Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bài toán quy hoạch trường lớp đang đặt ra nhiều thách thức cho các quận huyện.
Chạy đua xây trường
Báo cáo tại Hội nghị giao ban về thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới và đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2020 - 2025 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức vào chiều 26-9, ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT TP), cho biết, tính đến tháng 9-2019, toàn TP có 832 dự án lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng số phòng học mới dự kiến tăng thêm là 15.867 phòng.
Trong đó, đã có 322 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với 5.883 phòng học mới. Hiện nay, TP đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), còn thiếu 22 phòng so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X.
một trong những ngôi trường vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu năm học 2019-2020.
Tuy nhiên, tỷ lệ này đang không đồng đều giữa các quận huyện. Cụ thể, một số địa phương đang có tỷ lệ khá khiêm tốn như: huyện Bình Chánh với 182 phòng học/10.000 dân; quận 12 có 185 phòng học/10.000 dân; quận Bình Tân có 187 phòng học/10.000 dân…
Theo tính toán của Sở GD-ĐT, số phòng học cần tiếp tục đầu tư xây mới từ nay đến năm 2020 là 7.045 phòng. Trong đó, bậc mầm non có nhu cầu bổ sung cao nhất với 3.440 phòng, kế đến là tiểu học với 2.506 phòng, hai bậc THCS và THPT cần bổ sung hơn 1.000 phòng học.
Thêm vào đó, để đảm bảo việc tổ chức 100% học sinh lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 được học 2 buổi/ngày và sĩ số 35 học sinh/lớp theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ tính riêng bậc tiểu học cần bổ sung thêm 1.039 phòng. Đánh giá về nhiệm vụ khó khăn này, đại diện Sở GD-ĐT TP bày tỏ, trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm TP tăng thêm 1.500 phòng học. Như vậy, nhu cầu phòng học cần xây mới từ đây đến năm 2020 tương đương 5 năm trước cộng lại.
Ngoài ra, theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP, hiện nhiều dự án xây dựng trường học trên địa bàn TP đang vượt chuẩn cho phép về định mức diện tích đất đầu tư xây dựng/học sinh, cụ thể là số phòng học/trường, sĩ số học sinh/lớp đều vượt chuẩn quy định. Trước thực tế này, UBND TP đã “đặc cách” xét duyệt tăng thêm tầng cao xây dựng đối với một số dự án xây dựng trường học nhằm tạo thêm chỗ học cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác xây dựng trường lớp ở các địa phương là thu hồi quỹ đất. Ông giải thích: “Quy hoạch mạng lưới trường lớp, địa phương nào cũng có nhưng không phải dự án nào cũng có sự hợp tác của chủ đầu tư. Vì vậy, để gỡ khó cho các quận huyện, TP cần có cơ chế, chính sách thu hồi đất phù hợp tình hình thực tế mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng”.
Quận huyện cần chủ động trong đầu tư xây dựng
Một thành viên Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 2 cho biết, theo quy hoạch mạng lưới trường lớp, khi đầu tư xây dựng một dự án công trình có hạng mục nhà ở, chủ đầu tư có nghĩa vụ đầu tư xây dựng hạ tầng đi kèm. Tuy nhiên, hiện đang có sự nhập nhèm trong cách hiểu của các quận huyện là đầu tư hạ tầng xã hội hay hạ tầng kỹ thuật.
Để tháo gỡ khó khăn này, mới đây UBND TP đã có văn bản hướng dẫn các quận huyện là trong trường hợp chủ đầu tư chưa đủ điều kiện xây trường sẽ được yêu cầu bàn giao đất cho địa phương, sau đó UBND quận huyện lập dự án đầu tư xây dựng trường từ vốn ngân sách.
Ở góc độ khác, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, nhận xét, việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch đất giáo dục tại các quận huyện hiện nay còn thấp (mới đạt tỷ lệ 47%) so với chỉ tiêu đã được TP phê duyệt. Chưa kể, việc kiểm soát tình hình nhập cư vào các địa bàn cửa ngõ, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng dân số cơ học tăng nhanh làm ảnh hưởng công tác dự báo, phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt, tạo áp lực lớn về cơ sở hạ tầng và nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi đi học.
Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TP lưu ý UBND các quận huyện thường xuyên rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để có các giải pháp kịp thời trong bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống trường học nhằm đảm bảo mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân số.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đề nghị các quận huyện lập kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định 02/2003 của UBND TP, định hướng đến năm 2025 phù hợp với tình hình mới về phát triển kinh tế - xã hội ở từng quận huyện.
Riêng đối với những nơi có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh hoặc đang trong quá trình đô thị hóa cao, khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày thấp, cần kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập cư tránh làm phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí trường học theo địa bàn khu vực.
Thời gian tới, TP sẽ tăng cường một số biện pháp như đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất “sạch”, rà soát và xây dựng lộ trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục theo hướng dồn ghép, xóa điểm trường lẻ, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học cho người dân.