Dữ liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến 14 giờ ngày 13-6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình chỉ còn cách mực nước chết 22,76m. Còn mực nước tại hồ thủy điện Sơn La đã vượt khỏi mực nước chết là 1,83m (cập nhật đến 16 giờ chiều 13-6) nhờ có lưu lượng nước về hồ tăng đáng kể (329 m3/giây).
Thủy điện Hòa Bình chiều 13-6 chỉ còn cách mực nước chết hơn 22m. Ảnh: ĐỨC DŨNG |
Mực nước tại hồ thủy điện Lai Châu đến chiều 13-6 cũng đã vượt mực nước chết tới 7,68m (số liệu ngày 12-6 là 6,9m) nhờ lượng nước về là 287 m3/giây. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, nhiều hồ thủy điện vẫn đang xấp xỉ mực nước chết hoặc cột nước thấp nên phải phát điện cầm chừng. Trong ngày 13-6, những hồ xấp xỉ mực nước chết gồm: Sơn La, Thác Bà, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ.
Mặc dù thiếu nước nhưng một số hồ như Bản Chát, Huội Quảng… vẫn phải nỗ lực phát điện để hỗ trợ các thủy điện khác đang phải tranh thủ đóng các tổ máy để tích nước.
Ngày 13-6, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, mặc dù mực nước hiện tại của hồ Hòa Bình cách mực nước chết trên 22m, nhưng lưu lượng nước như vậy là không đáng kể.
Điều hành và theo dõi nguồn nước, sản lượng điện tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình |
Do thủy điện Hòa Bình vừa làm nhiệm vụ phát điện vừa phải xả nước duy trì dòng chảy, đảm bảo nguồn nước tưới cho hạ du (đa mục tiêu) nên lưu lượng nước xả về hồ chỉ còn 457 m3/giây nhưng lượng xả để phát điện là 937 m3/giây (gần gấp đôi).
Thủy điện Hòa Bình có tổng công suất 1.920MW, bao gồm 8 tổ máy, trong điều kiện bình thường, phát đủ công suất, cho sản lượng điện khoảng 9,832 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến thời điểm này, tổng lượng điện phát lên lưới mới đạt khoảng 3,5 tỷ kWh, tương ứng đạt khoảng 36% kế hoạch năm 2023.