Với nguồn doanh thu chủ yếu đến từ khách du lịch, khách công sở, văn phòng... giờ đây do ảnh hưởng của dịch Covid 19, việc đi lại của các du khách bị hạn chế, người dân cũng "ngại" đi ăn hàng nên việc kinh doanh tại khu vực phố cổ lâm vào cảnh ảm đạm chưa từng thấy. Hàng loạt cửa hàng phải gỡ biển hiệu, chờ sang nhượng, hoặc trả mặt bằng.
Một chủ quán ăn trên phố Hàng Mành chia sẻ: “Trước kia quán có nhiều khách nước ngoài nhưng từ khi việc đi lại bị hạn chế, doanh thu của quán giảm trầm trọng”.
Nhiều quán trong tình trạng trông ngóng khách hàng. Có những quán nhân viên còn nhiều hơn cả khách. Vắng khách, doanh thu sụt giảm, nhiều hộ kinh doanh đứng trước bờ vực phá sản.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều hàng quán đã chuyển sang các hình thức kinh doanh khác nhau. Các quán quà vặt đã chuyển sang chủ yếu phục vụ bán mang đi. Quán bán bún, phở, bánh cuốn,… trên các con phố Đào Duy Từ, Hàng Buồm, Hàng Chiếu vốn là nơi tập trung đông đúc của dân văn phòng, nay cũng phục vụ bán online trên nhiều trang thương mại điện tử.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa biết bao giờ mới hết, nhiều người không muốn ăn ngoài hàng, tôi đã thêm hình thức bán mang đi và bán online vừa đảm bảo an toàn vừa tiết kiệm chi phí mặt bằng”, chủ quán chè nổi tiếng trên phố Bát Đàn cho hay.
Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, TP Hà Nội đã cho phép quán ăn trên địa bàn mở cửa đến 21h hàng ngày. Tuy nhiên, thói quen ăn uống ở nhà trong mùa dịch đã khiến nhiều người ngại hàng quán.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với số lượng F0 trong cộng đồng gia tăng, các chủ cửa hàng đều mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc, cuộc sống bình yên, kinh doanh thuận lợi.
“Tôi mong nhà nước sớm kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống bình yên trở lại để tôi tiếp tục kinh doanh buôn bán thuận lợi”, một người kinh doanh trên phố Đào Duy Từ chia sẻ.