![Nhìn lại Tết Ất Tỵ 2025](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2025_02_08/dad2-9353-5410.jpg.webp)
Tết chỉ diễn ra trong khoảng chừng 10 ngày (trước, trong và sau Tết), nhưng nó là bức tranh phản ánh cao độ đời sống và trạng thái xã hội về giao thông, dòng chảy hàng hóa, cũng như thái độ người dân vào thời điểm đó.
Chính vì thế không chỉ lãnh đạo Trung ương, bộ ngành mà các tỉnh thành, các tập đoàn kinh tế, các công ty và những người sản xuất, buôn bán nhỏ cũng cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm để các Tết sau tươi vui hơn.
Sức mua yếu
Một nhận định chung được thống nhất là sức mua của người dân năm nay so với mọi năm (trừ dịch) quá yếu. Những ngày cận Tết, tôi đã đi quan sát và mua sắm 4 siêu thị ở Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp và TP Thủ Đức, đều thấy một hình ảnh chung là ít người mua sắm.
Các siêu thị không nhập những loại hàng hóa, thực phẩm đắt tiền mà chủ yếu là bình dân, giá không cao hơn so với ngày thường, nhưng người mua ít mà dạo chơi thì nhiều. Ở một siêu thị, người dân chen nhau mua hàng, nhân viên siêu thị mỏi tay cân, đóng gói, ngó vào mới biết đó là món da heo chiên giòn trộn muối ớt.
Không khá hơn các trung tâm thương mại, chợ truyền thống còn thảm hơn, không còn cảnh nhộn nhịp kẻ bán người mua nữa. Sở Công Thương TPHCM cho biết, năm nay nguồn vốn doanh nghiệp dành chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ 2025 khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ đồng cho lương thực, thực phẩm. Năm nay các siêu thị chắc doanh thu thấp, hàng hóa còn dư nhiều.
Năm nay thất thu đậm nhất là các chợ hoa Tết. Những loại mai, đào có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng người chơi đã đặt mua trước đó tại vườn, còn hoa bán ngoài vỉa hè, công viên như cúc, mào gà đều có giá bình dân. Trước Tết một tuần, một cặp cúc có giá 200.000 đồng, cận Tết còn 100.000-120.000 đồng, chiều 29 còn 50.000-60.000 đồng/cặp nhưng vẫn không bán được.
Anh Thời, người miền Tây chở lên chợ hoa Phạm Văn Đồng 200 cây mai, nhưng cuối cùng chỉ bán được 70 cây, tặng cho chùa dăm cây, còn lại phải mang về vườn nhà. Tiền thu được không đủ chi phí cho thuê xe, bốc vác, thuê bãi, nhân công… Hỏi là anh không dự tính trước hay sao.
Anh Thời nói: “Có chứ, tui tôi ở miền tây theo dõi sát sao tình hình kinh tế trên tivi, báo chí mới ra hàng như vậy. Này nhé năm nay GDP tăng hơn 7%, là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). TPHCM năm nay thu ngân sách vượt 12% so với năm trước, doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động cao hơn năm ngoái, vậy là mặt bằng kinh tế nhích lên, điều đó đồng nghĩa với khả năng chi tiêu Tết cao hơn. Nghĩ như thế tui xuất hàng ra bán với số lượng lớn, giá cả phải bằng và cao hơn, nhưng ai dè thực tế lại không như thế”.
Thực ra ngay cả ở ĐBSCL, nơi đóng góp nhiều nhất cho bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 62 tỷ USD, mà sức mua cũng rất yếu. Các chợ hoa Tết ở Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, đều trong tình trạng ế ẩm như ở TPHCM.
Không một ly bia, một hớp rượu
Một điều ấn tượng nhất là năm nay từ mỗi gia đình đến các nhà hàng, quán xá hầu như không có chuyện bia bọt rượu chè. Thường gần Tết các nhà hàng rất nhộn nhịp, nơi diễn ra các cuộc gặp mặt tất niên của các cơ quan, đoàn thể, hội nhóm. Như mọi năm, nhiều nhà hàng không đặt trước là không có chỗ, nhưng năm nay hầu hết các nhà hàng, quán xá đều vắng hoe, không còn cảnh hoan hỉ zô zô nữa.
Tụ tập gặp nhau mà chỉ uống trà, nước suối quả thật không hấp dẫn, còn sản phẩm mới “bia mà không phải bia” chỉ là nước gas có mùi bia, còn gọi là bia giả không được bà con chào đón, cho nên có tổ chức, có mời cũng không mấy ai hào hứng.
Thế mới biết, Nghị định 100 và 168 có sức mạnh ghê gớm. Mọi năm mọi người đi biếu quà Tết bao giờ cũng có chai rượu trong bộ ba bánh - trà - rượu, sang thì Chivas, Henessy, vừa vừa thì chai vang Bordeaux của Pháp, Volka Nga, thấp hơn chút là sản phẩm địa phương như Bầu đá, Làng Vân… Nhưng năm nay thì tịnh không.
Năm nay có hiện tượng rất mới là mọi người gặp nhau chúc Tết lấy ly trà nóng thay rượu. Không biết rồi có thành truyền thống cụng ly trà chào năm mới không. Từ năm nay trở đi, các công ty bia rượu chắc khó khăn hơn, còn các đại lý bia rượu phải tính chuyển đổi mặt hàng kinh doanh.
Đáng mừng là năm nay TNGT giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số tử vong và số bị thương. Theo báo cáo từ Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 258 vụ, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương.
Pháo hoa rền trời
Đó là một cái tít trên báo Tuổi trẻ số tân niên, chính xác là “pháo hoa rền trời từ thành thị đến nông thôn”. Giao thừa năm nay toàn dân chứng kiến một màn pháo hoa và pháo nổ lớn nhất, hoành tráng nhất từ khi cấm pháo năm 1994 đến nay. Dọc sông Sài Gòn, nào là pháo hoa soi sáng cả dòng sông.
Năm nay Nhà máy Z121 Bộ Quốc phòng sản xuất 6 triệu sản phẩm các loại pháo hoa, được cho là nhiều nhất từ trước tới nay, nhưng 6 triệu bánh vẫn không bõ bèn gì với màn đại pháo hoa giao thừa năm nay, khắp các tỉnh thành từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến vùng núi cao rầm trời pháo hoa tầm thấp, tầm cao và cả pháo nổ. Điều đó cho thấy lượng pháo nhập lậu và cả tự chế rất lớn.
Năm tới, có lẽ tính đến việc cho mở lại các làng pháo truyền thống như Bình Đà, Nam Ô được tái sinh, nhưng chỉ được sản xuất pháo hoa theo đơn đặt hàng của Nhà nước, nếu không pháo Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường và số người chết, thương tật sẽ tăng lên do mày mò tự chế.
Tết Ất Tỵ đã qua đi, những bài học về tích trữ hàng hóa, tổ chức chợ hoa quy mô lớn, rộng khắp cũng như nhu cầu về pháo cần được tính cho sát với xu hướng Tết công nghiệp đang hình thành rõ nét ở TPHCM, và người dân thay đổi quan niệm về Tết.
Sự biến động khó lường của kinh tế thế giới, của biến đổi khí hậu bất thường, của những quyết định chính trị bất ngờ như kiểu của Tổng thống Donald Trump, khiến cho người dân nhận thấy cần tiết kiệm hơn, chi tiêu có kế hoạch hơn để phòng ngừa những rủi ro bất ngờ ập đến. Hình như cả thế giới như thế chứ không chỉ người Việt.