Hoạt động của phòng khám và quán bar trên tầng 19 khu chung cư cao cấp bậc nhất Hà Nội Pacific Place trên phố Lý Thường Kiệt khiến không gian sống triệu đô thành nơi “ồn ào không thể chịu nổi”, đã mở ra một góc nhìn khác về cuộc sống của cư dân tại các chung cư cao cấp. Không chỉ phải tranh đấu vì phí dịch vụ, chỗ đậu ô tô… cư dân ở những tòa nhà có giá hàng tỷ đồng này còn đối mặt với những nỗi khổ không lời.
Đồng cảnh ngộ, tại chung cư cao cấp Licogi 13 trên đường Khuất Duy Tiến, xưởng mộc hoạt động suốt ngày đêm tại tầng 1 không chỉ gây ra tiếng ồn, bụi bẩn, mùi hóa chất mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào.
Chung cư cao cấp N05, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) nhộn nhịp hoạt động của nhiều nhà hàng khiến cả tòa nhà như bị “hun” bởi đủ loại mùi thức ăn. Mới đây nhất, thanh tra Bộ Xây dựng đã phải vào cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định về quy hoạch xây dựng, quản lý chất lượng công trình, hoạt động kinh doanh… tại một số khu đô thị đình đám.
Bên cạnh đó, những tranh chấp quanh sở hữu chung - riêng, hầm đỗ xe, giá dịch vụ chung cư đã trở nên quá quen thuộc tại các tòa nhà cao cấp như Keangnam, The Manor, Golden Westlake, Sky City Tower…
Theo các chuyên gia về quản lý đô thị, cách quản lý hiện nay chưa bắt đúng bệnh nên khó chữa khỏi bệnh. Mặc dù đã có đầy đủ quy định pháp luật về quản lý chung cư, nhưng cho đến nay việc thực thi chưa được như mong đợi. Thí dụ, theo quy định của Luật Nhà ở, mỗi tòa chung cư phải bầu Ban quản trị tòa nhà để quản lý thay cho chủ đầu tư, song tới nay số ban quản trị được lập ra chưa được bao nhiêu.
Điều này dẫn đến khi xảy ra tranh chấp, các cư dân thay vì thông qua ban quản trị lại phải tự mình biểu tình để gây áp lực với chủ đầu tư. Về mặt pháp luật, chủ tài sản có quyền và trách nhiệm quản lý tài sản của mình. Chung cư là tài sản đặc thù, trong đó có 2 quyền tài sản: riêng là các căn hộ người mua và chung là những công trình sử dụng chung. Tuy nhiên những người chịu trách nhiệm cuối cùng là người đã mua, đang ở trong tòa nhà.
Trên thực tế, có nghịch lý là dường như chung cư càng cao cấp, càng dễ xảy ra xung đột và tranh chấp. Chung cư càng đắt, yêu cầu của cả người dân và chủ đầu tư càng cao và tình trạng “không ai nhịn ai” là điều dễ xảy ra.
Điều này cho thấy dù cao cấp hay thấp cấp, cuộc sống tại chung cư - những ngôi “làng” hiện đại - đang tiềm ẩn những xung đột mà các cơ quan chức năng khó giải quyết được một cách rạch ròi. Bởi quyền hạn của người mua nhà, trực tiếp sinh sống trong chung cư đến đâu vẫn chưa rõ.