Nhiều vi phạm khi cổ phần hóa tại VNSTEEL

(ĐTTCO) - Kết luận thanh tra 1538/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ Công Thương có nhiều sai phạm, trong đó có Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).
Một trong những sai phạm của VNSTEEL là định giá CPH tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ (Trong ảnh: Bên trong nhà xưởng của Thép tấm lá Phú Mỹ).
Một trong những sai phạm của VNSTEEL là định giá CPH tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ (Trong ảnh: Bên trong nhà xưởng của Thép tấm lá Phú Mỹ).

Xác định chưa đúng giá trị phần vốn nhà nước

Theo kết luận thanh tra, trong thời kỳ thanh tra, Bộ Công Thương đã nỗ lực tổ chức triển khai và chỉ đạo các DN thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu được giao. Giai đoạn từ ngày 1-1-2011 đến 31-12-2017, Bộ Công Thương đã thực hiện CPH và chuyển đổi 13 DNNN thành CTCP, đạt 65% số DN phải CPH.

Về cơ bản, nhiệm vụ tái cơ cấu DN trọng tâm là CPH, thoái vốn DNNN giai giai đoạn 2011-2017 đã được Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) chú trọng thực hiện, cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thoái vốn hầu hết các khoản đầu tư ra ngoài ngành.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra nêu rõ việc rà soát, tái cơ cấu còn chưa kịp thời, thiếu toàn diện, chưa khắc phục được tình trạng một số TĐ kinh tế, TCT hoạt động kém hiệu quả; một số dự án đầu tư lớn lâm vào tình trạng trì trệ chậm tiến độ, khó khăn, thua lỗ. Cụ thể, theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao (tại Văn bản 2219/TT-ĐMDN ngày 1-12-2011 và Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012), Bộ Công Thương chưa thực hiện CPH 9 TCT, công ty theo đề án, gồm 2 công ty trực thuộc là TCT Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC; 7 công ty thuộc các TĐ, TCT.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận của TTCP cũng chỉ rõ một số vi phạm trong quá trình thực hiện CPH, thoái vốn tại TCT Thép Việt Nam (VNSTEEL). Cụ thể, việc xác định giá trị DN tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty Thép Miền Nam khi xác định giá trị DN CPH VNSTEEL được thực hiện bởi CTCP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).

Qua kiểm tra việc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị để xác định giá trị tài sản khi CPH VNSTEEL, VVFC xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ không đúng quy định, dẫn đến xác định giá trị tài sản không đúng, thiếu 344,7 tỷ đồng (tạm tính).

Theo đó, Ban chỉ đạo CPH trình, Bộ Công Thương phê duyệt giá trị DN VNSTEEL không đúng, dẫn đến xác định thiếu giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại VNSTEEL 344,7 tỷ đồng. Trong đó, 92 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam là 237,35 tỷ đồng và 35 máy móc thiết bị của Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ 107,33 tỷ đồng.

Kết luận chỉ rõ, trách nhiệm thuộc VVFC, Công ty Thép miền Nam, Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ; Tổng giám đốc, Kế toán trưởng VNSTEEL; Ban chỉ đạo CPH VNSTEEL và Bộ Công Thương.

Vốn nhà nước bị chiếm dụng

Cũng theo kết luận của TTCP, VNSTEEL lập báo cáo tài chính kỳ kế toán cuối cùng của DNNN từ ngày 1-1 đến ngày 30-9-2011 (đã được kiểm toán), phần thuyết minh tại báo cáo tài chính có nội dung “phải trả về CPH 583,91 tỷ đồng” (gồm cả giá trị vốn nhà nước tại CTCP Giao nhận kho vận Ngoại thương Việt Nam mà VNSTEEL được bàn giao quản lý trong năm 2010).

Nhưng đến tháng 4-2019, VNSTEEL mới nộp Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN số tiền hơn 111 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 năm (tính đến thời điểm thanh tra tháng 9-2018), VNSTEEL chưa hoàn thành việc quyết toán CPH, chưa thực hiện nộp tiền CPH vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.

Việc chậm quyết toán có nguyên nhân khách quan do quy định của Nhà nước về CPH thay đổi, dẫn đến phát sinh một số vướng mắc liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, các khoản phải nộp về CPH số tiền gần 584 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán thời điểm chính thức chuyển sang cổ phần vào ngày 30-9-2011) hầu như không liên quan đến vướng mắc đất đai hay sự thay đổi quy định về CPH.

Do vậy việc VNSTEEL chậm nộp tiền về CPH là sai quy định tại Khoản 3, Điều 21 Nghị định 59/2011/NĐ-CP, nguy cơ tiền phải nộp về CPH bị chiếm dụng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, việc phân phối kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của VNSTEEL giai đoạn từ 1-10-2011 đến 30-6-2018, tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 876 tỷ đồng, trong khi cổ đông nhà nước nắm 93,93% vốn điều lệ chưa được chia cổ tức, đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích Nhà nước.

Theo kết luận thanh tra VNSTEEL đã xác định giá trị DN tại các DN CPH không đúng, dẫn đến xác định thiếu giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại VNSTEEL 344,7 tỷ đồng; có dấu hiệu chiếm dụng trong thời gian dài số tiền gần 584 tỷ đồng phải nộp về CPH.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm và chỉ đạo, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến khuyết điểm vi phạm nói trên của VNSTEEL.

Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chịu trách nhiệm chỉ đạo, xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến khuyết điểm vi phạm được xác định tại kết luận thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp chấn chỉnh đối với các công ty tư vấn thực hiện xác định giá trị DN có khuyết điểm vi phạm.

Được biết, hiện nay Chính phủ vẫn đang tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Cụ thể, 4 dự án sản xuất phân bón: dự án Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc, dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai).

3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học: dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

2 dự án sản xuất thép: dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Dự án sản xuất xơ sợi polyester tại Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án sản xuất bột giấy tại Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Các tin khác