Nhiều vùng trồng được cấp mã số, vải thiều Bắc Giang thẳng tiến thị trường Mỹ

(ĐTTCO) - Hiện Bắc Giang đã có 17 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số, với diện tích 205ha và dự kiến xuất khẩu quả vải sang thị trường này khoảng 1.500 tấn.
Nhiều vùng trồng được cấp mã số, vải thiều Bắc Giang thẳng tiến thị trường Mỹ

Ngày 26-4, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, được mệnh danh là “thủ phủ” vải thiều lớn nhất cả nước, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt quan điểm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

"Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến sản lượng đạt hơn 180.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn, chính vụ 120.000 tấn. Vì vậy, từ bây giờ Bắc Giang đã, đang nỗ lực xúc tiến, tìm đường tiêu thụ cho loại cây trồng chủ lực của địa phương" ông Tấn thông tin.

Với thị trường Mỹ, Bắc Giang luôn xác định là thị trường tiềm năng. Hiện tỉnh đã có 17 mã số vùng trồng được Mỹ cấp mã số, với diện tích 205ha. Năm nay địa phương dự kiến xuất khẩu quả vải sang thị trường này khoảng 1.500 tấn.

Tuy nhiên, theo ông Tấn, bên cạnh thuận lợi thì cũng còn những khó khăn khi xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh vào thị trường Mỹ. Đó là chi phí vận chuyển còn cao, chi phí công nghệ bảo quản... dẫn tới giá thành quả vải khá cao, vì thế khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường sở tại.

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề vận chuyển, đại diện doanh nghiệp từ các điểm đầu cầu, cũng như chuyên gia cho hay, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để có chính sách hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Mỹ. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về giá cước. Về công nghệ, cần lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ.

Để có thể đi sâu hơn vào thị trường Mỹ, Bắc Giang cũng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) quan tâm và có định hướng giúp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh ở thị trường này.

Các tin khác