Những lời tri ân một thời bi thương và hào hùng

(ĐTTCO) - Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia đã giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm để tri ân những người con đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á giới thiệu 2 cuốn sách ảnh vừa ra mắt
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á giới thiệu 2 cuốn sách ảnh vừa ra mắt

Lời thầm thì từ những bức ảnh

Chăm chỉ, cần mẫn và luôn có những ý tưởng độc đáo, đó là ấn tượng về nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á qua hai cuốn sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” vừa được NXB Thông tấn ấn hành.

Trong phần đầu của tập sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á nói rằng, thông qua ấn phẩm này, anh mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến nói chung, bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng, những “tượng đài sống” mà anh có cơ hội gặp gỡ bằng xương bằng thịt.

Nguyễn Á đã tiếp cận 35 cựu tù, tử tù đang sinh sống tại TPHCM, 3 cựu tù đang sinh sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu và 1 cựu tù ở Đồng Nai. Dẫu chưa thật đầy đủ nhưng với những bức ảnh được chụp ở nhiều góc độ, nhiều khoảnh khắc khác nhau, đã mang đến cho người xem thật nhiều cảm xúc. Đó là cơ hội để người trẻ được hiểu hơn về những hy sinh gian khổ mà những tử tù, cựu tù Côn Đảo phải trải qua. Còn với những cựu tù, đây chính là dịp để họ có thể sống lại trong tình yêu thương của đồng đội, bởi có những người đã mãi mãi không trở về.

Trong ấn phẩm Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ghi lại những bức ảnh về đội rà phá bom mìn thuộc dự án NPA/RENEW - Chương trình khảo sát bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) hợp tác với Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị. Đây là đội rà phá bom mìn đang làm việc tại Quảng Trị, nơi đã phải chịu nhiều đau thương và mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả và sự khốc liệt vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sự có mặt của “biệt đội” được ví như những người đi tìm và khâu lại những vết thương chiến tranh chưa lành, giúp người dân được sống trong yên vui, không còn nơm nớp lo sợ những trái bom, quả mìn bất thình lình nổ.

Người trẻ thời bình viết về người trẻ thời chiến

“Tôi nghe Làng bên sông của nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng từ khi là bản demo, tôi thực sự rất xúc động, bị thuyết phục với thông điệp ca khúc mang lại”, nhạc sĩ Giáng Son sẻ chia như thế.

Cũng theo nhạc sĩ Giáng Son, đối với một nhạc sĩ trẻ sống trong thời bình thì đề tài chiến tranh rất khó, nhưng Bá Hùng đã viết được phần lời đẹp, nhân văn, sâu sắc gây xúc động mạnh. Phần âm nhạc được viết như một tổ khúc nhỏ, trữ tình, da diết, mang tính thính phòng đậm màu sắc Việt Nam.

Làng bên sông là câu chuyện được kể lại bằng âm nhạc gồm 6 khúc nhạc mô tả hành trình của người lính trẻ: Khi rời làng đi chiến đấu; vào rừng sâu; kéo pháo cùng đồng đội; hy sinh; hồi tưởng; kết vang vọng. Tác phẩm viết theo thể loại tổ khúc, phần nhạc nền thực hiện theo phong cách phối khí của dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Hà Trung phụ trách. Tác phẩm được nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng sáng tác; mix, master bởi Phạm Hồng Biển; do ca sĩ Đào Mác thể hiện. Ca khúc có đoạn mở đầu đầy xúc động: Nơi rừng sâu núi non điệp trùng/ Đồng đội ơi, ta nằm đây dưới bóng trời mây/ Lá chen hoa, vờn quanh những đôi chim nhỏ, chim hòa bình/ Có phải chim đến báo tin hòa bình/ Đây mùa mưa rét căm căm trời/ Đất mẹ ơi, con nằm đây dưới bóng cỏ cây/ Đã bao năm, từ ngày đi vẫn chưa trở về

Ca khúc "Làng bên sông" do ca sĩ Đào Mác thể hiện và nhạc sĩ Bá Hùng sáng tác

Ca khúc "Làng bên sông" do ca sĩ Đào Mác thể hiện và nhạc sĩ Bá Hùng sáng tác

Ca sĩ Đào Mác xúc động thể hiện ca khúc "Làng bên sông"

Ca sĩ Đào Mác xúc động thể hiện ca khúc "Làng bên sông"

Bá Hùng cho biết, anh viết ca khúc trong 3 năm, từ 2020 đến 2023, để tưởng nhớ đến hàng trăm ngàn liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Tổ khúc dài 8 phút 34 giây, khán giả thấy được một bức tranh nhỏ phác họa về cuộc đời người lính, những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Nhạc sĩ Bá Hùng tâm sự: “Tôi gặp nhiều khó khăn khi viết dòng nhạc này, vì đòi hỏi rất nhiều thời gian nghiên cứu, kinh phí sản xuất. Nhưng những lời động viên của khán giả khiến tôi quyết tâm theo đuổi. Tôi vẫn sẽ viết về đề tài người lính, ca khúc truyền thống cách mạng”.

Vào lúc 9 giờ ngày 27-7, tại Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM), nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sẽ tổ chức khai mạc 2 triển lãm và ra mắt 2 sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30-7, riêng trong ngày khai mạc sẽ có sự hiện diện của các cựu tù Côn Đảo để chia sẻ những câu chuyện từ trong ký ức.

Các tin khác