.000-45.000 đồng/tô. Ngoài ra, các dịch vụ như cắt tóc, gội đầu… cũng tăng giá từ 5.000-15.000 đồng/người. Nguyên nhân tăng được chủ kinh doanh giải thích là bắt đầu từ tháng 7 này sẽ tăng lương cơ sở; bên cạnh đó, giá thuê nhân viên tăng, một số dịch vụ khác “ăn theo” tăng giá nên họ buộc phải tăng…

Mặc dù nhà nước đã làm rất tốt vai trò điều tiết, bình ổn thị trường trong suốt thời gian qua, nhưng tình trạng “đến hẹn lại tăng” ở một số mặt hàng, dịch vụ vẫn xảy ra. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng một khi đã tăng rất khó giảm giá trở lại. Chỉ cần mỗi thứ tăng một chút sẽ kéo theo nhiều mặt hàng nhấp nhỏm tăng. Do vậy, rất cần một “bàn tay” đủ mạnh để giám sát hoặc làm nhẹ bớt áp lực tăng giá đã và đang đè nặng cuộc sống của người dân.

Các tin khác