Song ít ai biết rằng ông đã bước vào điện ảnh trước tiên bằng 4 bộ phim tài liệu, mà 1 trong số đó là “Tháng Năm - Những gương mặt”, bộ phim được thực hiện trong ngày 1-5-1975 tại thành phố Sài Gòn mới được giải phóng đúng 1 ngày.
Tháng 4-1975, khi cả nước đang hồi hộp theo dõi từng bước tiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - tại Xưởng phim truyện Việt Nam (Hà Nội), đội ngũ các nhà làm phim, trong đó có đạo diễn Đặng Nhật Minh, khi ấy mới 37 tuổi, đã nhận lệnh cấp trên để lập tức tiến vào miền Nam, làm nên những bộ phim tài liệu lịch sử.
Đến trưa 30-4, khi đoàn xe của các nhà làm phim đang nghỉ ở Phan Thiết, đạo diễn Đặng Nhật Minh bật đài lên và nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ hạ súng và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ông và đồng nghiệp lập tức lên xe thẳng tiến về Sài Gòn. 20 giờ ngày 30-4, xe của đạo diễn Đặng Nhật Minh lăn bánh trên Xa lộ Biên Hòa. Càng tiến gần về Sài Gòn, xe càng đi chậm vì tắc đường.
Đêm 30-4, xe chở đoàn làm phim tiến vào Dinh Độc Lập, giữa 2 cánh cổng đã bị húc đổ từ trưa, trên nóc Dinh có 2 lá cờ của Quân Giải phóng - một lá cờ to và một lá cờ nhỏ. Hình ảnh ấy đã trở thành bản tráng ca trong trái tim những nghệ sĩ có mặt. Đêm hôm đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh không sao chợp mắt được vì xúc động, cứ ngỡ như nằm mơ vì được có mặt tại nơi minh chứng cho chiến tranh oanh liệt của quân và dân ta.
1 giờ sáng ngày 1-5, đạo diễn Đặng Nhật Minh yêu cầu đoàn phim của mình làm việc ngay lập tức, thu lại những hình ảnh đầu tiên cho “Tháng Năm - Những gương mặt”. Những ngày sau đó, sáng nào đoàn của ông cũng cùng nhiều đoàn khác đi quay. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim được quay theo 2 chủ đề chính: Sự hân hoan của người dân Sài Gòn sau giải phóng và tàn dư của một xã hội thực dân kiểu mới.
Nói đến sự hân hoan, đó là hình ảnh của các đoàn sinh viên, thanh niên tuần hành trên đường phố, “một biển cờ, biển biểu ngữ, biển nụ cười, biển tình thương”. Ở thái cực trái ngược lại, hình ảnh những người ăn mày trên vỉa hè, đường phố, các ổ gái mại dâm, hút chích, nhiều trẻ nhỏ bơ vơ... trên các vỉa hè, chính là hiện thân của một chế độ cũ cần loại bỏ.
Cảm xúc hân hoan, nụ cười rạng rỡ thể hiện trên gương mặt của nhiều người dân Sài Gòn và những tàn dư của một chế độ cũ. Rồi cờ hoa, biểu ngữ ngợp trời trong ngày non sông về chung một mối. Và từ những cảnh quay ấy vào lúc 1 giờ sáng 1-5 này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đặt tên cho bộ phim là: “Tháng Năm - Những gương mặt”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại: “Việc quay phim thời đó vô cùng khó khăn, phương tiện kỹ thuật không như bây giờ, nhưng anh em nghệ sĩ vẫn cùng nhau nỗ lực làm tốt nhất có thể. Anh em vất vả di chuyển máy như muốn ghi lại tất cả, không bỏ sót hình ảnh nào giữa thời khắc lịch sử”. Và bộ phim kết thúc một cách tươi sáng, gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng bằng những hình ảnh bầu trời và non nước Việt Nam, cùng với những gương mặt tươi cười của người lính, những nụ cười trong trẻo và hồn nhiên của các cháu thiếu nhi.
“Tháng Năm - Những gương mặt”, một trong những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam khắc họa chân thực cuộc sống người Sài Gòn những ngày đầu sau giải phóng. “Độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nỗi khát khao cháy lòng đã bao năm tháng bỗng mai nay trở nên một điều có thật. Những niềm hân hoan, xúc động. Những nỗi ngạc nhiên. Những giây phút bàng hoàng này cho mãi tới mai sau sẽ còn lay động lòng những người dân Sài Gòn” - mỗi câu, từ thuyết minh phim đều thấm đẫm niềm tự hào, xúc động.
Đặc biệt, phim tài liệu “Tháng Năm - Những gương mặt” không chỉ khắc họa 2 sắc thái của Sài Gòn khi thành phố bước sang trang sử mới với góc nhìn đầy nhân văn, còn định hình ngôn ngữ điện ảnh đậm chất Đặng Nhật Minh, một “giọng nói” không thay đổi trong suốt sự nghiệp điện ảnh đến nay đã gần 60 năm của ông.
“Thôi, vĩnh biệt những đêm dài lo âu thao thức trong ánh đèn mù. Thôi, từ nay giấc ngủ con cái chúng ta sẽ không còn bị khuấy động bởi tiếng bom đạn gầm rú” - đạo diễn Đặng Nhật Minh nói trong phim.
Tại Sài Gòn lúc đó, một phóng viên người nước ngoài đã nói với đoàn làm phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Quả thật, chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng điều làm chúng tôi khâm phục nhất là những người lính của các anh”. Và chính những người thực hiện bộ phim này cũng nhận ra những chiến sĩ của chúng ta là niềm kiêu hãnh nhất trong buổi sáng tháng 5-1975.
“Tháng Năm - Những gương mặt” cùng với “Sài Gòn tháng 5 năm 1975” của đạo diễn Bùi Đình Hạc, “Thành phố lúc rạng đông” - đạo diễn Hải Ninh… thuộc nhóm những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam ghi lại chân thực cuộc sống của thành phố Sài Gòn ngày đầu sau giải phóng, trở thành khối tư liệu lịch sử quý giá cho các lớp thế hệ sau này.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 tổ chức năm 1977 tại TPHCM, bộ phim tài liệu “Tháng Năm - Những gương mặt” đã đoạt giải Bông Sen Bạc, là giải thưởng đầu đời của vị đạo diễn tài ba Đặng Nhật Minh.
Với những đóng góp của mình, ông được trao tặng danh hiệu NSND năm 1993; Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Ông còn được tặng nhiều giải thưởng về điện ảnh: 4 giải Bông sen vàng, 4 giải Bông sen bạc tại các liên hoan phim quốc gia, 12 giải thưởng quốc tế; năm 2011 được Hội Điện ảnh Việt Nam tặng Cúp vinh danh nghệ sĩ cống hiến xuất sắc cho nền điện ảnh dân tộc…
Ngày 10-10-2016, ông được vinh danh là “Công dân ưu tú Thủ đô”, do những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.