Những 'tiền đề' cụ thể cho năm 2024

(ĐTTCO) - Thang tăng trưởng của TPHCM qua 4 quý đã phản ánh khá chính xác mức độ của ngoại lực tác động và nội lực chống chịu của thành phố vốn đã được dự báo sớm tình hình, dự toán nguồn lực và dự phòng các giải pháp.

Tăng trưởng năm 2023 đang ước đạt 5,8%, cao hơn tăng trưởng quốc gia dự kiến đạt trên 5-5,2%.

Kết quả này được tạo dựng từ hành động thống nhất và xuyên suốt để ngay ở “điểm nút” của giới hạn phát triển, TPHCM đã kịp thời ban hành các quyết sách có tính chiến lược và tháo gỡ các nút thắt.

Phải nhìn nhận các bước khởi động của Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 và nhất là Nghị quyết 98/2023/QH15, là lực đẩy mạnh mẽ cho các nấc thang tăng trưởng TPHCM khởi sắc theo các quý.

Thành phố cũng bắt tay điều chỉnh quy hoạch để gắn với kế hoạch triển khai các mô hình phát triển mới

Từ nghị quyết đã thành từng đầu việc cụ thể mà qua 3 kỳ họp HĐND TPHCM trong 2 tháng vừa qua đã bấm nút thông qua. Tại kỳ họp HĐND thứ 13 đang diễn ra, UBND TPHCM trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình được cử tri quan tâm. Đó là cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Vĩnh Lộc, Vành đai 2 - đoạn 2 (từ nút giao Phạm Văn Đồng đến ngã tư Bình Thái), mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp đến nút giao với đường Nguyễn Duy Trinh dài hơn 1km…

Bên cạnh đó, nhờ vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, chúng ta áp dụng trở lại hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) theo phương án trả chậm bằng ngân sách, tức doanh nghiệp làm xong ở giai đoạn này sẽ được thanh toán vào kỳ sau, đã giải quyết được bài toán vốn mà nhiều năm qua ngân sách chưa thể cân đối - thay cho phương thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước.

Qua đó, nhiều công trình hạ tầng được “tháo treo”. Thành phố cũng bắt tay điều chỉnh quy hoạch để gắn với kế hoạch triển khai các mô hình phát triển mới như đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nhà ga metro, nút giao Vành đai 3…

Ngay khi đón nhận kết quả tăng trưởng thấp ở quý 1, bên cạnh việc giải quyết “bổ đề” phục hồi kinh tế, lãnh đạo thành phố đã chuẩn bị nguồn lực cho mạng lưới an sinh sẽ lan rộng - len sâu vào các nhóm người nghèo, mất việc, yếu thế…

Lần đầu tiên trong cả nước, Quỹ An sinh xã hội ra đời, từng bước “cơ chế hóa” để đảm bảo tính bền vững, chuyên nghiệp trong công tác hỗ trợ, chăm lo người yếu thế.

Trên bình diện quốc gia, sự ổn định về chính trị, sự minh bạch của các khung pháp lý, nhất là thể chế hóa các quyết sách lớn để tháo gỡ các vướng mắc, mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới, phù hợp, khơi thông mãi lực thị trường đã mang lại kết quả tích cực trong điều hành và tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Đó là tiền đề vững chắc để dẫn dắt những định hướng lớn cho năm 2024, trên những mặt cơ bản. Trong đó, tiếp tục duy trì và bảo vệ thành quả của sự ổn định chính trị - xã hội, lấy đó vừa là mục tiêu vừa là công cụ để phấn đấu và thực hiện trong bối cảnh thị trường quốc tế, khu vực sẽ chịu nhiều biến động, phức tạp hơn.

Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, nhất là những dự án hạ tầng quy mô lớn, để vừa tạo “vốn mồi” cho các ngành, lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ngân hàng, lao động đủ lực trở lại “đường đua”, vừa hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đặt trong bối cảnh quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM là quá trình tăng tốc thực thi Nghị quyết 98, trong đó chú trọng đến lộ trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM hay xúc tiến thành lập ban các công trình giao thông trọng điểm.

Các giải pháp cải cách hành chính và chuyển đổi số nên được triển khai mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả trên cơ sở chủ trương hình thành Trung tâm Chuyển đổi số thành phố nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.

Cuối cùng, các mô hình ý tưởng kinh doanh mới nên được bảo trợ về mặt ý tưởng, hỗ trợ về mặt chính sách để hình thành như một giải pháp chính với kênh mua bán truyền thống, tạo sức cạnh tranh lành mạnh ở những nền tảng kinh doanh mới (mà hình thức livestream “lên sóng bán hàng” là một ví dụ) để tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Các tin khác