Cũng ở Cầu Giấy, nam thanh niên 30 tuổi có thu nhập 260 tỷ đồng/năm nhờ viết và đăng tải các phần mềm lên mạng, hiện nộp thuế hơn 18 tỷ đồng. Năm 2020, Chi cục Thuế quận Cầu Giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng.
Trước đó tại Đà Nẵng, một người trẻ tuổi khác mà báo Tuổi trẻ gọi là Cường, đã chủ động khai nộp thuế lên tới 23,5 tỷ đồng. Trước hiện tượng được coi là khác lạ này chúng ta thấy được điều gì?
Đó là ý thức công dân trong việc đóp góp cho xã hội. Một số người nói như thế là dại, cứ ỉm đi có ai biết, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ gần đây nhất, nhà lập trình tên Cường đang sống ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng tự nguyện đến nộp 23,5 tỷ đồng trong sự ngỡ ngàng của ông Lê Tự Cư, Phó Chi cục Thuế quận Hải Châu.
Anh Cường đã nói: “Theo tôi, muốn theo con đường chuyên nghiệp, phát triển lên tầm vóc lớn hơn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, nghĩa vụ với Nhà nước. Là công dân trách nhiệm với Nhà nước phải rõ ràng, nên đóng thuế đúng, đủ”.
Nếu biết rằng từ 2015-2019 anh này cất công đi đến Chi cục Thuế quận rồi đến Cục Thuế Đà Nẵng để nộp thuế, trong khi cơ quan thuế vụ không biết nên thu thuế như thế nào, bởi đây là lĩnh vực hoạt động mới, không có quy định trong danh mục nộp thuế.
Từ thực tế này cho thấy điều rất quan trọng trong thời đại 4.0, quy trình, quá trình sản xuất đã thay đổi về bản chất. Trước đây để làm ra vài trăm tỷ đồng/năm, nhà sản xuất cần vốn rất lớn như tiền, nhân công, vật tư, đặc biệt đất đai để làm nhà xưởng, kho bãi.
Nhưng với các “nhà sáng tạo” chỉ cần không gian hẹp, vài cái máy tính và thiết bị kỹ thuật là có thể tạo ra giá trị thặng dư. Do vậy, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên việc mở rộng đất đai, khai thác tài nguyên thô, sử dụng kỹ thuật cũ, huy động nhân lực đông hoàn toàn lạc hậu.
Xu thế này hiện đang được nhiều quốc gia thực hiện, khi không khai thác quỹ đất mà tập trung chủ yếu khai thác theo chiều sâu. Ngay những nước không có thế mạnh về nông nghiệp nhưng cũng tự túc một phần lương thực, thực phẩm theo xu hướng này.
Chẳng hạn, Dubai sản xuất rau quả sạch theo chu trình khép kín trong một tòa nhà cao tầng chỉ hơn 1ha. Chính vì điều này, trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh “phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.
Điều quan trọng nữa chúng ta phải nhận ra từ những trường hợp trên, là muốn phát triển phải phát hiện và tạo điều kiện cho các cá nhân xuất sắc đóng vài trò hạt nhân dẫn dắt cuộc chơi lớn, cũng như hình thành những địa điểm hấp dẫn có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nói chúng ta phải tạo ra các tổ đại bàng để đón những con đại bàng thực hiện các cuộc chơi lớn mang tầm quốc tế. Nhưng vấn đề quan trọng ai là người tạo ra cái tổ đó? Tạo ra nó bằng cách nào? Và liệu làm xong cái tổ đó có đón được đại bàng?
Cô gái 9X có thu nhập 330 tỷ đồng nhờ viết phần mềm đã tự giác đến nộp thuế thu nhập.
Nhà nước đang tạo ra 2 tổ đại bàng lớn là khu đô thị sáng tạo Hòa Lạc (Hà Nội) và TP Thủ Đức (TPHCM). Chính phủ và chính quyền địa phương đang đầu tư lớn cho 2 nơi này, hy vọng sẽ tạo ra cú đột phá cho phát triển kinh tế- xã hội. Đó là cách thực hiện bắt đầu chủ yếu từ đầu tư công, nhưng còn cách khác do chính những con đại bàng tạo ra.
Nên biết, Silicon Valley ở California ra đời năm 1970 từ 4 sinh viên Trường Đại học Stanford. Trong khi thiết kế phần mềm máy tính cho quân đội, họ đã đưa ra ý tưởng hình thành một nơi những nhà khoa học trẻ được thỏa sức sáng tạo trong điều kiện tuyệt hảo nhất. Từ ý tưởng này, các công ty lớn lần lượt kéo nhau về như Xerox, HP, IBM, Google, Apple, Facebook… để rồi dần hình thành nên Silicon Valley danh tiếng ngày nay.
Như vậy các nhà sáng tạo trẻ của Đà Nẵng không chỉ làm kiếm tiền và đóng thuế, họ còn muốn tạo ra cái gì đó tựa như Silicon Valley ở Đà Nẵng.
Hãy nghe anh Cường và các công sự nói về ước mơ lớn, cháy bỏng của họ: “Mơ ước của tôi là xây dựng một tổ hợp không gian sáng tạo, nơi các cá nhân, đội nhóm trẻ có điều kiện phát triển phần mềm. Mình làm mở đường, làm gương để kéo theo những bạn trẻ khác chủ động phát triển, vươn ra bên ngoài, không nên mãi đi gia công cho người ta. Phải làm được cái gì đó khẳng định được tầm nhìn và trí tuệ Việt Nam”.
Không biết lãnh đạo của Đà Nẵng có nghe và đón nhận ý tưởng tuyệt vời này của các bạn thế hệ 9X? Tôi có niềm tin vững chắc rằng nếu có cơ chế tốt, có sự hỗ trợ từ chính quyền về pháp lý, cơ sở vật chất, vốn ban đầu, chắc chắn một ngày không xa Đà Nẵng sẽ có một Silicon Valley đúng nghĩa. Họ chính là những con đại bàng của Đà Nẵng đang đợi cơ hội sải đôi cánh rộng trên bầu trời quê hương.
Và từ họ, những con đại bàng những nơi xa sẽ gọi nhau tới tụ hội. Chính Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg và những “quái nhân” khác tạo nên Silicon Valley, không phải Silicon Valley tạo nên họ. Hãy bắt đầu từ những hạt nhân ban đầu như thế, bé nhỏ thôi nhưng rất tiềm năng và cực kỳ mạnh mẽ. Chính họ biết cần phải làm gì, từ đâu và như thế nào.
Nếu không có được những con đại bàng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, những thành phố sáng tạo như Hòa Lạc, Thủ Đức rất có thể trở thành nơi gia công các sản phẩm sáng tạo được đưa từ bên ngoài, cho dù sử dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật bậc cao cũng chỉ là địa chỉ gia công cao cấp mà thôi.
Những con đại bàng như thế không thiếu ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Vấn đề là làm sao phát hiện ra họ, hỗ trợ, khích lệ họ bung xỏa năng lượng trí tuệ cho quê hương. Hãy bắt đầu từ những con đại bàng nội địa ấy.
Một cô gái 28 tuổi làm ra 330 tỷ đồng/năm (lãi ròng) hơn rất nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mà “chết mãi không chôn được”.