Nỗ lực cung cấp đủ điện cho cả nước

(ĐTTCO) - Thời tiết ở 3 miền diễn biến khó lường, tuy nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương cho biết, sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ điện trong mọi tình huống.

Nhiều nơi nắng nóng, khô hạn

Hiện nay, nguồn điện chủ yếu dựa vào thủy điện. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tại khu vực Nam bộ và Tây Nguyên, năm nay mùa mưa đến muộn, khoảng cuối tháng 5 mới bắt đầu. Trong khi đó, tại miền Bắc và miền Trung, hiện mới đang khởi động mùa nắng nóng, nhiều nơi khô hạn.

Theo dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 trên phạm vi toàn quốc sẽ phổ biến cao hơn trung bình khoảng 0,5-1oC; riêng trong tháng 5 tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ, nhiệt độ cao hơn tới 1-2oC. Trong cả thời kỳ dự báo, toàn bộ các khu vực trên phạm vi cả nước có xu thế thiếu hụt mưa từ 10%-30% so với trung bình, trong đó khu vực Tây Bắc của miền Bắc và Trung bộ thiếu hụt mưa từ 30%-50%.

EVN khẳng định sẽ nỗ lực để đảm bảo cung ứng đủ điện cho cả nước trong tháng 5

EVN khẳng định sẽ nỗ lực để đảm bảo cung ứng đủ điện cho cả nước trong tháng 5

Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4, lưu lượng nước về các hồ thủy điện vẫn ở mức kém (trừ một số hồ thủy điện tại miền Bắc, miền Trung có lượng nước về cuối tháng 4 có phần được cải thiện).

Tổng sản lượng thủy điện theo nước về tháng 4 tương ứng 1,5 tỷ kWh điện, thấp hơn 477 triệu kWh so với kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng nước về đạt 6,61 tỷ kWh, thấp hơn khoảng 3 tỷ kWh so với kế hoạch. Do đó, trong tháng 4, sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống chỉ đạt 18,54 tỷ kWh, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 4 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 75,83 tỷ kWh, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do phải tăng từ nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Cụ thể, trong 4 tháng, điện từ thủy điện đạt 11,6 tỷ kWh, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2019, còn từ nhiệt điện than đạt 45,33 tỷ kWh, tăng 17,56% so với cùng kỳ năm 2019; từ nhiệt điện dầu đạt 1,02 tỷ kWh, tăng gần 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, nguồn từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) cũng được huy động tối đa, đạt 3,69 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 3,13 tỷ kWh, gấp 19,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Đảm bảo sản lượng và truyền tải

Theo EVN tính toán, trong tháng 5, dự báo có nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nên người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; đặc biệt nên cài đặt máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ ở 25-26oC vào ban ngày và 26-28oC vào ban đêm, vừa giúp giảm nguy cơ sự cố điện, vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao.

Tháng 5, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 704,5 triệu kWh, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 38.270MW. Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 5 là khai thác các nhà máy thủy điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương và mức nước giới hạn các hồ thủy điện; khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí theo khả năng cấp nhiên liệu; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam.

Còn theo báo cáo tháng 4 và kế hoạch tháng 5 của Bộ Công thương, quý 2 hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, ngành điện đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý 2.

Các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa theo khả năng cấp nhiên liệu, đồng thời khai thác thủy điện theo nước về, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du. Bên cạnh đó, vẫn phải huy động nhiệt điện chạy dầu theo phương thức và nhu cầu phụ tải. Cần đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, nhất là các nhà máy tại các trung tâm điện lực như Vĩnh Tân, Duyên Hải để đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống.

EVN cho biết, về truyền tải điện, trong tháng 4, truyền tải chủ yếu theo hướng Bắc - Trung - Nam. Mức truyền tải cao nhất trên hệ thống truyền tải Bắc - Trung là 2.190MW và Trung - Nam là 1.790MW. Sản lượng điện truyền tải tháng 4 đạt 15,65 tỷ kWh. Lũy kế 4 tháng đạt 63,51 tỷ kWh, tăng 1,25% so cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 5 này, EVN sẽ tăng cường các công tác quản lý vận hành, đảm bảo hành lang tuyến đường dây, lưới điện truyền tải, phục vụ truyền tải cao liên tục trong mùa khô, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500kV Bắc - Nam.

Nước mặn xâm nhập ở ĐBSCLvẫn duy trì ở mức cao

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện nay, dòng chảy trên các sông, rạch ở khu vực ĐBSCL vẫn duy trì ở mức thấp, mặn có xu hướng tăng nhẹ và vẫn ở mức cao trong tháng 5. Theo đó, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, nguồn nước vẫn ở mức thấp, tận dụng thời điểm bơm tát ở các vị trí xa kênh trục. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên 35-45km, sông Hậu 35-45km, sông Vàm Cỏ 110-130km, sông Cái Lớn 55-60km. Các sông Hàm Luông, cửa Đại và cửa Tiểu tận dụng thời điểm lấy nước vào kỳ triều thấp. Vùng ven biển ĐBSCL bao gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang duy trì các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt. Chủ động tích nước vào các thời điểm xuất hiện ngọt khi triều thấp.

Hiện chiều sâu xâm nhập mặn có xu thế tăng tại các cửa sông Cửu Long với ranh 4‰ xâm nhập tại các cửa sông, như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập mặn từ 79-130km; tại cửa Đại, cửa Tiểu 57km; Hàm Luông 78km; Cổ Chiên 43km; sông Hậu 40km; Cái Lớn 54km. Người dân sản xuất trong vùng tiếp tục gặp khó khăn do thiếu nước… Với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, dòng chảy thấp còn kéo dài trong tháng 5, mặn nền có xu hướng tăng nhẹ và vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Các địa phương cần vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này. Cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

PHAN THANH

Các tin khác