1. Gần 6 giờ chiều, trời đã nhá nhem tối, các tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn quận Gò Vấp lại lên đường đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng chống dịch. Trong những lần đến nhà dân, tổ Covid-19 cộng đồng còn thường xuyên theo dõi, giám sát ai có biểu hiện ho, sốt để báo lại cho cán bộ y tế ngay lập tức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Không ít các trường hợp bệnh nhân Covid-19 được phát hiện qua việc sàng lọc ho, sốt do tổ Covid-19 cộng đồng phát hiện.
Bà Nguyễn Thị Ái Trang (70 tuổi, ngụ phường 17, quận Gò Vấp) cho biết, bà thuộc lòng những quy tắc phòng dịch mà tổ Covid-19 cộng đồng triển khai. “Trước đây, mỗi buổi sáng tôi đều ra công viên tập thể dục, rồi đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà. Nhưng khi các anh chị tổ tư vấn tuyên truyền, ai nấy bảo nhau hạn chế tụ tập đông người, tôi cũng hạn chế và thay đổi thói quen sinh hoạt; thức ăn cũng dùng dần 2-3 ngày mới đi mua”, bà Ái Trang nói.
Theo BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, đến nay trên địa bàn quận đã thành lập 1.278 tổ Covid-19 cộng đồng với 2.445 thành viên. “Hầu hết nhân viên tổ Covid-19 cộng đồng là lực lượng không chuyên ở khu dân cư, trong tâm dịch rất vất vả, họ đến từng hộ gia đình để nhắc mọi người chung tay phòng chống Covid-19, nhắc nhở mọi người ở trong nhà, không ra ngoài tập thể dục thể thao, khai báo y tế. Hầu hết mọi người đều nhận thức được việc chống dịch như chống giặc, thậm chí còn giám sát chéo nhau, nếu có trường hợp không chấp hành còn báo cáo lại tổ Covid-19 cộng đồng để nhắc nhở”, BS Nguyễn Trung Hòa cho hay.
Còn theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), các tổ Covid-19 cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chuyên môn, chính quyền địa phương thì các tổ Covid-19 cộng đồng đã đưa ngay các biện pháp phòng chống dịch đến từng hộ gia đình, từng nhà. Đây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia chống dịch.
2. Đúng 8 giờ ngày 24-2, chúng tôi theo chân BS Vũ Đức Diễn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế quận 12, tới điểm lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chợ An Sương những ngày sau tết. Làm việc xuyên trưa, không có giờ nghỉ là chuyện diễn ra hàng ngày với lực lượng nhân viên y tế nơi đây. BS Vũ Đức Diễn cho biết, lo lắng nhất là khi đến gặp đối tượng điều tra F thì họ lại trốn tránh, không cho gặp, tiếp xúc. Họ sợ đưa đi cách ly. Đây là cái khó với người làm công tác dịch tễ, trong việc xác định họ là F mấy để tiếp tục truy vết…
Nhớ lại những ngày truy vết F trước và sau tết, BS Vũ Đức Diễn cho biết, khi nhận thông tin trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây có ca dương tính SARS-CoV-2 (bệnh nhân 2.018), anh cùng hàng chục cán bộ dịch tễ, y tế phường và các lực lượng khác tức tốc có mặt nơi bệnh nhân ở, tiến hành truy vết F1, F2. Điều khó khăn cho anh và các thành viên là bệnh nhân chỉ tạm trú ở địa phương, khu nhà trọ của bệnh nhân sát bên chợ tự phát với hàng trăm người cần truy vết nên công việc khá căng thẳng; trong khi việc truy vết nếu chậm giờ nào hậu quả sẽ rất nặng nề. “Tôi và đồng đội thay phiên nhau động viên bệnh nhân 2.018 khi nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện bị stress nặng, quên hết mọi thứ, vừa phối hợp với phường Trung Mỹ Tây để tổ chức công tác cách ly tạm thời khu dân cư. Công việc kéo dài từ 8 giờ sáng đến 23 giờ ngày 8-2 mới kết thúc, kết quả truy vết được hơn 300 trường hợp F1”, BS Vũ Đức Diễn chia sẻ.
3. Nếu như các tổ Covid-19 cộng đồng hay đội y tế dự phòng truy tìm F làm việc không mệt mỏi thì đội ngũ xét nghiệm tại HCDC, Viện Pasteur cũng ngày đêm miệt mài “làm bạn” với virus, với mẫu bệnh phẩm. Thậm chí họ còn sẵn sàng đến tận hiện trường, tận cơ sở để lấy mẫu, vận chuyển, mã hóa, tách chiết… một cách thần tốc để đáp ứng nhanh nhất cho công tác phòng chống dịch.
TS-BS Hoàng Quốc Cường, Viện phó Viện Pasteur TPHCM, cho biết, bên cạnh yêu cầu nhanh để đáp ứng yêu cầu thần tốc trong công tác phòng chống dịch thì độ chính xác là cực kỳ quan trọng. “Sự không chính xác trong công tác xét nghiệm ẩn chứa những hệ lụy khó lường với những mối nguy và ảnh hưởng nặng nề. Nếu người dương tính nhưng kết quả âm tính thì sẽ là mối nguy mất an toàn, bỏ sót người nhiễm bệnh và có thể trở thành nguyên nhân lây lan dịch bệnh. Ở chiều ngược lại, sẽ tạo nên những thiệt hại kinh tế, lãng phí nguồn lực…”, TS-BS Hoàng Quốc Cường nói.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm HCDC, chia sẻ, là đơn vị “đứng mũi chịu sào” trong dịch Covid-19, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, không kể ngày thường hay ngày lễ, tất cả nhân viên của HCDC đều không được nghỉ phép. “Những ngày thành phố trong guồng quay của dịch là những ngày HCDC huy động toàn bộ nhân lực, sáng đèn suốt đêm, thay nhau hoạt động 24/24 giờ. Từng bộ phận ai vào việc nấy, khẩn cấp lên đường, đội giám sát đi từng khu cách ly kiểm tra; đội điều tra, truy vết lên đường đến từng nhà dân; đội phân tích đánh giá nguy cơ sáng đèn suốt đêm tìm ra các mối liên quan giữa từng ca bệnh… Ai cũng hối hả, tất bật với công việc, chỉ vì mục tiêu duy nhất chặn đứng được chuỗi lây nhiễm, không để lây lan ra cộng đồng”, BS Lê Hồng Nga cho hay.
“365 ngày thầy thuốc” tôn vinh những chiến sĩ áo trắngNăm 2020 là năm không có lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 do toàn ngành y tế phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 lúc dịch mới bùng phát. Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp nhân viên y tế không có lễ kỷ niệm do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức chọn năm 2021 là Năm quốc tế của nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc (Year of the Health and Care Workers 2021 - WHO). Ý nghĩa của chiến dịch này không ngoài mục đích tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu trong thời gian qua, cũng như để tưởng niệm những thầy thuốc đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội với nhân viên y tế về điều kiện làm việc và chăm lo sức khỏe cho nhân viên y tế trên toàn thế giới. Cùng động viên toàn thể cán bộ, nhân viên y tế, điều dưỡng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ, toàn ngành y tế phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhưng người thầy thuốc sẽ không đơn độc, không còn cảm giác lạ, cảm giác hụt hẫng khi không có một ngày lễ dành riêng cho ngành mình nhưng bù lại có đến 365 ngày của năm 2021 để cả thế giới tôn vinh những chiến sĩ áo trắng đã không mệt mỏi trong cuộc chiến với SARS-CoV-2. Chiến dịch “365 ngày thầy thuốc” của Tổ chức Y tế thế giới không chỉ đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của lực lượng thầy thuốc toàn thế giới mà còn phản ánh đúng sự trân quý của xã hội dành cho các thầy thuốc Việt Nam khi họ đã nỗ lực hết mình, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày tết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch như chống giặc, giữ cuộc sống yên bình cho người dân thành phố. |