Tăng cường tuần tra và vận động nhân dân
Trong vai người dân cần đưa nhóm người thân qua Campuchia lao động, sẵn sàng chi cả chục triệu đồng/người nếu thành công, chúng tôi tiếp cận với “cánh xe ôm” và người bán vé số dọc quốc lộ 22 và lân cận biên giới quanh khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) thì chỉ nhận được cái lắc đầu, xua tay từ chối. Ông N.V.T (60 tuổi, hành nghề xe ôm) trần tình: “Bây giờ không ai dại dột làm việc này chú ơi, nếu bị phát hiện là bắt giam luôn, 10 triệu đồng có nhằm nhò gì khi tôi và người thân của chú bị bắt và cách ly. Dọc biên giới ở khu vực Mộc Bài đều có lực lượng canh phòng nên không có cách nào qua được đâu”. Còn ông H.V.T (65 tuổi, bán vé số) thì tâm sự: “Nói thật với anh, trước đây tôi làm “cò”, giới thiệu người cho các nhà xe hay đưa người qua lại khu vực biên giới kiếm chút đỉnh, nhưng giờ kiểm soát chặt quá, hở ra là mang tội liền nên giờ tôi bỏ nghề rồi…”.
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước (quản lý 260km đường biên giới giáp Campuchia) phối hợp với công an đã triển khai 62 tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19 cố định và 11 tổ tuần tra cơ động tiến hành tuần tra, kiểm soát, siết chặt quản lý trên tuyến biên giới 24/24 giờ. Riêng đối với các cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu và cửa khẩu Lộc Thịnh còn có các lực lượng y tế hỗ trợ. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại các huyện biên giới Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, nhiều người dân buôn bán, qua lại khu vực biên giới đã được cơ quan chức năng thông báo, hạn chế qua lại và hầu hết chấp hành tốt. Khi phát hiện đối tượng nhập cảnh trái phép, người dân và lực lượng chức năng nhanh chóng phối hợp để bắt giữ. Nhờ đó, đến nay Bình Phước là một trong 17 tỉnh không có ca mắc Covid-19.
Nhờ tai mắt của dân
Theo Trung tá Lê Văn Đàm, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, lực lượng chức năng tăng cường giám sát, bởi các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép có nhiều thủ đoạn tinh vi như: rọi đèn pin báo hiệu cho nhau khi chuẩn bị vượt biên và khi qua trót lọt mới nhận tiền nên rất khó phát hiện. Nhưng nhờ lực lượng được tăng cường và nhiều biện pháp tuyên truyền, răn đe và nhất là vận động người dân ở khu vực biên giới chủ động cung cấp thông tin (kể cả thưởng nóng) nên việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới được khống chế tốt hơn.
Toàn tỉnh Tây Ninh có chiều dài khoảng 240km đường biên giáp Campuchia, trong khoảng thời gian từ 10-3 đến 22-12-2020, tình hình nhập cảnh trái phép trên địa bàn có lúc diễn ra phức tạp với 199 vụ và 375 đối tượng bị bắt giữ; trục xuất 41 người Trung Quốc nhập cảnh “chui” thì từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh bắt giữ 62 vụ với 25 đối tượng, xử phạt hành chính gần 240 triệu đồng, mở rộng điều tra 2 vụ và riêng tại Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài phát hiện 10 vụ nhập cảnh trái phép, di chuyển từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam.
Mới nhất là ngày 6-3, từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng phát hiện 9 đối tượng (quốc tịch Trung Quốc) trốn tại ấp Long Bình, xã Long Chữ giáp ranh xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Ngày 7-3, bắt giữ thêm 7 đối tượng liên quan nhóm trên đang lẩn trốn tại một chòi giữ vườn cao su để tìm đường xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Các đối tượng khai nhận đã đi bộ từ Quảng Tây (Trung Quốc) qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam, có xe đón về Hà Nội, rồi vào TPHCM để tìm đường sang nước thứ 3 làm việc (chưa rõ quốc gia), khi tới Tây Ninh thì bị phát hiện, bắt giữ.
Còn tại Bình Phước, chỉ hơn 1 tháng sau Tết Nguyên đán, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt giữ gần 200 người nhập cảnh trái phép, trong đó cơ quan chức năng đã khởi tố 5 đối tượng tổ chức cho người nhập cảnh trái phép và bàn giao cho Công an tỉnh tiến hành điều tra; 74 đối tượng bị xử phạt hành chính số tiền gần 133 triệu đồng.
Vụ mới nhất là vào ngày 14-3, từ tin báo của người dân về một nhóm người nước ngoài di chuyển qua xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh), Công an huyện Lộc Ninh đã nhanh chóng xác minh thông tin và triển khai phương án truy bắt 5 người Trung Quốc (từ 19-23 tuổi), không có hộ chiếu, trong đó 4 đối tượng có giấy căn cước công dân Trung Quốc, 1 đối tượng không có giấy tờ tùy thân. Các đối tượng khai nhận đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ ngày 7-3 qua đường tiểu ngạch trên tuyến biên giới phía Bắc, sau đó di chuyển bằng đường bộ đến khu vực ngã ba Chiu Riu thuộc xã Lộc Thạnh, nghỉ tại một phòng trọ và chờ thuê ô tô về TPHCM thì bị bắt giữ.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng trên cả nước đã phát hiện 13.000 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó riêng tuyến biên giới với Trung Quốc là 8.300 đối tượng. Theo lực lượng chức năng, khả năng là các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với đối tượng ở trong nước để tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào nội địa và sang nước thứ ba. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân làm ăn, sinh sống ở các nước lân cận có nhu cầu về nước điều trị, tránh dịch thì công tác chống xuất nhập cảnh trái phép phải được tăng cường hơn nữa. Cần nhanh chóng điều tra, xử lý thật nghiêm các đường dây, nhóm đối tượng tiếp tay, tổ chức nhập cảnh trái phép qua biên giới. |