Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố trong 2 tuần được xem là đỉnh dịch, phải tạm đình chỉ hoạt động toàn bộ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn từ ngày 28-3 đến hết 15-4, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
ĐTTC ghi nhận tình hình ngày đầu tiên triển khai thực hiện Chỉ thị 15 tại 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và TPHCM.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-3, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như: massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Đường phố trở nên vắng vẻ lạ thường. Chưa khi nào khẩu hiệu ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay đẩy lùi Covid-19 lại được quán triệt rộng rãi đến tất cả người dân tại thời điểm hiện nay.
Phố Thái Hà, đây là con phố ngày thường vốn rất tấp nập của quận Đống Đa.
Nằm trong khu vực phố cổ, phố Đào Duy Từ vốn ngày thường tấp nập thì đã trở nên vắng vẻ từ khi có dịch Covid-19. Song, từ sáng 28-3, con phố này còn vắng hơn, hiếm bóng người qua lại.
Con phố này cũng được mệnh danh là phố mua sắm quần áo không chỉ của quận Đống Đa mà của Hà Nội. Nhưng sáng ngày 28-3, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa.
Phố Tạ Hiện được coi là nơi giao lưu, tập trung của rất nhiều khách Tây, đặc biệt vào các dịp cuối tuần. Phố này được so sánh với phố Bùi Viện của TPHCM.
Tương tự Tạ Hiện là phố Đinh Liệt – nơi ngày thường là địa điểm kinh doanh, buôn bán sầm uất với các dịch vụ café, đồ ăn… với khách nước ngoài là những điểm nhấn – tuy nhiên, cũng như các nơi khác, ngày 28-3 các cửa hàng ở đây đều đóng cửa.
Rạp Tháng 8 trên phố Hàng Bài đã dừng bán vé xem phim từ trước khi có yêu cầu không tụ tập đông người.
Chợ Hàng Da nổi tiếng ở Hà Nội, là nơi tập trung kinh doanh buôn bán của nhiều tiểu thương cũng đã đóng cửa từ 28-3.
Trung tâm Chiếu phim quốc gia sáng 28-3
Phố Hồ Hoàn Kiếm, con phố chỉ chưa đầy 100m, thường ngày vốn tấp nập với đặc trưng là các quán nộm, nay cũng đã đóng cửa.
Trong khi đó, tại TPHCM ngày cuối tuần này vắng vẻ hơn nhiều khi hàng quán đóng cửa, người dân cũng cố gắng hạn chế ra đường. Dọc theo những con phố ăn uống, café, cắt tóc, phòng tập thể hình, tiệm spa… quen thuộc của quận Gò Vấp, quận 12, Hóc Môn bắt gặp liên tiếp những hàng quán đóng cửa. Hầu hết các cửa hàng đều trưng những tấm biển lớn, nhỏ với dòng chữ quán tạm nghỉ phòng dịch Covid 19, sẽ mở lại khi TP cho phép.
Tại khu vực trung tâm quận 1, 3, các điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar, cafe... cũng đồng loạt đóng cửa. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các khu cao ốc đông người như Vinhomes Central Park, Cantavil, Masteri Thảo Điền, Saigon Mia hay Sunrise City... đang được tiến hành nghiêm túc, khẩn trương, bảo vệ ở sảnh sẽ đo nhiệt độ, ghi lịch sử và kiểm soát khách ra vào rất nghiêm.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng vẻ hơn mọi khi, chỉ có hai vị khách nước ngoài ngồi theo dõi tin tức trên điện thoại
Ga hành khách tàu biển Cảng Sài Gòn thường ngày đưa đón nhiều tàu du lịch nay đã đóng cửa, ngưng phục vụ
Quán ăn Mê Kong đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1) thường ngày rất đông khách, nhưng kể từ hôm nay chỉ bán cho khách mua về.
Nhà hát Thành phố đóng cửa từ nhiều ngày qua.
Hàng loạt cửa hàng mua sắm, ẩm thực trên đường Đồng Khởi quận 1 đóng cửa
Cư dân Vinhomes Central Park thực hiện nghiêm ngặt quy định rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt.
Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống, dù số lượng người đi chợ rất đông nhưng vẫn còn tình trạng người bán và người mua chưa tuân thủ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Nhiều người đeo khẩu trang nhưng không đúng quy cách khi kéo khẩu trang ra khỏi mặt.
Mô tả ảnh