Càng gần dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ phục vụ mục đích mừng tuổi và đi chùa của người dân lại tăng đột biến. Nắm bắt được điều này, một số trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đã hoạt động khá sôi động. Tuy nhiên, với những giao dịch dễ dàng qua mạng, việc đổi tiền lẻ hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sôi động ‘chợ’ đổi tiền trên mạng
Dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục "siết" việc đổi tiền mới, song các giao dịch đổi tiền mới trên mạng và cạnh các cổng chùa vẫn rất sôi động vào những ngày cuối năm.
Dù là khách gửi tiết kiệm cả năm ở ngân hàng, nhưng khi ngỏ ý đổi ít tiền mới để lì xì, chị Lan Anh (Quận Hà Đông-Hà Nội) được nhân viên ngân hàng thông báo không có tiền mới và cho biết chi nhánh chỉ có một số ít tiền đã ‘lướt’ tương đương tiền mới in, chưa bẩn chưa nhàu nhưng số xêri không liên tục. Tiếp tục tìm đến một số chi nhánh khác, chị Lan Anh nhận được câu trả lời là tiền chưa về hoặc số lượng tiền mới rất ít nên không đủ cho mọi khách hàng.
Trong khi các ngân hàng đều trả lời không có tiền mới nhưng trên mạng lại có nhiều người rao đổi tiền lẻ đủ mọi mệnh giá với cam kết là tiền mới, xêri liên tục.
Chỉ cần lên Google, gõ từ khóa “đổi tiền Tết online” hoặc “đổi tiền online,” người tìm kiếm sẽ nhận được hàng trăm kết quả trang web nhận đổi tiền, kèm điện thoại và địa chỉ giao dịch. Thậm chí, hiện đang có khá nhiều nhóm kín, có nhóm còn lên tới 13.000 thành viên trên mạng nhằm tránh bị cơ quan chức năng xử phạt.
Theo quảng cáo của các trang mạng này, tất cả các mệnh giá trên là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri, chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Thậm chí họ sẽ cử người mang đến tận nơi, phục vụ tận tình; có dịch vụ giao tiền tận nhà cho các khách hàng ở xa với hình thức thanh toán chuyển khoản.
Theo đó, tiền mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng, khách đổi phải trả phí từ 13%-15%; phí đổi tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6%-8%; với 50.000 đồng, 100.000 đồng, phí mất là 3%-5%. Khách muốn mức phí rẻ hơn có thể đổi “tiền lướt” với độ mới đạt 80%-90%, mức phí chỉ từ 2%-3%.
Ngoài chợ online thì xung quanh các chùa như chùa Hà, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ… hoạt động đổi tiền mệnh giá nhỏ tuy có kín đáo nhưng vẫn diễn ra với mức phí cao hơn đổi online.
Chủ một điểm bán sớ, sách tử vi tại vỉa hè phố Quán Sứ cho biết: “Muốn đổi tiền lẻ mới mệnh giá nhỏ 1.000-2.000 đồng, chị phải trả phí 30%, tức là nhận 1 cọc 1.000 đồng tiền mới tương đương 100.000 đồng, khách chỉ được nhận 70.000 đồng; đổi tiền mới mệnh giá 5.000 đồng, mất phí 20%. Với mệnh giá cao hơn như 50.000 đồng, hiện không có tiền mới hoàn toàn nên nếu muốn đổi 5 triệu đồng thì khách phải chịu phí 150.000 đồng. Cá biệt, mệnh giá 500 đồng hiện đang “cháy hàng” và mức phí cũng lên tới 100%.”
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới VND thì tờ tiền 2 USD cũng được được niêm yết với nhiều mức giá khác nhau. Với series đẹp, giá bán tờ 2 USD có thể lên tới 800.000 đồng/USD. Tuy nhiên, chủ cửa hàng trên phố Hà Trung cho biết mấy năm trở lại đây nhu cầu đổi tiền đô cũng không như trước, đa số mọi người vẫn có nhu cầu tiền VND nhiều hơn.
Cảnh giác với tiền giả
Một khách hàng tại quận Hai Bà Trưng cho biết do đầu năm mới bà hay đi lễ nên cần nhiều tiền mệnh giá nhỏ, vì vậy dù biết phí cao nhưng bà vẫn phải ra đổi trực tiếp.
“Tôi cứ phải cầm tiền tươi thóc thật mới an tâm, chứ đứa cháu nó cũng bảo để đổi ở trên mạng phí thấp nhưng tôi không yên tâm vì sợ tiền giả hoặc thiếu, trường hợp này không phải là không có,” vị khách hàng trên tâm sự.
Đúng là như vậy, trên chợ mạng, trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội, một số người bức xúc tố cáo chiêu trò đổi tiền bịp bợm như yêu cầu đặt cọc rồi biến mất. Trường hợp khác, người bán phá luật, rút lõi tiền giao khách... dẫn đến số tiền người mua nhận về không còn nguyên vẹn, thiếu tờ seri đẹp dù cam kết nguyên thếp.
Về phía cơ quan quản lý, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp gồm tờ tiền các mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng vào dịp Tết. Thay vào đó, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước tết Nguyên đán.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết văn bản về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định sẽ phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy cũng đưa ra nhiều cảnh báo về tiền giả, lừa đảo... mà người dân có thể gặp khi đổi tiền trên mạng. Theo đó, đổi tiền online hay trực tiếp sẽ gặp nhiều rủi ro như bị đổi thiếu tiền; tiền bất hợp pháp, tiền giả do không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Khi bị nhận tiền giả, người đổi còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có.
Do vậy, bà Thủy khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền online, tránh tình trạng ‘tiền mất tật mang’.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quy định bằng văn bản quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống không được đổi tiền mới in (cả dịp tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân (kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước). Bên cạnh đó, có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.
Tuy nhiên, việc kinh doanh siêu lợi nhuận này vẫn đang diễn ra công khai đã cho thấy cần đến biện pháp cứng rắn hơn của các ngành, các cấp liên quan chứ không thể chỉ đơn giản coi đó là việc ‘đổi tiền chẵn, lấy tiền lẻ’.