ĐTTC số 552 ra ngày 23-8 có đăng bài viết “Hoảng loạn thị trường chứng khoán” đã đặt ra giả thiết về hiện tượng bán khống xuất hiện sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt. Cũng trong ngày này UBCKNN đã khuyến cáo NĐT cần bình tĩnh, thận trọng trong giao dịch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc lợi dụng tung tin đồn thất thiệt để giao dịch đầu cơ, trục lợi. Vậy đâu là những dấu hiệu đáng ngờ?
Đôi bên có lợi
Khi thông tin bầu Kiên được công bố, trong khoảng thời gian đầu phiên ngày 21-8, một lượng lớn CP đã ào ạt bán ra, đẩy giá CP giảm mạnh. Nhưng ngay lập tức lực mua vào cũng tăng mạnh và đến gần 10 giờ giá của một số CP đã tăng gần về mốc tham chiếu.
Khi một số NĐT “chớm” có suy nghĩ rằng thị trường có thể “cầm máu” được, lượng CP khủng tiếp tục được bên bán tung ra và nhanh chóng nhấn chìm cả thị trường về mức giá sàn. Có khá nhiều cách lý giải cho những hiện tượng vừa nêu, qua đó cũng chỉ ra hàng loạt điểm nghi vấn.
![]() |
NĐT nhỏ lẻ cần tỉnh táo trước những vỏ bọc nhằm "dìm" thị trường để trục lợi. Ảnh: LÃ ANH |
Cách lý giải thứ nhất, thị trường có đợt hồi phục ngắn như nêu trên là do thông tin bầu Kiên bị bắt giữ chưa phủ trên diện rộng, lực bán vẫn chưa mạnh và khá nhiều người do… không biết tin nên mua vào. Nhưng ở đây cần lưu ý bên mua khi đã ra tay cũng cẩn trọng không kém và khi lực mua tăng, nhiều CP giảm rất mạnh và NĐT đủ tỉnh táo để check thông tin nào đã khiến giá CP giảm.
Cũng phải nói thêm, không ít NĐT khi thấy thị trường bị bán tháo, chưa cần biết tin gì vẫn có thể bán theo cho an toàn. Nhưng lý giải bên mua thấy hàng giá rẻ nên ra tay cũng không hợp lý, vì ngay đầu phiên giá không tăng, và khi giảm mạnh cùng lắm cũng chỉ rẻ hơn 5-7%, trong khi nếu nhìn ra một đợt bán tháo kéo dài, giá CP giảm nữa, người mua sẵn sàng chờ thêm thay vì ra tay lập tức.
Cách lý giải thứ hai, bên bán đã nhận thấy thông tin xấu (có thể được “xé” ra và “mông má” cho nghiêm trọng hơn) nên đã tiếp tục gia tăng một lượng hàng khủng ra thị trường với mục đích làm cho giá CP càng giảm càng tốt. Đến đây câu hỏi đặt ra là bên bán có e ngại bị “mất hàng” nếu làm như vậy hay không?
Nhiều khả năng là không, bởi lẽ về phía bên mua, mua được hàng đã vui và còn vui hơn nếu mua được hàng giá rẻ nên không phải “đấu” với bên bán. Đối với những NĐT lớn, không như NĐT cá nhân chờ giá giảm 2-3 phiên rồi tất tay, mà phải giải ngân ở một số mức giá nhất định. Minh chứng rõ ràng là đến buổi chiều, bên mua vẫn vào lệnh khá đều đặn nhưng chỉ ở giá sàn, không “rướn” để đấu với bên bán.
Những NĐT nhỏ lẻ, hoặc tâm lý không vững đầu phiên không kịp bán, hoặc không muốn bán dần cũng phải buông tay tại mức giá rẻ. Chính vì vậy, khó có thể nói bên mua ban đầu bị hớ hay bị bên bán “đè”. Điều này ngẫu nhiên tạo ra một sự thỏa hiệp ngầm giữa bên mua và bên bán, vì cả 2 đều đạt được mục đích, kẻ bán hướng đến giá giảm còn kẻ mua thoải mái “đi chợ” với giá tốt.
Liên hoàn “hù dọa”?
Do bầu Kiên được nhiều người xem là “ông trùm” của ngành ngân hàng (NH), vì vậy khi “ông trùm” bị bắt, CP ngành này - vốn được mệnh danh là CP vua - tất yếu sẽ ảnh hưởng. Nhưng cũng cần tỉnh táo để thấy rằng ảnh hưởng của bầu Kiên dù có thể được “thổi phồng” trong suy nghĩ của nhiều NĐT cũng không thể “bao” cả ngành NH, huống chi cả TTCK.
Mặc dù những NH mà một số NĐT cho rằng có liên quan là NH lớn, nhưng vẫn còn đó hàng loạt NH có quy mô tương đương hoặc lớn hơn nhiều.
Sau 3 phiên giảm sàn liên tiếp từ gần 25.900 đồng/CP về 21.000 đồng/CP, ACB (NH Á Châu) - NH chịu nhiều tác động nhất từ vụ bắt giữ bầu Kiên, đã tăng trở lại vào phiên cuối tuần ngày 24-8 ở mức 21.700 đồng/CP, với hơn 1,6 triệu CP, gần bằng KLGD của 3 phiên trước đó cộng lại. Đà giảm của EIB (Eximbank) cũng chậm lại trong phiên cuối tuần và đóng cửa ở mức 17.700 đồng/CP, với KLGD lên đến hơn 5,5 triệu CP, khác hẳn với mức thanh khoản thấp trong 3 phiên giảm sàn trước đó. Trong 2 phiên ngày 23 và 24-8, STB (Sacombank) cũng được mua vào khá mạnh và tăng 400 đồng lên 20.100 đồng/CP vào cuối tuần. |
Mấu chốt ở đây là CP của các NH niêm yết đều có giá trị vốn hóa cực lớn, nên chỉ cần vài mã giảm mạnh sẽ tác động đáng kể đến điểm số thị trường. Và trong một khoảng thời gian khi sự hoảng loạn bao trùm, ảnh hưởng đến những NH còn lại là không tránh khỏi.
Chỉ trong 4 phiên cuối tuần qua, tổng KLGD của VCB (Vietcombank) đạt gần 4 triệu CP, tức trung bình mỗi phiên có khoảng 1 triệu CP được giao dịch, trong khi KLGD trung bình của những phiên trước đó chỉ ở mức 300.000 CP.
CTG (VietinBank) là một trong những CP trụ giá tốt nhất thị trường trong những ngày hoảng loạn, chỉ mất giá khoảng 5%, trong khi nhiều mã đã giảm 15-20%. Hay như MBB (NH Quân đội) là một trong những CP tăng trần đầu tiên và vững nhất trong phiên phục hồi ngày 24-8.
Như vậy khi VCB, CTG hay MBB được đưa ra thị trường với giá rẻ đó cũng chính là cơ hội ngàn vàng cho những ai muốn sở hữu một lượng lớn và giá tốt những CP này.
Như đã nói ở trên, bên bán nếu có ý định “đè” thị trường bằng cách bán mạnh CP của những NH tốt vẫn có cái lý là “theo xu hướng chung” hoặc “ảnh hưởng tâm lý” để bào chữa cho mình.
Cơ cấu cổ đông của các NH rất đa dạng, vì vậy việc NĐT nhỏ lẻ thấy CP của NH bị bán mạnh nên cũng quyết định “đẩy hàng” cho chắc rất dễ xảy ra. Và như vậy, bên mua lại có hàng giá rẻ, đồng thời bên bán ra cũng có thêm lực cộng hưởng để “đè” giá CP.
Một thông tin cũng cần mổ xẻ kỹ ở đây là lượng CP giải chấp, trong đó có CP của NH, lớn đến đâu? Thường cứ sau 1-2 phiên bán tháo, vấn đề giải chấp lại được nhắc đến. Trong những ngày qua đã có những ý kiến cho rằng CP nhóm NH nếu giải chấp sẽ rất lớn, có thể ảnh hưởng đến thị trường.
Từ đầu năm đến nay, trừ những lúc thị trường “nóng” từ tháng 3 đến đầu tháng 5, đòn bẩy tài chính được sử dụng nhiều, thật khó để tin rằng trong vài tháng gần đây, khi thị trường lình xình, NĐT lại chủ động sử dụng vốn vay.
Chưa kể, CP NH biến động không mạnh, liệu có ai dám vay để mua vào rồi giữ trong một thời gian dài? Phần lãi thu về liệu có đủ bù đắp cho lãi suất vay hay không?
Cho dù NĐT có sẵn CP của các NH để giữ dài hạn, nhưng với lãi suất margin cao cũng không ai đem CP làm tài sản đảm bảo và “ngâm” trong thời gian dài để vay vốn. Chính vì vậy, phải cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng CP của NH bị giải chấp trên diện rộng hay phạm vi hẹp và độ lớn như thế nào?
Có thể thấy, chỉ cần vài động tác “đánh” khá đơn giản vào nhóm CP vua từ giao dịch, cho đến những nhận định, tin đồn thất thiệt dưới vỏ bọc “có cơ sở” hay “bảo vệ NĐT”, khả năng “dìm” thị trường để trục lợi là rất dễ xảy ra.