Một năm qua, thế giới được chứng kiến nỗ lực “ôm” vàng “điên cuồng” của các ngân hàng Trung ương và cả người dân trước những biến cố của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, biến động lên xuống thất thường của quý IV cho thấy, không phải lúc nào vàng cũng là kênh đầu tư an toàn.
“Gom” nhiều nhất có thể
Những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế như cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu hay bê bối trần nợ của Mỹ tạo cho giới đầu tư một cảm giác hết sức bất an. Không còn cách nào khác, họ lao vào mua vàng để tìm được bến đỗ an toàn cho đồng vốn của mình, theo đó, tạo nên một xu hướng nổi bật của vàng trong năm 2011 là “ôm nhiều nhất có thể”.
Tích cực nhất trong xu thế này phải nói đến là các ngân hàng Trung ương. Đây là lực lượng đã thay đổi từ vị thế người bán ròng trong suốt những năm 90 và 2000 sang những người mua ròng vào năm 2011. Các ngân hàng như Thái Lan, Nga, Bolivia, Trung Quốc và Hàn Quốc đều công bố những đợt mua vào kỷ lục.
Làn sóng này diễn ra mạnh nhất vào thời điểm quý III vừa qua. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng Trung ương đã mua vào 148,4 tấn vàng trong quý này, lớn nhất kể từ năm 1971. Đây cũng là mức mua ròng mạnh nhất kể từ năm 2002, thời điểm hãng tư vấn vàng GFMS có trụ sở ở London, Anh, bắt đầu công bố các số liệu về thị trường vàng dựa trên các báo cáo của WGC.
Hội đồng Vàng Thế giới cũng đưa ra dự báo, lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua trong cả năm 2011 có thể lên đến 450 tấn, mức cao nhất kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ cách đây 40 năm. Trong khi đó, con số này năm ngoái chỉ là 142 tấn.
Chuyên gia Artigas tại Hoa Kỳ nhận định, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong tương lai gần. “Chúng tôi tin rằng, việc các ngân hàng Trung ương mua ròng vàng là kết quả của sự dịch chuyển về cơ cấu trong quản lý tài sản dự trữ của họ”, ông Artigas cho hay.
Hối hả gom vàng không kém các ngân hàng Trung ương là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt tại châu Á. Theo hãng tin CNBC, giới đầu tư của châu lục này liên tục gom mua vàng, bất chấp giá vàng đã tăng gấp gần ba lần trong 5 năm trở lại đây và biến động mạnh trong mấy tháng qua.
Theo ông Shrikant Baht, Giám đốc mảng quản lý tài sản thuộc ngân hàng Citibank ở Singapore, giới đầu tư châu Á có khuynh hướng tự nhiên nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư. Giữ vàng vật chất đã là một truyền thống của người châu Á. Tuy nhiên, hiện nay, giới đầu tư châu Á đang tìm đến nhiều hơn với cổ phiếu vàng của các quỹ tín thác (ETF) như quỹ SPDR Gold Trust là một ví dụ.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc công quản lý tài sản tư nhân của ngân hàng UBS cho rằng, những cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cao thường tìm đến vàng ở những thời điểm bất ổn kinh tế, khi mà họ không hài lòng với mức lợi suất mà các loại trái phiếu mang lại.
Trồi sụt thất thường
Tuy nhiên, không phải lúc nào vàng cũng “lên đỉnh” như mong đợi của các nhà đầu tư đang ôm giữ vàng.
Ngày 3-1-2011, vàng bắt đầu ngày giao dịch đầu tiên trong năm với mức đóng cửa 1.415 USD/ounce. Giá kim loại quý bắt đầu leo thang vào tháng 3 và tháng 4 lên mức 1.434 và 1.466 USD/ounce khi xảy ra biến cố chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi.
Sau đó, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất lên 1,25%, tạo điều kiện cho EUR tăng so với USD, quý kim tiếp tục bứt phá vượt mức 1.500USD/ounce lên cận vùng 1.600USD/ounce.
Sau một thời gian đi ngang và điều chỉnh giảm nhẹ, thị trường vàng đón nhận một luồng sinh khí mới đầy mạnh mẽ khi Hoa Kỳ trở thành tâm điểm của bất ổn tài chính thế giới do bê bối nâng trần nợ công.
Cả thế giới lao vào mua vàng khi S&P hạ bậc tín nhiệm trả nợ của Hoa Kỳ làm mất chất lượng AAA đã đạt được rất lâu. Làn sóng mua vàng gia tăng đẩy giá vàng tăng mạnh trong thời gian rất ngắn, hướng về ngưỡng 1.900 USD một ounce.
Thêm vào đó, vào thời điểm tháng 9, nỗi sợ hãi từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bao trùm thế giới khiến giá vàng liên tiếp lập những kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử kim loại quý.
Ở khắp nơi, những phiên giao dịch của vàng là đề tài thường trực và giành được nhiều sự dõi theo nhất khi được nhìn nhận là bến đỗ an toàn cho các dòng vốn trước triển vọng mong manh của nền kinh tế. Đã có những nhận định về đỉnh cao 2.000 USD/ounce hoặc hơn thế nữa trong ngắn hạn khi giá vàng có lúc phá ngưỡng 1.923,7 USD/ounce vào ngày 6/9. Và tính đến thời điểm tháng 9 này, giá kim loại quý này đã tăng tới gần 40%.
Những tưởng thời kỳ hoàng kim của vàng đã đến, song đến thời điểm cuối tháng 9, hiện thực hóa đã trở thành một yếu tố xác định lại xu hướng của vàng.
Những quan ngại về nguy cơ bong bóng vàng có vẻ đã thức tỉnh các nhà đầu tư khỏi cơn say. Cho dù cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ ở châu Âu vẫn là tâm điểm của những nỗ lực giải cứu từ các lãnh đạo châu lục và thế giới nhưng giá vàng đã dần thoái lui với những chuỗi giao dịch khá phẳng lặng vài tháng trở lại đây.
Nhu cầu trú ẩn an toàn trở nên rất mờ nhạt khi trong thời gian qua vàng luôn biến động cùng chiều với các tài sản rủi ro. Eugen Weinberg, chuyên gia phân tích của Commerzbank nhận xét: “Nhà đầu tư đang phải xem xét lại quan điểm của mình rằng, vàng như là tài sản an toàn và đó là một trong những lý do khiến diễn biến giá vàng không mấy sáng sủa”.
Thêm vào đó, không phá vỡ được quy luật khối lượng giao dịch thường thấp về cuối năm cũng như nhu cầu về một bản quyết toán tài chính sạch sẽ của nhiều tổ chức và công ty khi năm cũ sắp khép lại là một nguyên nhân khiến vàng rớt giá với tốc độ nhanh và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2011 của mình với mức giá 1.606 USD/ounce.
Như vậy, kể từ khi lập đỉnh trên 1.920 USD/ounce hồi đầu tháng 9, giá vàng quay đầu trượt dốc và để mất hơn 300 USD/ounce, tức 16%. Những biến động không theo một xu hướng rõ ràng này có thể sẽ là một bài học quý giá cho giới đầu tư vàng trong năm sau.