Nhìn trụ đoán thị trường

BID (BIDV), BVH (Bảo Việt), GAS (PVGas), MSN (Masan), VIC (Vincom) và VNM (Vinamilk) đang là những CP có ảnh hưởng nhất đến sự biến động của VN Index và được gọi là các “trụ”. Nhìn vào việc tăng/giảm của các trụ cũng có thể đánh giá phần nào xu hướng của thị trường.

BID (BIDV), BVH (Bảo Việt), GAS (PVGas), MSN (Masan), VIC (Vincom) và VNM (Vinamilk) đang là những CP có ảnh hưởng nhất đến sự biến động của VN Index và được gọi là các “trụ”. Nhìn vào việc tăng/giảm của các trụ cũng có thể đánh giá phần nào xu hướng của thị trường.

Giữ, đẩy và xả

Trong điều kiện bình thường, mỗi trụ sẽ có một vai trò riêng bao gồm giữ, đẩy và xả. Trụ giữ sẽ biến động giá ổn định, trụ đẩy tăng giá tác động tích cực đến thị trường, còn trụ xả giảm giá khiến các chỉ số mất điểm. Khi thị trường hưng phấn, các trụ đẩy có thể xuất hiện nhiều hơn, ngược lại như khoảng chục phiên vừa qua, số lượng trụ xả có vẻ áp đảo.

Tính từ mốc 610 điểm VNIndex đã tiến sát vào ngày 24-3 cho đến mốc 580 điểm những ngày qua, chỉ số này đã mất 30 điểm, tương ứng với 5%. BVH là trụ giảm mạnh nhất với tỷ lệ khoảng 9%, từ 4.8 xuống còn 4.3 nên trong giai đoạn này có thể xem BVH giống như trụ xả của thị trường. Phiên 1-4, VN Index giảm khá mạnh khi mất gần 8 điểm thì BVH cũng là trụ giảm mạnh nhất khi từ 4.5 giảm về 4.3.

VIC và MSN cũng điều chỉnh giảm nhưng tỷ lệ chỉ tương đương với thị trường chung. BID, VNM và GAS chỉ giảm nhẹ nên có vai trò giúp thị trường không điều chỉnh giảm quá sâu. Và trong khoảng 10 ngày qua, số phiên điều chỉnh chiếm đa số nên cũng không có trụ đẩy nào ấn tượng.

Đặt trong bối cảnh TTCK vận hành bình thường, không có một thông tin nào quá xấu xuất hiện, diễn biến của các trụ trong thời gian sắp tới sẽ ra sao? Tác động thế nào đến VN Index? Về mặt thị giá, một số trụ đã tiến sát các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Mức giá 7.1-7.2 của VIC sát với mức giá 7.0 hồi đầu năm 2014. VNM sau khi tăng lên 15.0 hồi đầu tháng 3 cũng đã giảm về 14.0 và đây là mức giá CP này đã đi ngang trong thời gian dài trước đó.

Vùng giá 1.65 (tức 16.500 đồng/CP) là ngưỡng kháng cự mạnh nhất của BID kể từ khi lên sàn. Đối với GAS, CP này đã tăng đến 30% từ 6.5 hồi đầu năm nay đến đỉnh 8.5 và hiện đang quanh quẩn ngưỡng 8.2-8.3. Điều đáng nói là vùng giá trên 8.0 của GAS cũng đã được tích lũy trong khoảng 2 tháng qua cộng với biến động khá hẹp của CP này dẫn đến khả năng GAS khó có thể rớt xuống vùng 8.0.

Như vậy, sự tập trung có thể dồn về cho BVH và MSN. Hồi tháng 1, BVH đã có một đợt tăng từ 3.8 lên 4.8, tỷ lệ tương đương 26%, sau đó lại đi ngang và đến đầu tháng 3 tiếp tục tăng từ 4.6 lên 5.1. Nếu như các trụ khác tăng khá chắc chắn thì BVH lại tăng theo kiểu “thần tốc” và thường rất khó nắm bắt đâu là sóng tăng, thậm chí giảm của CP này.

Một điểm đáng chú ý khác là nếu như cách thức đặt lệnh bên dư mua, dư bán của các trụ khác thường khá chặt, số lượng lệnh từ chục ngàn, đến trăm ngàn CP thì dư mua dư bán của BVH lại khá lỏng, chỉ tính tầm vài ngàn. Điều này khiến các giao dịch của BVH thực hiện nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng khó đoán định hơn và muốn chắc ăn tốt nhất cứ chờ đến… kết thúc phiên.

Đối với MSN, nếu so với mức giá đáy cách đây 3 tháng là 8.0, mức giá trên 9.0 vẫn còn khá cao, như vậy nếu khi thị trường không thuận lợi, áp lực bảo toàn lợi nhuận có thể khiến các NĐT bán ra. Trong khi đó, trừ những ai mua vào MSN với mục tiêu dài hạn, còn lại nếu đầu tư ngắn hạn MSN tại vùng giá trên 10.0 áp lực cắt lỗ không phải là không có. Trong phiên 2-4, tất cả 4 trụ đều có giá vàng (tức giá tham chiếu, không tăng không giảm) duy nhất có MSN giảm 2.000 đồng/CP xuống 93.000 đồng/CP.

Chờ thông tin từ các trụ

Mới đây, BVH đã công bố ông Dương Đức Chuyển sẽ thay ông Trần Trọng Phúc đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc. Có thể một phần nào đó, sự thay đổi khá bất ngờ này đã tác động đến giá của BVH. Bởi lẽ, ông Phúc mới chỉ ngồi ghế Tổng giám đốc BVH được 1 năm. Như vậy, nếu trong thời gian sắp tới, BVH có những động thái tích cực hơn nữa trong việc công bố thông tin bao gồm BCTC quý I-2014, thông tin tại ĐHCĐ và các báo cáo khác, khả năng giá CP này sẽ sớm ổn định trở lại. 

Đối với MSN, vùng giá 9.0 có thể trở thành ngưỡng hỗ trợ mạnh của CP này và dấu hiệu có thể nhận biết thông qua sự gia tăng về thanh khoản. Và sự tích cực sẽ quay trở lại nếu KQKD của MSN công bố có nhiều nét tích cực.

Dựa vào những gì diễn ra các năm trước, 4 “trụ” gồm BID, GAS, VIC và VNM có thể đem lại những nét tích cực cho thị trường. BID sẽ có ĐHCĐ đầu tiên sau khi niêm yết, cho đến thời điểm này BID là CP có rất nhiều “dư địa” để công bố những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, cho đến việc tìm kiếm các đối tác để phát hành CP.

Chưa kể, nhóm CP ngân hàng bấy lâu nay lặng sóng trên thị trường nên mức định giá cũng sẽ hấp dẫn hơn và dòng tiền sau khi xoay vòng ở nhiều nhóm CP cũng sẽ trở về với CP vua. BID còn có lợi thế là CP mới và gần như chưa tăng giá nhiều tại vùng 16.5.

Nếu GAS vẫn duy trì được KQKD tích cực như mọi khi, sau ít ngày nữa, tại ĐHCĐ hoặc khi công bố BCTC quý I-2014, có thể GAS sẽ lại có một đợt tăng giá. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra với VNM khi tại ĐHCĐ của công ty này luôn công bố những mức chi trả cổ tức hấp dẫn và định thời gian cụ thể. Còn với VIC, hoạt động kinh doanh đa dạng từ bất động sản, bán lẻ, thương mại điện tử cũng có thể tạo ra nhiều thông tin, góc nhìn tích cực đến CP này.

Ảnh: LONG THANH

Ảnh: LONG THANH

Từ nay cho đến ngày ĐHCĐ, nhìn chung các trụ có thể đón nhận các thông tin tích cực, tác động đến diễn biến giá CP và qua đó tác động đến diễn biến của VN Index. Có thể xuất hiện một trụ xả, nhưng nhìn chung các trụ giữ và đẩy cũng sẽ nhiều hơn, cá biệt trong từng phiên sẽ có một số trụ tăng mạnh do được hưởng những thông tin tốt.

Các tin khác