Những góc nhỏ công viên

(ĐTTCO) - Thành phố hiện đại, đường quanh co đến năm, bảy ngã, người, xe qua lại nhộn nhịp, vậy mà cuộc sống trong công viên lại thong thả, yên ả đến lạ…

Tập thể dục trong công viên

Tập thể dục trong công viên

1. Dù lớn hay nhỏ thì gần như quận nào ở TPHCM cũng có công viên. Giữa lòng đô thị hiện đại, bên những tòa nhà chọc trời, các công viên như những mảng xanh làm dịu mát cuộc sống đô thị.
Cây xanh được trồng nhiều trong mỗi công viên, bên cạnh đó là những thảm cỏ, hoa lá đủ loại, tạo ra một bầu không khí xanh mát, yên ả cho khách lui tới. Tuy là không gian công cộng và hoàn toàn miễn phí, nhưng trong mỗi công viên cũng có quy định riêng. Một cách để giữ cho những không gian này luôn sạch đẹp và thể hiện nét văn minh, lịch sự của người thành phố. “Mấy bữa thấy tụi nhỏ ngồi học nhóm gì đó, rồi có đứa ngả lưng luôn trên mấy cái ghế. Tui tới nhắc nhở liền, dặn tụi nó đừng nằm ngoài công viên, nhìn vào không hay, mất thẩm mỹ lắm. Mình nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không la rầy gì, sợ mấy đứa buồn, mà nói qua một lần là lần sau tụi nó tự ý thức hà”, chú Văn Tuấn (bảo vệ Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), cho hay. Phải “đi tuần” liên tục quanh công viên, để nhắc nhở mọi người không xả rác, gây mất trật tự… nhiều bữa chú Tuấn gặp tình huống dở khóc dở cười. Mấy ông đi tập thể dục xong ngồi nghỉ mệt, có ông châm thuốc hút, tui tới nhắc nhở thì ổng cự lại. Ổng nói hút thuốc rồi bỏ vào thùng rác chứ có vứt lung tung đâu mà nhắc nhở. Rồi mình giải thích nào là quy định trong công viên không được hút thuốc, dắt ổng tới ngay chỗ đặt bản quy định mới chịu tin, không cự nữa. Bữa sau tới tập thể dục, thấy tui đi ngang ổng cười cười nói lại “Nay tui hông có hút thuốc nữa à”. 
Những góc nhỏ công viên ảnh 1Góc hàn huyên của “hội người già”
Ngay những bạn trẻ hay lui tới công viên sinh hoạt, giải trí cũng có khi gặp chuyện bất ngờ. Ngọc Thảo (sinh viên Trường Đại học Tài chính Maketing, thường lui tới Công viên Tao Đàn, quận 1) chia sẻ: “Mấy bữa được nghỉ học buổi chiều tụi mình hay ghé công viên dạo chơi, rồi tập nhảy dân vũ với nhau. Tập xong thì dòm lại cái ba lô mới biết, bị mấy con chó của mấy cô đi tập thể dục dắt theo ị ngay ba lô. Cả đám cũng mất hết hứng, đi về luôn. Từ ngày công viên cấm không được dắt chó vào thì tập thoải mái, không lo nữa”.
2. Việc học Anh văn không còn gói gọn ở trường lớp hay các trung tâm, nên nhiều bạn trẻ lập các nhóm học Anh văn ở công viên cùng người nước ngoài để trau dồi thêm khả năng giao tiếp và tiết kiệm hơn chi phí học tập. 
Tọa lạc ngay trung tâm TP, Công viên 23-9 (quận 1) là nơi có nhiều khách nước ngoài qua lại. Nhiều bạn trẻ vào thứ bảy, chủ nhật thường đến đây tập trung thành các nhóm trao đổi, trò chuyện cùng khách nước ngoài. “Việc học Anh văn  ngoài công viên tuy không bằng những trung tâm ngoại ngữ nhưng cũng giúp mình tự tin hơn khi giao tiếp với người bản xứ”, Tấn Đạt (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Luật), chia sẻ. Nhiều nhóm bạn trẻ không chỉ học Anh văn ở Công viên 23-9, mà còn tình nguyện làm hướng dẫn viên hay chỉ đường cho du khách tham quan một số điểm vui chơi trong thành phố. Hoài Mậu (22 tuổi, ngụ Tân Bình) cho hay: “Tôi chủ động chỉ đường, hướng dẫn các điểm tham quan của TP cho du khách để có thể giao tiếp nhiều hơn mà họ và mình cũng không thấy ngại”.
Mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, một góc Công viên Tao Đàn lại vang lên âm thanh của đàn violin qua những bản nhạc quen thuộc. Nốt cao thấp, trầm bổng còn khập khiễng, thỉnh thoảng phải ngưng lại giữa chừng để các thành viên của nhóm Warm Melody Band trao đổi cùng nhau. Nhóm gồm những bạn trẻ yêu thích đàn violin, chọn không gian trong công viên làm nơi trao đổi việc học đàn cùng nhau. Anh Thư (thành viên trong nhóm) chia sẻ: “Tụi mình cũng chỉ là dân nghiệp dư tập tành với nhau, nên tập trong công viên cũng đỡ ngại hơn. Với lại công viên cũng tiện đường cho các bạn đi lại và gửi xe, mỗi buổi tập cũng không mất chi phí gì vì nhiều bạn trong nhóm chủ yếu là học sinh, sinh viên”.
3. Thành phố đón những tia nắng đầu ngày, buổi sáng bắt đầu với đủ mọi âm thanh từ tiếng xe cộ, tiếng rao, tiếng trò chuyện bên những ly cà phê sớm… và có cả tiếng người í ới, rủ nhau ra công viên tập thể dục.
Chuyện tập thể dục trong công viên đã quá quen thuộc với người dân TP, chừng 5-6 giờ sáng là từng nhóm người ra công viên tập thể dục. Người chạy bộ, đi bộ, nhóm thì tập khiêu vũ, múa quạt, nhóm tập với các máy tập công cộng được lắp sẵn trong công viên… Rộn rã tới khoảng 7 giờ thì người tập thể dục vãn bớt. Ở những công viên lớn như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Hoàng Văn Thụ, Gia Định… luôn bắt đầu ngày mới với đông đảo người dân tìm đến để tập thể dục và hít thở không khí trong lành đầu ngày. Bác Nguyễn Văn Đang (ngụ quận 3, TPHCM) thường xuyên tập thể dục ở Công viên Tao Đàn, chia sẻ: “Sáng nào tôi cũng ra đây tập thể dục rồi thành quen, từ hồi nghỉ hưu đến giờ gần 90 tuổi, cũng 30 năm rồi. Đôi khi ở công viên còn nhiều hơn ở nhà, sáng nào cũng tập thể dục rồi đi bộ, ngồi hóng mát đến 10 giờ mới về, chiều thì khoảng 4 giờ lại ra công viên đến 7 giờ tối hơn mới về”. Còn với cô Thanh (ngụ quận 8) thường xuyên tập thể dục và khiêu vũ ở Công viên Tao Đàn, thì việc tập thể dục không chỉ để có thêm sức khỏe, mà còn có thêm “mấy bà bạn già ngồi tâm sự”. Cô Thanh kể: “Nhà cũng xa, nên cuối tuần mới chạy lên công viên tập thể dục, hồi đầu cô đi có một mình cũng buồn. Sau đó tập chừng tháng có thêm mấy bà bạn đồng trang lứa, vậy là làm siêng chạy lên đây tập thể dục mỗi ngày, nhiều bữa tập xong ngồi tán dóc hết buổi sáng. Già cả rồi đâu có bận bịu gì nữa mà lo”. 
Còn ở Công viên Lê Thị Riêng, người dân đến đây không chỉ tập thể dục, hóng mát mà còn có hẳn một thư viện để đọc sách và mượn mang về. “Mình đến đây tập thể dục, thấy có thư viện trong công viên cũng hay hay. Ghé lại đọc vài sách dạy nấu nướng, về nhà làm thử thì ông xã khen ngon”, chị Yến Thu (quận 10) chia sẻ. Mới đây, Công viên Văn Lang (quận 5) sau hơn 5 tháng thay đổi diện mạo đã trở thành “quảng trường nhạc” hiện đại, nhiều tiện nghi. Người dân đến đây không khỏi thích thú và trầm trồ với đài phun nước kết hợp ánh sáng và âm nhạc độc đáo. Từng là nơi mà vào buổi tối nhiều người vẫn e ngại vì tệ nạn, nhưng với diện mạo mới, dù là sáng hay tối, nhiều người tìm đến để thư giãn. “Cũng có tuổi rồi nên siêng đi tập thể dục lắm, mà hồi trước công viên chưa xây lại tôi chỉ dám đi buổi sáng. Còn giờ thì ngày đi hai bận luôn, sáng tối gì cũng sạch sẽ, đèn đuốc sáng trưng không còn sợ”, cô Minh Ngọc (phường 8, quận 5) hào hứng chia sẻ. 
Ở công viên, không thấy ai vội vàng hay hối hả, bởi giữa những tòa nhà cao tầng chọc trời, những công trình hiện đại rực rỡ kia, khi mảng xanh giữa lòng thành phố dường như bị thu hẹp thì những phút thong thả ngồi đón gió trời, dưới tán cây rợp bóng mát, thư thả một bài tập thể dục hay vài vòng đi bộ để bắt đầu một ngày mới càng được nhiều người trân quý.

Các tin khác