Hiểu rõ hơn về ChatGPT
“Sự xuất hiện của ChatGPT cho thấy điều gì cần học tập, nhất là với doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trong nước?” - câu hỏi của bạn đọc B…. trang977@gmail.com được ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, trả lời cụ thể: Để ChatGPT xuất hiện, cần có những nhà đầu tư nhiều tiền như Elon Musk, Microsoft làm dữ liệu và trả lương đội ngũ chuyên viên (tính bằng tỷ USD). Ngoài ra, có những bài học mà doanh nghiệp có thể học từ ChatGPT. Đó là thuật toán, cung cấp các tập dữ liệu đặc trưng trong nước, phục vụ bài toán cụ thể như nội dung văn bản pháp luật, y tế, giáo dục...
Bạn đọc Vũ Khanh (phường Tân Định, quận 1) hỏi: “Cơ quan quản lý nhà nước cần có những suy nghĩ cởi mở, mới mẻ với các sản phẩm ứng dụng AI, cụ thể là với ChatGTP hay không, nhất là hành lang pháp lý trong lĩnh vực này?”. Ông Hà Thân trả lời: Hành lang pháp lý đã có khá đầy đủ, ví dụ quy định dữ liệu của người dùng phải lưu trữ ở Việt Nam, thông tin về định danh của người dùng, nội dung hỏi và đáp của người dùng… Như vậy, khi người dùng nào đó đưa nội dung không mong muốn với ChatGPT lên mạng xã hội thì vẫn có thể bị truy ra. Cũng theo luật pháp hiện tại, người dùng cuối phải chịu trách nhiệm nội dung khi đưa lên mạng xã hội, không thể đổ lỗi cho ChatGPT. Đặt vấn đề kiểm soát chặt chẽ AI (hoặc ChatGPT) là điều không nên và cũng không thể.
Đến với chương trình giao lưu, ông Huy Nguyễn, CEO KardiaChain, nhận được nhiều câu hỏi liên quan ChatGPT. Bạn đọc Mai Bình Trọng (tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Ông có thể giải thích tại sao ChatGPT gây ra “cơn sốt” trong cộng đồng thời gian gần đây và vì sao đến nay mới đặt ra hàng loạt vấn đề về AI, vấn đề đạo đức, bản quyền…?”. Trả lời câu hỏi trên, ông Huy Nguyễn cung cấp thông tin: Đối với đa số chuyên gia, nghiên cứu sinh hay kỹ sư phần mềm trong lĩnh vực AI, ChatGPT không quá đặc biệt. Tuy vậy, đối với số đông còn lại, họ chưa có cơ hội tiếp xúc và hiểu được sự phát triển này. Một sản phẩm đánh đúng tâm lý và hết sức “thật” sẽ dễ gây hiệu ứng “sốt”. Tương tự, các vấn đề của AI liên quan đạo đức, pháp lý, lỗ hổng công nghệ… các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu lên từ rất lâu rồi. Chẳng hạn, Google, Facebook… đều có những chatbot riêng (tương tự ChatGPT) nhưng họ không công bố vì e ngại động chạm vấn đề đạo đức và danh tiếng. Bây giờ, khi mà ChatGPT đã đến được người dùng cuối thì cộng đồng sẽ hiểu hơn về những hạn chế cần được khắc phục để từ đó phải cùng chung tay giải quyết.
Ông Huy Nguyễn còn giúp bạn đọc cảm thấy yên tâm khi cho rằng chúng ta nhìn ứng dụng (ChatGPT hay công nghệ AI nói chung) như “công cụ” để thực hiện những sản phẩm tạo giá trị khác thì việc công nghệ ngày càng phát triển sẽ giúp đỡ được chúng ta, đó là tín hiệu tích cực.
Ứng dụng AI để hỗ trợ đào tạo
Buổi giao lưu trực tuyến cũng có sức hút với đông đảo bạn trẻ, học sinh, sinh viên… Bạn Trần Thanh Ngọc (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thị Pha, tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Để trở thành chuyên gia về AI và tạo ra các sản phẩm kiểu như ChatGPT, em cần phải có những kiến thức, kỹ năng và năng lực gì?”. Gợi mở cho học sinh này, PGS-TS Huỳnh Tường Nguyên, giảng viên Khoa CNTT, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng: Với xu hướng công nghệ hiện nay, rất hiếm để có thể phát triển các sản phẩm phần mềm cạnh tranh bằng sức lực của một cá nhân. Trong lĩnh vực máy tính, hầu như các bạn cần phải làm việc nhóm sau khi ra trường, nhiều khi phải làm việc trong các dự án có môi trường đa quốc gia…
Giải đáp câu hỏi “Với góc nhìn từ cơ sở đào tạo, thầy đánh giá sự phát triển của AI nói chung và ChatGPT sẽ tác động thế nào đến hoạt động đào tạo của nhà trường?” của bạn đọc Trần Phúc Minh (tỉnh Bình Thuận), PGS-TS Lê Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ: Trước tiên, sự phát triển của AI giúp cơ sở giáo dục - đào tạo hướng tới xác định lại nội dung, kế hoạch, phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng người học. Các trường cần nhanh chóng có chiến lược và triển khai ứng dụng AI vào việc tư vấn, hướng nghiệp cho sinh viên. Các cơ sở giáo dục nên tận dụng AI vào quá trình kiểm tra, đánh giá, sinh viên. Riêng ChatGPT, đương nhiên sẽ giúp người học học tốt hơn nếu tận dụng được những ưu điểm của nó. Tuy nhiên, các mặt tiêu cực của ChatGPT đặc biệt liên quan tới vấn đề đạo văn, cần được các cơ sở đào tạo tập trung tăng cường tuyên truyền, giám sát, kiểm tra.
Thành phố sẵn sàng với AI
Câu hỏi của Th….trung@gmail.com “Với AI, hệ thống siêu máy tính học sâu và hạ tầng lưu trữ, truyền dẫn thông tin… cần mức đầu tư rất lớn, TPHCM đủ tiềm lực tự đầu tư hay mời gọi nhà đầu tư?” được ông Nguyễn Minh Huấn, Thường trực Chương trình phát triển AI TPHCM (Sở TT-TT TPHCM), trả lời: Việc xác định đầu tư hạ tầng này như thế nào để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng AI là hết sức quan trọng để xác định mức đầu tư phù hợp, tránh lãng phí. Do đó, Chương trình AI của TPHCM có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Nghiên cứu đề xuất xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao do Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì thực hiện. Kết quả của nghiên cứu này sẽ xác định nhu cầu của thành phố, xác định mức độ các bài toán thành phố sẽ giải quyết từ đó đề xuất nội dung sẽ đầu tư đảm bảo tài nghiên được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nhất. Giai đoạn 2 là giai đoạn đầu tư, căn cứ kết quả của giai đoạn 1, thành phố sẽ triển khai đầu tư. Về hình thức đầu tư, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để thành phố tự đầu tư hay kêu gọi nhà đầu tư. Dự kiến cuối năm quý 3-2023 sẽ có kết quả của giai đoạn 1 và sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn 2 vào quý 4-2023.
Còn bạn đọc Lê Trọng Sơn (phường 13, quận Gò Vấp) nêu: “Việc xây dựng các hạng mục liên quan đến cơ chế, chính sách về AI đã được xây dựng đến đâu?”. Ông Nguyễn Minh Huấn chia sẻ: TPHCM đã tiến hành làm việc với một số nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và quốc tế trong lĩnh vực AI liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu; sử dụng, khai thác, chia sẻ dữ liệu; an ninh, an toàn thông tin. Trong thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thiện và ban hành các khung pháp lý, cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội