Quán quân thua lỗ
Về mặt nhóm ngành, du lịch và giải trí suy giảm mạnh với mức giảm lên đến 363%. DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN), với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm hơn 6.678 tỷ đồng (giảm 540%). Theo giải trình, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận của HVN chủ yếu đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 50%, tương đương 18.296 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu khách nội địa giảm 43,5%, quốc tế giảm 63,1%, doanh thu thuê chuyển giảm 63%. Với kết quả không thể tệ hơn này, tại ĐHCĐ thường niên 2020, HĐQT của HVN đặt mục tiêu cho năm 2020 với lợi nhuận sau thuế âm 15.177 tỷ đồng. Để giảm bớt gánh nặng vốn lưu động, HĐQT HVN quyết định không trích quỹ đầu tư phát triển, không chi trả cổ tức lợi nhuận năm 2020, để đảm bảo dòng tiền và cân đối tình hình kinh doanh.
Ghi nhận mức suy giảm đứng thứ 2 là nhóm ngành dầu khí, với mức giảm 223%. Quán quân thua lỗ của ngành thuộc về CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 692 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2.635 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá dầu thế giới (WTI) giảm mạnh trong quý I, từ 61,18USD/thùng xuống chỉ còn 20,48USD/thùng (tương đương mức giảm 66%). Trong quý II, dù giá dầu hồi phục lên mức 39,27USD/thùng, nhưng sự tái phát của Covid-19 khi cả nước thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc giãn cách xã hội, khiến nhu cầu xăng dầu sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Cùng ghi nhận khoản lỗ khủng ngàn tỷ đồng trong mùa công bố BCTC bán niên là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Theo BCTC quý II, doanh thu đạt 13.737 tỷ đồng (giảm hơn một nửa so với mức 27.843 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái), khấu trừ giá vốn BSR báo lỗ gộp 1.879 tỷ đồng. Dù tiết giảm mạnh các chi phí hoạt động nhưng BSR vẫn ghi nhận lỗ sau thuế 1.898 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận 31.727 tỷ đồng doanh thu (giảm 38%). Khấu trừ chi phí, 6 tháng đầu năm BSR báo lỗ ròng hơn 4.255 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2019 lãi ròng hơn 704 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) liên tục nếm mùi thua lỗ vì gánh nặng lãi vay. Theo BCTC bán niên 2020, lợi nhuận ròng của DHB âm gần 693 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần mức lỗ trong nửa đầu năm 2019), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý II âm 3.980 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 30-6, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 734 tỷ đồng xuống còn 1.172 tỷ đồng, nhưng vay và nợ thuê tài chính dài hạn lại tăng 612 tỷ đồng lên 6.283 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lên đến gần 7.455 tỷ đồng. Năm 2020, DHB đặt kế hoạch lỗ 1.132 tỷ đồng (gần gấp đôi so với số lỗ 637 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019).
Tương tự, CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP) bất ngờ công bố BCTC quý II khoản lỗ cao bất thường trong lịch sử hoạt động. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.120 tỷ đồng (giảm 24%), nhưng do giá vốn hàng bán lên tới 1.284,5 tỷ đồng khiến KHP lỗ gộp 164 tỷ đồng. Không chỉ giá vốn tăng cao, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN của KHP cũng tăng cao so với cùng kỳ. Đơn cử, chi phí quản lý DN tăng mạnh nhất với mức tăng 70%. Việc thu không đủ chi khiến KHP lần đầu tiên có quý thua lỗ nặng nề nhất từ trước tới nay.
Điểm sáng ngân hàng
Điểm sáng ngân hàng
Đối với nhóm ngân hàng (NH), KQKD 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trung bình 13%, chủ yếu được hỗ trợ khá tích cực của nhóm NH tư nhân như NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB), NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) và NHTMCP Tiên Phong (TPB). Trong khi đó, nhóm NH có vốn nhà nước lại không có được sự bứt phá, thậm chí có NH tăng trưởng âm. Đơn cử, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) ghi nhận KQKD 6 tháng tương đối yếu so với NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG). Theo BCTC, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của BID đạt 4.454 tỷ đồng (giảm 5,4%), chủ yếu do thu nhập lãi giảm 8,8%, mặc dù đã kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động và dự phòng. Dưới tác động của Covid-19, dự kiến BID tiếp tục có năm kinh doanh 2020 ảm đạm.
KQKD 6 tháng của nhóm NH vừa được FiinPro công bố, cho thấy VPB là NH dẫn đầu khi hoàn thành 58,7% kế hoạch cả năm 2020. VPB cũng là NH đầu tiên trong hệ thống công bố KQKD quý II-2020 lạc quan ngoài dự kiến, với lợi nhuận trong kỳ đạt 2.951 tỷ đồng (tăng 44%). Nguyên nhân do chi phí hoạt động giảm 16%, chi phí dự phòng giảm 16,7%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt 5.265 tỷ đồng (tăng 51,6%), trong đó FE Credit đóng góp đáng kể vào kết quả này. Cụ thể, FE Credit chốt quý II với tổng giá trị khoản vay đạt 60.200 tỷ đồng (tăng 3,3%), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.400 tỷ đồng (tăng 13%), trong đó lợi nhuận quý II là 1.500 tỷ đồng.
Sau VPB, HDB là NH có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm đạt 57,3%. Theo BCTC quý II, lợi nhuận thuần hợp nhất trong kỳ đạt 1.320 tỷ đồng (tăng 47,3%) nhờ cho vay tăng trưởng mạnh (tăng 9,6% so với đầu năm) và tỷ lệ NIM cải thiện (tăng 0,78%) so với cùng kỳ, đã giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh (tăng 19,7%) so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi cũng tăng trưởng khá (tăng 8,1%) trong khi chi phí hoạt động giảm (giảm 12,6%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HDB ghi nhận lợi nhuận thuần đạt 2.322 tỷ đồng (tăng 30,8%). Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của HDB, là chính sách cắt giảm chi phí nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ Covid-19. Cụ thể, chi phí hoạt động của HDB trong quý II giảm 28,4% so với cùng kỳ và giảm 43,1% so với quý trước. Trong quý I, chi phí hoạt động tăng mạnh do HDB trích trước dự phòng nhằm chuẩn bị cho những ảnh hưởng của Covid-19.