Nỗ lực phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

(ĐTTCO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đang cùng các quận huyện, phường xã đến tận từng khu phố, chợ, vận động người dân, người làm ở tổ dân phố, người làm nghề tự do, nội trợ, tiểu thương… tham gia BHXH tự nguyện. 
Sự đổi mới trong tiếp cận, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện nhằm giúp người dân, nhất là người lao động tự do, nắm kỹ lợi ích của việc tham gia BHXH để có lương hưu lúc tuổi già. 
Còn nhiều băn khoăn 
Sự tham gia BHXH tự nguyện của người dân trên địa bàn TPHCM đang ở con số khiêm tốn, khoảng 6.000 người (trong khi đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 2,3 triệu người). Trên bình diện chung, nhiều người rất quan tâm về việc người làm nghề tự do, nội trợ, tiểu thương… hoàn toàn có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, người dân còn băn khoăn nhiều về mức đóng BHXH, quyền lợi được hưởng kèm theo. 
Bà Lê Thị Thủy (ngụ quận 5) cho hay, bà rất thích chính sách BHXH tự nguyện, song không rõ sự hỗ trợ của Nhà nước như thế nào giúp người dân có thể tham gia BHXH tự nguyện một cách thuận lợi nhất. “Người tham gia BHXH bắt buộc được các cơ quan, doanh nghiệp đóng một phần tiền, nhưng người tham gia BHXH tự nguyện thì không. Vậy Nhà nước có sự san sẻ, hỗ trợ nào không”, bà Thủy băn khoăn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu (56 tuổi, ngụ quận 1), có người con trai trước đây từng đi làm công nhân ở một khu chế xuất và đóng BHXH bắt buộc được hơn 10 năm. Hiện nay, con bà Thu không đi làm công ty nữa mà ở nhà chạy xe ôm. Bà Thu chưa rõ con trai bà có tham gia BHXH tự nguyện được hay không? Nếu có, thì quá trình tham gia có được tính cộng dồn, liên tục không?
Nỗ lực phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ảnh 1 BHXH TPHCM làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện cho người dân . 
Còn ông Nguyễn Văn Chung (45 tuổi, ngụ quận 1) thì băn khoăn về chế độ hưởng. Ông Chung chia sẻ, ông chỉ thấy cán bộ BHXH nói về tham gia BHXH tự nguyện thì chế độ chỉ có hưu trí và tử tuất; vậy người dân tham gia BHXH tự nguyện mong muốn có đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) như BHXH bắt buộc thì có được không? 
Nhà nước hỗ trợ đa dạng
Ông Lâm Phong, Giám đốc BHXH quận 5, cho biết người tham gia BHXH tự nguyện đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn, để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng/người/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở tính đến ngày 30-6-2019 là 1,39 triệu đồng/tháng, 20 lần lương cơ sở là 27,8 triệu đồng.
Như vậy, mức thấp nhất đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 154.000 đồng/tháng và mức cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng, tính đến ngày 30-6-2019. Từ ngày 1-7, lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất là  6.556.000 đồng/tháng. Về phương thức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. 
Về mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, Giám đốc BHXH quận 5 cho hay, diện hộ nghèo, ngân sách hỗ trợ 30% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện; hộ cận nghèo, tỷ lệ này là 25% và các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Bà Lê Thị Tuyết Linh, Phó Giám đốc BHXH quận 1, chia sẻ trên địa bàn quận 1 có rất nhiều đối tượng là lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống… mà chưa tham gia BHXH bắt buộc, đều là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo bà Linh, con trai bà Thu đã tham gia BHXH bắt buộc được 10 năm nay, bây giờ chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện thì quá trình sẽ được cộng nối tiếp tục, chế độ sẽ được hưởng hưu trí và tử tuất, còn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tham gia BHYT cùng với gia đình. Con bà Thu có thể liên hệ với BHXH quận 1 hoặc cung cấp thông tin, BHXH quận 1 sẽ cử người đến tận nơi hướng dẫn anh ấy tham gia BHXH. 
Về đề nghị của người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng đủ 5 chế độ BHXH như người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH TPHCM ghi nhận và kiến nghị lên cấp cao hơn để tổng hợp và trình Quốc hội xem xét; còn việc tham gia BHXH tự nguyện khi đủ tuổi đời và thời gian đóng thì sẽ được giải quyết chế độ hưu trí, ngoài ra còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trọn đời. 
Theo BHXH TPHCM, năm 2019, TPHCM đặt mục tiêu phát triển thêm 20.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng, nên ngay từ đầu năm, BHXH TP và BHXH các quận huyện đã triển khai đồng loạt, mở rộng việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tại quận 1, BHXH quận 1 đã gặp gỡ trực tiếp tiểu thương mời tham gia BHXH tự nguyện; gặp các ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ dân phố để phối hợp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Tại quận 5, quận Bình Tân, BHXH quận đã phối hợp, mời chị em phụ nữ tới trao đổi các vấn đề về BHXH, BHYT. Người dân muốn tham gia BHXH tự nguyện có thể đến đại lý thu BHXH, BHYT đặt tại UBND xã phường hoặc bưu cục của Bưu điện trên địa bàn để đăng ký. Hoặc, người dân có thể gọi điện, cung cấp thông tin và nhân viên thu BHXH sẽ tới tận nhà làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện giúp người dân.
 Với những gia đình có người tham gia BHXH bắt buộc và những người khác tham gia BHYT, BHXH quận 1 cho biết, người tham gia BHYT hộ gia đình chỉ tính những người không thuộc đối tượng đã tham gia BHXH bắt buộc, và hoàn toàn có thể đóng nhiều đợt. Trong đó, người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương khoảng 750.000 đồng/thẻ BHYT/12 tháng); người thứ hai đóng bằng 70% của người thứ nhất; người thứ ba đóng bằng 60% của người thứ nhất; người thứ tư đóng bằng 50% của người thứ nhất; người thứ năm trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất. Phần còn lại, ngân sách nhà nước hỗ trợ. 

Các tin khác