Trước hết, phải ghi nhận sự nhiệt tình lẫn sự dũng cảm của Trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, khi quyết định bấm máy bộ phim “Những ngày không quên”. 40 tập phim được làm gấp rút là nỗ lực lớn của ê-kíp thực hiện, từ biên kịch, đạo diễn cho đến diễn viên, kỹ thuật…
Tối 6-4, tập đầu tiên của “Những ngày không quên” đã được công chiếu trên VTV1. Có thể xem như thành công bước đầu về đảm bảo thời gian thực hiện và kế hoạch phát sóng. Những người làm phim “Những ngày không quên” không ngần ngại phô bày sự tính toán khôn ngoan, bằng cách trưng dụng hệ thống nhân vật đã quen thuộc với khán giả qua 2 bộ phim “Về nhà đi con” và “Con gái nhà người ta”, để tiếp tục kể các tình huống cười khóc thời Covid-19. Ưu điểm trước mắt là khán giả từ sự yêu thích 2 bộ phim trước mà dành thiện cảm cho “Những ngày không quên”.
Dàn diễn viên “Về nhà đi con” được trưng dụng lại trong “Những ngày không quên”.
Tuy nhiên, nhược điểm là dẫn dắt tính cách nhân vật cũ sang chiều hướng mới sẽ tạo ra độ vênh trong xu hướng cảm thụ. Mặt khác, 2 bối cảnh thành thị và nông thôn hoàn toàn dị biệt của 2 bộ phim, khi gộp chung vào một phim có cảm giác giống như nồi lẩu thập cẩm.
Là người chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim “Những ngày không quên”, NSƯT Đỗ Thanh Hải chia sẻ tương đối lạc quan: “Một trong những thách thức đặt ra với bộ phim là làm thế nào vừa mang tính tuyên truyền, vừa xen lẫn yếu tố giải trí, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả truyền hình.
Bên cạnh các mối quan hệ gia đình đan xen tạo nên sức hút gần đây cho phim truyền hình Việt, những vấn đề nhức nhối thời sự xung quanh dịch bệnh như đổ xô đi tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tin giả, trốn cách ly… cũng đã được lồng ghép vào, hứa hẹn tạo nên sức hút mạnh với công chúng.
Để chuẩn bị cho bộ phim này, Đài truyền hình Việt Nam quyết định dừng phát sóng bộ phim “Đừng bắt em phải quên”, sau khi trình chiếu được 9 tập. Giữa đại dịch toàn cầu, có nhiều thứ phải chấp nhận thay đổi và xáo trộn, nên tạm dừng phát sóng “Đừng để em phải quên” cũng bình thường. Tuy nhiên, quỹ thời gian để làm phim về Covid-19 cho kịp phát sóng là điều cần đắn đo. Nghệ thuật không thể vội vàng, và nghệ thuật càng không thể cưỡng cầu. Bộ phim “Những ngày không quên” chỉ có 3 tuần để đi từ ý tưởng của ê-kip đến ánh mắt của khán giả, kể ra cũng là chuyến phiêu lưu vừa hồi hộp vừa cam go.
Bộ phim “Những ngày không quên” xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Sơn và người dân làng Yên bất ngờ biến động khi dịch Covid-19 bùng phát. Tình huống éo le, nhưng giải quyết ra sao để thành nội dung đích thực không dễ, dù chẳng ai nghi ngờ tài năng diễn xuất của các diễn viên Trung Anh, Bùi Bài Bình, Tiến Quang, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Phương Oanh, Quốc Trường…
Công chúng hoàn toàn không khó nhận ra những chi tiết ngoài đời như tin giả về chuyện “phun thuốc khử trùng trên bầu trời toàn quốc”, hoặc những bài thơ ầu ơ ví dầu về “xịt cồn rửa tay”, được đưa vào phim một cách hào hứng nhưng lại không tạo được cảm giác thú vị.
Cảnh trong phim “Những ngày không quên”.
Phim truyền hình đề cập trực tiếp đến thời sự, dĩ nhiên không ngoài mục đích tuyên truyền. Nếu “Những ngày không quên” chỉ dừng ở mức độ nói kịp thời và nói đúng đắn như một bản tin phản ánh Covid-19, công chúng cũng không nỡ buồn phiền.
Tuy nhiên, xoay quanh đại dịch toàn cầu, bộ phim “Những ngày không quên” chênh vênh giữa khái niệm phim tài liệu và phim nghệ thuật, nên đành ứng dụng lời thoại tung hứng gây cười giữa các diễn viên. Được chờ đợi nhất ở bộ phim “Những ngày không quên” là vai Sơn của NSND Trung Anh. Nhưng vai Sơn ở “Về nhà đi con” và vai Sơn trong “Những ngày không quên” lại có khoảng cách nhất định do sự lèo lái của kịch bản được chắp vá theo nhu cầu thời sự.
NSND Trung Anh nhận định về vai ông Sơn: “Bộ phim “Về nhà đi con” được đón nhận vì sao? Bởi nó chính là con người, ở từng con người trong xã hội bây giờ, ai cũng thấy có một chút mình ở trong đó, ai cũng thấy có bóng dáng của bà hàng xóm nhà mình ở trong đó… Bộ phim thành công có lẽ ở việc kêu gọi đề cao giá trị gia đình, giá trị từ mối quan hệ ruột thịt, yêu thương, đùm bọc chia sẻ. Tất cả những cái đó cùng với sự dung dị, đời thường làm nên sự thành công cho bộ phim.
Có lẽ, thực sự tôi cũng nhát tay nên khi phải diễn cảnh tát đi tát lại các con nhiều lần. Nhưng vui nhất, xúc động nhất là cảnh quay 4 bố con. Tôi thật vui vì những cảnh quay đó đã chạm đến trái tim của nhiều người. Nói thật, đến bây giờ, tôi vẫn ám ảnh và không dám xem lại cảnh ông Sơn đến nhà thông gia và khi dắt xe về, Thư chạy ra ôm chầm lấy bố, ông Sơn nói: “Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều…”.
Có thể nói, trong bộ phim này dường như diễn viên sử dụng rất ít kỹ thuật diễn, tất cả đều sống, hóa thân với nhân vật của chính mình. Dù vậy, trong bộ phim “Những ngày không quên” cũng 4 bố con ông Sơn, nhưng lại loay hoay giải quyết bài toán xa lạ với họ. Cho nên, nhân vật ông Sơn chỉ còn lại tính thuyết phục ở khuôn mặt khắc khổ và nụ cười hiền lành.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết diễn viên đều khá rụt rè khi nói đến vai diễn của họ trong bộ phim “Những ngày không quên”. Từng trải và bản lĩnh như NSND Trung Anh cũng không dám chắc thiện cảm của khán giả từ “Về nhà đi con” có còn được duy trì cho đến tập cuối “Những ngày không quên”.
Hoàn thành vai Sơn trong bộ phim “Những ngày không quên” giữa bối cảnh cách ly xã hội, NSND Trung Anh thổ lộ: “Đối với diễn viên, ngoài những thứ trời cho như nhan sắc, năng khiếu, đam mê là điều quan trọng nhất, sau đó đến sự rèn giũa, nỗ lực vươn lên… Hạnh phúc với tôi hiện tại là những bữa cơm quây quần bên gia đình và được thử sức với những dạng vai mới. Thành danh không có nghĩa là ngừng cống hiến”.