Năm nay, Việt Nam chọn gạo ST25 được công nhận là loại ngon nhất thế giới 2019 đi thi World's Best Rice tại Mỹ. Trong cuộc thi này, gạo dự thi của Thái Lan đạt giải nhất, gạo ST25 của Việt Nam đạt giải Nhì, giải Ba thuộc về gạo của Campuchia. Với kết quả này, gạo ST25 của Việt Nam giảm hạng so với kết quả cuộc thi năm ngoái tại Philippines cũng do The Rice Trader tổ chức. Có rất nhiều ý kiến trái chiều đặt ra và nêu rõ quan điểm: Việc Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đưa ST25 đi thi là một chiến lược sai lầm trong xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam.
Thông tin gạo ST25 được sản xuất từ giống lúa ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm cộng sự là tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng và Th.S Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, lai tạo giành giải nhì tại cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2020 tổ chức tại Mỹ đã gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng như doanh nghiệp ngành gạo nêu rõ quan điểm và ví von rằng vì sao Việt Nam lại mang “Hoa hậu” đi dự thi để nhận nhận lấy kết quả giảm hạng còn là “Á hậu”.
PGS-TS Dương Văn Chín nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, hiện nay là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời- đơn vị từng đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức cho rằng: "Quan điểm cá nhân tôi là hoàn toàn không đồng ý với cách làm của The Rice Trader. Tức là anh đã đạt giải rồi thì thôi, lùi lại để giữ danh hiệu đó. Bây giờ năm nào The Rice Trader cũng tổ chức, mà trước giờ đã 3 hay 4 lần gạo thơm Hom Mali của Thái Lan đạt giải nhất, rồi gạo Phka Romdoul của Campuchia cũng hai ba lần đạt giải nhất. Năm nay thì gạo Campuchia xuống hạng 3. Nhưng làm như vậy để làm gì?".
GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nêu rõ, đáng nhẽ không nên đưa gạo ST25 đi thì vì cuộc thi trước đó đã đạt giải nhất, không ai mang “Hoa hậu” đi thi lại nếu thi thì cần chọn giống khác có chất lượng ngon, thơm và ngang với gạo ST25. Đây là một quyết định chưa phù hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
"Gạo ST25 mình đã được "Hoa hậu" thì thi lại làm gì, giờ kết quả như vậy thành ra thất bại. Đây là quyết định không phù hợp của Bộ Nông nghiệp" - GS Võ Tòng Xuân cho biết.
PGS-TS Dương Văn Chín phân tích thêm, phân khúc gạo thơm trắng của Việt Nam chưa bằng Thái Lan, Ấn Độ và điều này được thể hiện khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan được bán trên 1.000 USD/tấn và gạo Basmati của Ấn Độ có giá đến 1.400 USD/tấn, trong khi Việt Nam không có giống nào bán được với giá cao như thế. Chính vì thế, Việt Nam nên tận dụng danh hiệu gạo ngon nhất thế giới để phát triển, bán với giá 1.000 USD/tấn thì mới ý nghĩa và mang lại giá trị cao cho hạt gạo.
"Quan điểm của tôi là đạt giải nhất rồi thì lo giữ thương hiệu rồi phát triển, nhân giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng, vùng nguyên liệu... để gạo thật chất lượng. Tập trung tính trồng ở vùng đất nào cho phù hợp, nơi nào đất không lẫn lúa của giống khác. Ví dụ giống lúa này phù hợp vùng đất mặn, lúa tôm kết hợp thì tập trung làm hàng trăm ngàn ha vùng lúa tôm đi để ít nhất có nửa triệu tấn gạo ST25. Làm thương hiệu, ai mua dưới 1.000 USD thì không bán… Như vậy mới xây dựng thương hiệu gạo thơm trắng của Việt Nam. Hiện nay mình chưa có phân khúc này" - PGS-TS Dương Văn Chín bày tỏ.
Gạo ST25 với lợi thế chất lượng cao, thơm ngon nhưng canh tác ngắn ngày từng được mong đợi sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường gạo cao cấp tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, nói như cách ví von của GS Võ Tòng Xuân, mang “Hoa hậu” đi dự thi để nhận nhận lấy kết quả giảm hạng đau đớn, rõ ràng đây là một bài học đắt giá.