Theo Napas, tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch đã giảm xuống còn 6,5% vào cuối năm 2022, thấp hơn một nửa so với năm 2021. Các ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo giao dịch cuối năm thông suốt, tránh tắc nghẽn.
Ghi nhận tại một điểm giao dịch ATM khá vắng vẻ, dù đã sát Tết. Từ 10-15 phút mới có 1 người vào rút tiền. Nhiều người cho biết đã chuyển sang thanh toán chuyển khoản, chỉ rút ra 1 lượng nhỏ tiền mặt chi tiêu.
"Hôm nay là ngày cuối cùng một số cửa hàng mở cửa, nên tôi muốn rút tiền để mua thực phẩm dùng trong thời gian nghỉ lễ. Tuy nhiên, tôi đã rất bất ngờ khi đi rút tiền mà không phải xếp hàng, thường các năm trước tôi phải xếp hàng rất lâu", chị Naruko - Quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết.
Có lượng ATM lớn nhất hệ thống với hơn 3000 điểm giao dịch, Ngân hàng Agribank cho biết đã tăng cường tần suất tiếp quỹ. Đồng thời, đầu tư nhiều máy ATM đa chức năng, có thể rút hoặc nhận tiền để tạo thuận lợi cho người dân, và giảm tải cho giao dịch tại quầy.
"Bình thường có khi 2-3 ngày mới tiếp quỹ một lần nhưng tại cao điểm thời gian tiếp quỹ rút ngắn lại, hệ thống giám sát biết lượng tiền thấp ở ATM, có máy được tiếp 3-4 lần trong ngày", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank thông tin.
Tại quầy giao dịch, các ngân hàng cũng chuẩn bị nhiều phương án cho tình huống cao điểm. Để phục vụ nhu cầu người dân, thay vì chỉ mở cửa tới 28 Tết, một số ngân hàng đã kéo dài tới 30 Tết.
"Cận tết lượng giao dịch đến tăng 2 -3 lần để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngân hàng mở cửa giao dịch đến chiều 30 Tết đảm bảo số lượng người trực tại quầy tối thiểu là 50%", ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam PVcomBank cho biết.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho biết bố trí kỹ thuật túc trực 24/7 để xử lý các sự cố phát sinh. Đồng thời, tăng cường hạ tầng công nghệ để đảm bảo các giao dịch trực tuyến thông suốt, tránh tắc nghẽn trong những ngày Tết.