Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư (NCC).
Chủ sở hữu được bồi thường
Về thời hạn sở hữu NCC, Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu NCC được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án 2: Thời hạn sở hữu NCC theo quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất dự thảo quy định theo phương án 1.
Theo dự thảo luật trình Chính phủ, trường hợp NCC còn thời hạn sở hữu nhưng bị hư hỏng do sự cố, thiên tai, địch họa, cháy nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng, phải phá dỡ khẩn cấp thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo và di dời các chủ sở hữu NCC để phá dỡ, xây dựng lại và bố trí tái định cư.
Trường hợp NCC còn thời hạn sở hữu nhưng thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, chỉnh trang đô thị theo dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định thì các chủ sở hữu NCC có trách nhiệm di dời theo dự án và được bồi thường, bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Trường hợp NCC hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng theo kết luận kiểm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chủ sở hữu đề nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định.
Trường hợp NCC hết thời hạn sở hữu nhưng phải phá dỡ theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền thì chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với căn hộ NCC và thực hiện xử lý theo quy định của luật này.
Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt vẫn tiếp tục xây dựng lại NCC thì thực hiện phá dỡ để xây dựng lại. Trường hợp theo quy hoạch được phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại NCC thì chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Sở hữu 50 năm thì khác gì đóng khoản tiền lớn để đi thuê nhà
Ông Hoàng Phước, nhà ở khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng ông đã chọn mua căn hộ ở khu vực này để ở với hình thức sở hữu là lâu dài, trong khi với các căn officetel ở đây có thời hạn 50 năm thì giá thấp hơn đến 30%. Vì vậy, nếu nhà nước áp dụng NCC có niên hạn như đề xuất thì ông bị thiệt.
Theo chị Lê Thị Thanh Hằng - sống tại chung cư trên địa bàn quận 7, TP HCM - khi hết thời hạn sở hữu, nhà nước thu hồi chung cư để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị hoặc phục vụ mục đích khác thì người dân cần được tạo điều kiện tái định cư tại chỗ. "Căn hộ sở hữu 50 năm thì khác nào đóng một khoản tiền lớn để đi thuê nhà" - chị Hằng nói.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng dự thảo Luật Nhà ở lần trước đây Bộ Xây dựng đưa ra chỉ tham khảo ở một số nước để đưa ra niên hạn cho NCC với thời gian 50-70 năm, giống hình thức sở hữu condotel chứ không phải NCC sở hữu lâu dài. Việt Nam có quá trình lịch sử hình thành tập quán khác các nước, thực tế quỹ đất của Việt Nam cũng không phải thiếu cho phát triển lâu dài như ở Singapore.
"Việc sở hữu vĩnh viễn NCC không ảnh hưởng đến thế hệ sau nên việc áp dụng niên hạn cho Việt Nam không có tính logic. Ngoài ra, nếu áp dụng nó cũng tạo ra sự không công bằng cho người đã mua chung cư, bởi họ đã chấp nhận môi trường ở hiện đại để sở hữu chung cư nên áp dụng niên hạn là bất hợp lý" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.