Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho rằng, kỳ họp bất thường của Quốc hội, quyết định những vấn đề cấp bách, phù hợp với thực tiễn của đất nước, đó cũng là niềm mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp (DN) cần ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng như: ngành lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin. Ngành du lịch cũng rất cần được hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi khi các thị trường mở cửa trở lại.
“Các chính sách được đưa ra ở các góc độ đúng theo thực tế đời sống và nhu cầu mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới đây, cũng cần hỗ trợ thêm cho những ngành liên quan đến logistics và du lịch để phục hồi một trong những ngành mũi nhọn khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Trong kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phương Đông cho biết, việc tháo gỡ khó khăn cấp bách nhất đối với các doanh nghiệp là tháo gỡ về tiền sử dụng đất hiện quá cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại nên có khoản vay và tài trợ cho dự án, tránh tình trạng dự án đang triển khai bị chậm tiến độ do thiếu vốn.
“Thứ nhất về chính sách tài khóa, Quốc hội giao Chính phủ miễn giảm thuế và các chi phí, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp là rất kịp thời. Vấn đề tôi cũng mong muốn ở kỳ họp này là chính sách tiền tệ phù hợp với tình hình thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn mới, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Mong rằng sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ nhanh chóng triển khai. Doanh nghiệp cũng sẽ chuẩn bị tinh thần và chuẩn bị nguồn lực của mình để tiếp nhận được những chính sách hỗ trợ này”, ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến.
Về gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 110.000 tỷ đồng, theo ý kiến của các chuyên gia, đây là mức hợp lý dựa trên các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quá trình triển khai như thế nào để gói hỗ trợ này đến với những người được thụ hưởng một cách nhanh nhất, giảm bớt những thủ tục rườm rà và phải minh bạch, công khai, tránh tiêu cực và lợi ích nhóm. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện tài chính cho rằng, trước mắt cần xem xét các yếu tố tác động khi triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Gói hỗ trợ chủ yếu hướng đến giúp các doanh nghiệp giảm chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó, hạ thấp giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
“Từ việc hạ thấp giá thành, doanh nghiệp có thể hạ thấp hoặc thực hiện các chương trình khuyến mãi để thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nền kinh tế cũng như đảm bảo sức cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Như vậy, hướng của chúng ta sẽ là tiếp tục giãn, hoãn thuế, giãn hoãn các khoản tín dụng hoặc tái cấu trúc nợ vay để giúp doanh nghiệp có vốn để sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.