Sông Đà dậy sóng
Tiền thân của SDA - Trung tâm Hợp tác lao động nước ngoài Sông Đà, được thành lập năm 1997, với chức năng chính thực hiện hoạt động xuất khẩu lao động. Năm 2003, SDA được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà.
Nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lao động hàng đầu Việt Nam, SDA còn đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Simco Sông Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội). SDA hiện nằm trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu lao động với thị trường truyền thống là Đông Bắc Á và Trung Đông. Năm 2018, SDA đưa được 1.449 lao động đi làm việc nước ngoài với doanh thu đạt 36,46 tỷ đồng.
Sau khi cổ phần hóa thành công, SDA gửi hồ sơ đăng ký thành công ty đại chúng với UBCKNN và chính thức niêm yết CP trên HNX cuối năm 2006, với giá chốt phiên trong ngày chào sàn lên đến 74.500 đồng/CP.
SDA nhận giấy phép đầu tư khai thác mỏ đá tại Myanmar.
Đây là thời điểm huy hoàng nhất của nhóm CP họ Sông Đà, khi nhiều mã CP tăng gấp chục lần so với mệnh giá, nhờ các thông tin chia thưởng cổ tức và CP với tỷ lệ rất cao. Đơn cử, CTCP Sông Đà 7 (SD7) tăng vọt lên gần chạm mốc 500.000 đồng/CP. (Trong loạt bài “Những CP một thời”, ĐTTC đã có bài viết phản ánh về SD7 “Leo lên đỉnh, rớt xuống đáy”. Trong đợt sóng này, SDA cũng tăng 1 lèo lên mức 314.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 27-2-2007).
Như vậy, chỉ 2 tháng sau khi niêm yết, SDA đã tăng giá hơn 4,2 lần. Tuy nhiên, đỉnh cao lịch sử của SDA được xác lập 3 tháng sau khi tăng gần chạm mốc 350.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 22-5-2007). Dù giá đã được điều chỉnh giảm xuống dưới 81.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 30-7-2007 do phát hành thêm CP, nhưng sau đó SDA lại bật tăng lên gần 280.000 đồng/CP. Nếu không phải điều chỉnh theo quy định do phát hành thêm CP, mức giá của SDA có thể lên đến 550.000 đồng/CP.
Nhấn chìm tài khoản NĐT
Nhấn chìm tài khoản NĐT
Tuy nhiên, khi VN Index bước vào đợt điều chỉnh trong năm 2008, nhóm CP họ Sông Đà cũng lao dốc không phanh. Từ mức giá trên 200.000 đồng/CP (thời điểm cuối năm 2007), SDA giảm xuống chỉ còn hơn 20.000 đồng/CP (thời điểm cuối năm 2008). Dù giá CP giảm mạnh nhưng nhiều NĐT nắm giữ CP vẫn không thể bán cắt lỗ do CP mất thanh khoản.
Sau đợt điều chỉnh kinh hoàng này, SDA có vài đợt sóng tăng lên gần chạm mốc 50.000 đồng/CP. Nhưng đến năm 2011, mã CP này chính thức rớt xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP) do tác động tiêu cực từ kết quả kinh doanh. Đáy của SDA được xác lập trong phiên giao dịch ngày 25-11 là 2.500 đồng/CP.
Không chỉ thua thiệt khi CP suy giảm, NĐT nắm giữ SDA gặp rất nhiều khó khăn do CP này liên tục bị Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) đưa vào “danh sách đen”, thậm chí đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Cụ thể, năm 2013 SDA bị đưa vào diện cảnh báo và loại khỏi danh sách các mã CP được giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận năm 2012 âm hơn 550 triệu đồng; năm 2017 bị đưa vào diện cảnh báo và không được giao dịch margin do lợi nhuận năm 2016 âm; năm 2018 bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận âm trong 2 năm 2016 và 2017; nhưng sau đó được chuyển lên diện cảnh báo do lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán 2017 là con số dương. Sau đó, năm 2019 tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận năm 2018 âm. Việc CP liên tục bị đưa vào diện cảnh báo khiến NĐT dần mất niềm tin vào sự hồi phục của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến CP SDA mất thanh khoản.
“Mắc nghẹn” dự án triệu USD
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bắt đầu gặp khó từ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế châu Á. Trước tình cảnh này, SDA đã chuyển hướng sang thị trường Đông Âu và Bắc Mỹ, thị trường đòi hỏi lao động có tay nghề cao. Nhờ sự điều chỉnh kịp thời này, SDA là một trong vài doanh nghiệp ít bị tác động bởi suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục trung thành với hoạt động cốt lõi, SDA lại có quyết định sai lầm là đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực xây lắp, bất động sản, đặc biệt là dự án đầu tư khai thác và chế biến đá Marble tại Myanmar với tổng vốn đầu tư 18,14 triệu USD (tương đương 381 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2018, SDA đã rót hơn 100 tỷ đồng vào dự án này.
Theo SDA, dự án tại Myanmar đã đi vào hoạt động từ năm 2014 với sản lượng khai thác bình quân 300m3/tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào hoạt động, dự án đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý và không khả thi. Đầu tiên là vốn đầu tư quá cao dẫn đến những khó khăn trong việc chuyển vốn đầu tư. Kế đến, việc cam kết công suất khai thác quá cao và không thực tế dẫn đến vỡ kế hoạch phân chia sản phẩm trong liên doanh. Sau khi khảo sát và đánh giá lại, phần lớn trữ lượng của mỏ là đá Limmestone, không phải đá Marble. Bên cạnh đó, việc tổ chức bộ máy nhân sự không hợp lý dẫn đến lãng phí chi phí. Theo thống kê, mỗi tháng SDA phải chi ra 40.000-50.000USD cho các khoản chi phí để vận hành dự án.
Mới đây, lãnh đạo SDA thừa nhận, cả SDA và 2 NĐT thứ cấp dự án tại Myanmar đều không phải doanh nghiệp khai thác đá, nên phần lớn máy móc, thiết bị đầu tư không đổng bộ. Thậm chí, có đến 1/3 xe và máy chuyên dụng không dùng được hoặc không thích hợp. Những khó khăn này khiến dự án hoạt động thua lỗ kéo dài và SDA phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Trước tình cảnh này, SDA cho biết đang nghiên cứu phương án đóng cửa dự án để trình các cơ quan quản lý nhà nước của 2 chính phủ.
Việc rót vốn vào dự án tại Myanmar khiến SDA cạn kiệt nguồn tiền để chi trả cổ tức cho cổ đông. Mới đây, doanh nghiệp tiếp tục công bố dời thời điểm chi trả cổ tức của năm 2011 và năm 2013 đến tận năm 2021. |